Cầu Long Biên trong ký ức hàng triệu con người

14/09/2010 17:31 GMT+7 | Cầu Long Biên

(Bài dự thi) - Cầu Long Biên vượt qua sông Hồng thuộc đất Long Biên của kinh thành Thăng Long cổ kính xưa – Hà Nội ngày nay. Hỏi các nhà sử học và các nhà Hà Nội học thì đều nhận được câu trả lời tương tự là không biết cây cầu này mang tên Long Biên vào thời gian nào và do ai khởi xướng…

Còn trên thực tế biển gắn ở đầu cầu vẫn còn nguyên vẹn, cầu mang tên của toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Paul Doumer, mang quốc tịch Cộng hòa Pháp. Chính ông này đã đề xuất xây dựng cầu vượt qua sông Hồng, vị trí xây dựng nối liền phố cổ Hà Nội với các tỉnh phía bắc sông Hồng – vùng văn hóa lúa nước có tài nguyên thiên nhiên phong phú…, trong đó có cảng Hải Phòng - một cửa ngõ giao lưu với thế giới vô cùng quan trọng với người Pháp xâm chiếm nước ta. Ngoài vấn đề đó, mục đích rất quan trọng với chính quyền đô hộ của thực dân Pháp là điều động quân đội trung ương đến đàn áp các phong trào cách mạng ở vùng dân cư rộng lớn với thời gian nhanh nhất và với các thiết bị phục vụ chiến tranh hiện đại để giành lấy phần thắng chớp nhoáng.


Một góc cầu Long Biên ngày nay

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Chiếc cầu này bị nghiêng vì những dòng chiến xa thực dân điều quân từ trong thành phố sang sân bay Gia Lâm để tăng cường chiến trường Điện Biên Phủ…”, cũng không có tài liệu nào nói làm cách nào để cây cầu cân bằng trở lại. Rất có thể vào tháng 10 năm 1954 đoàn quân Việt Minh cùng xe pháo rầm rộ vào giải phóng Hà Nội đã làm cân bằng cây cầu lại.

Ông Paul Doumer đã xin tiền của chính phủ Pháp để xây dựng cầu trong 4 năm. Khởi công ngày 12 tháng 9 năm 1898, hoàn thành ngày 3 tháng 2 năm 1902, và cầu được mang tên: Doumer (nguồn báo Văn Nghệ số: 35 năm 2008). Rất có thể, sau khi cầu được đưa vào sử dụng, thuận lợi cho việc đi lại lưu thông buôn bán giữa miền quê các tỉnh phía bắc sông Hồng với Hà Nội nên nhân dân ta đã đặt tên cầu là Long Biên cho dễ gọi. Vào những năm đó, dân ta có đến hơn 95% là mù chữ nên đọc tên tiếng Pháp vô cùng khó, hơn nữa ghét người Pháp đô hộ nên tên cầu Doumer đã đi vào quên lãng là dễ hiểu. Cái tên cầu Long Biên đã chính thức đi vào thơ, văn, văn bản từ ngày đất nước ta giành được chủ quyền với bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945.


Nếu tính năm khởi công xây dựng cầu từ năm 1898 đến năm nay 2010 thì cầu Long Biên đã vắt qua ba thế kỷ (XIX, XX và XXI) còn Hà Nội sắp đến tuổi tròn mười thế kỷ. Tuy cầu Long Biên được xây dựng bằng đồng tiền của Cộng hòa Pháp thời bấy giờ song thực ra đó là mồ hôi nước mắt của nhân dân ta bởi gần 20 triệu dân Việt Nam đặt dưới sự bảo hộ của Pháp đã bị bóc lột đến tận xương tủy, làm giàu cho chính quốc.

Trái ngược với quân Pháp, quân Mỹ lại muốn phá cầu Long Biên để làm tê liệt con đường giao thông huyết mạch. Trong 7 năm, 14 lần máy bay Mỹ ném bom, bắn tên lửa vào cầu Long Biên đã làm cây cầu bị thương nặng. Có hơn ba nhịp dầm dàn thép dài vượt qua vị trí rộng nhất, nước sâu nhất của sông Hồng, bị phá tan hoang rơi xuống lòng sông. Vết thương ấy vẫn ngày đêm rỉ nước vàng trên cơ thể cầu Long Biên. Cầu Long Biên giờ yếu lắm rồi, để chống đỡ với sự xuống cấp do thời gian, do môi trường, do hậu quả chiến tranh, những người thợ cầu Việt Nam đã tăng cường thêm các trụ tạm để chống đỡ các nhịp dầm thép nặng và dài. Tuy tuổi cao và yếu, hiện tại cầu Long Biên vẫn đưa đón các chuyến tầu hỏa chở người, hàng hóa, xe cộ... như những năm nào tuổi còn xuân phơi phới vào, ra Hà Nội.


Nếu so sánh về thời gian thi công, vóc dáng và lưu lượng các phương tiện giao thông vận hành qua lại thì chỉ có cầu Chương Dương có số liệu thống kê tương đương với cầu Long Biên. Còn chất lượng nền móng thì cần lưu ý, cọc làm nền móng mố trụ của cầu Chương Dương đa phần là cọc ván thép nên qua thời gian sử dụng khó kiểm tra và đánh giá chất lượng. Còn cầu Thăng Long thi công đúng 12 năm (1973 – 1985) mới hoàn thành. Còn lại cầu Thanh Trì và cầu Vĩnh Tuy là hai cây cầu bê tông cốt thép nặng nề sẽ hoàn thành vào năm 2010 và năm 2009, mỗi cây cầu chậm tiến độ nhiều năm trời ròng rã. Sự chậm trễ đã ngốn rất nhiều tiền của ngân sách, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, và cả cây cầu Long Biên già cỗi vẫn đang gồng mình chịu tải.

Có một Việt kiều ở Cộng hòa Pháp tên là Nguyễn Nga đã lập dự án Festival “Ký ức cầu Long Biên”. Festival diễn ra trên cầu Long Biên đã khơi gợi lại những ký ức tươi đẹp một thời. Đây là một sáng kiến đáng trân trọng, ngoài mục đích tri ân với cây cầu, còn giới thiệu với thế giới về nét văn hóa truyền thống độc đáo của phố cổ Hà Nội đã đang bước vào tuổi nghìn năm. Có một điều quan trọng muốn lưu ý đến những nhà tổ chức “Ký ức cầu Long Biên” là cầu đang ở giai đoạn xuống cấp. Cách đây mấy chục năm, trên sông Bo ở thị xã Thái Bình có tổ chức thi bơi, số người tập trung đông trên mặt cầu Bo để chứng kiến thì bất ngờ cầu bị sập… tai nạn đã xảy ra. Đây là bài học đáng lưu ý khi mà lượng người tham gia lễ hội trên cầu Long Biên tăng lên đột biến, chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng khó lường… Lo xa để có biện pháp tổ chức khoa học âu cũng là một việc không thừa.

Tuy là vật vô tri, vô giác nhưng cầu Long Biên đã thành một bộ phận cơ thể của Hà Nội hơn một thế kỷ qua. Cầu Long Biên đã hằn sâu vào ký ức của hàng triệu người. Thời gian cứ dầy lên, tình yêu cầu Long Biên đã đi vào tâm hồn ta lúc nào chẳng rõ, chỉ biết rằng khi xa Hà Nội, bên nỗi nhớ riêng tư gia đình, bè bạn thì hình ảnh cầu Long Biên luôn canh cánh trong lòng khi ta. Hà Nội có một cây cầu uyển chuyển như một con rồng bằng thép khổng lồ vượt qua sông Hồng lớn rộng, có một sức sống dẻo dai đến không ngờ và đã cống hiến cho con người nơi đây hơn một trăm năm qua. Để rồi ta trân trọng giữ gìn và cầu mong sự vững vàng của cầu Long Biên ngày một dài thêm…

Hà Nội, tháng 5 năm 2009

Nguyễn Đăng Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm