Cầu Long Biên và câu chuyện ngàn năm

15/09/2010 22:54 GMT+7 | Cầu Long Biên

(Bài dự thi) - Từ hàng ngàn năm trước, mọi nền văn minh trên thế giới đều bắt nguồn từ các dòng sông.

Chúng ta biết đến Ai Cập với dòng sông Nil màu mỡ, biết đến Trung Hoa với sông Trường Giang và Hoàng Hà hũng vĩ, biết đến Ấn Độ với dòng sông Hằng huyền thoại... Việt Nam ta cũng được biết tới với dòng sông Hồng đất mẹ cùng nền văn minh lúa nước xưa kia. Và, nhắc tới sông Hồng, ta không thể không nhắc tới cây cầu Long Biên bắc dài qua hai thế kỉ. Khi thời gian đã phủ lên hình hài sông núi quá nhiều sự thay đổi, Hà Nội hôm nay đã có một dáng vẻ mới, diện mạo mới, nhưng cầu Long Biên và những câu chuyện ngàn năm vẫn được lưu truyền ngàn đời…
 
Long Biên, ngay từ cái tên gọi của cây cầu đã rất gợi liên tưởng, dường như là gắn liền với Thăng Long lịch sử. Đây là cây cầu dây thép đầu tiên được bắc ngang qua dòng sông Hồng, do kiến trúc sư nổi tiếng nhất thế giới Gustave Eiffel thiết kế. Được xây dựng từ năm 1898, cầu Long Biên đã trở thành một trong bốn cây cầu dài nhất thế giới và nổi bật nhất Đông Dương vào thế kỉ XIX. Cầu Long Biên đã gắn liền với lịch sử hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi mà các điểm cao trên thành cầu đã trở thành ụ pháo cao xạ chống máy bay của địch trong thời gian chiến tranh.

Khi đất nước chuyển mình thống nhất, cầu Long Biên trở thành một đầu mối giao thông quan trọng, kết nối buôn bán xa gần giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, cây cầu ấy đã chứng kiến biết bao thế hệ đi qua và hướng tới những chân trời mới mẻ, rộng lớn. “Cho đi tất cả để nhận về tất cả”, hàng ngàn người đã công thành danh toại, mang về Hà Nội biết bao điều tốt lành, làm rạng danh người Tràng An.


Ảnh: Cao Mạnh Tuấn

Ngày nay, khi có nhiều cây cầu mới được xây dựng, lượng lưu thông trên cầu Long Biên không còn đông đúc như xưa, nhưng giá trị lịch sử và văn hóa của cây cầu lại vô cùng to lớn. Cầu Long Biên vẫn đứng đó, mặc cho mưa nắng dãi dầu, mặc cho thời gian qua mau, mặc cho bao thay đổi của cuộc sống, cây cầu vẫn trăm năm trầm mặc, vẫn đượm màu cổ tích, chỉ lặng im mà nói bao lời…Người Hà Nội vẫn nhắc tới cầu Long Biên với sự gắn bó trong từng nỗi niềm, từng suy ngẫm. Từ người già tới các chàng trai, cô gái…vẫn ngày ngày đứng trên cầu, ngắm nhìn thành phố với tất cả những gì thân thương nhất. Không gian dường như cũng lắng lại, chậm rãi và mênh mông. Có những vị khách từ phương xa tới, họ dừng lại ngắm nhìn cây cầu, đứng trên đó để nhìn ngắm cảnh vật xung quanh, cảm nhận làng quê thanh bình no ấm, phảng phất chút khói lam chiều trên triền đê uốn lượn xa xăm. Gió từ bờ sông miên man thổi, như ngọn gió từ ngàn xưa nhớ cõi đi về.

Những giá trị truyền thống tốt đẹp luôn luôn cần được lưu truyền và gìn giữ. Cây cầu Long Biên từ lâu đã trở thành một biểu tượng gợi nhớ về Thăng Long ngàn năm lịch sử trong lòng người Hà Nội và bạn bè quốc tế, về một thành phố đang ngày càng phát triển nhưng vẫn giữ được những nét đẹp cổ kính. Tôn vinh cây cầu cũng chính là thắp lên ngọn lửa tôn vinh truyền thống của cha ông, tôn vinh những hình ảnh hào hùng trong quá khứ của dân tộc và giữ cho ngọn lửa ấy sáng mãi tới muôn đời. Để cho các thế hệ cháu con của Hà Nội ngàn năm biết tới và nhớ rằng:

“Hà Nội có cầu Long Biên
Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng
Tàu xe đi lại thong dong
Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi...”

Nguyễn Thị Thu Hương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm