Cách trị bệnh "kinh niên" trên xe Honda SHi, PSi

11/12/2008 15:32 GMT+7 | Đời sống

Tuy bỏ ra những khoản tiền không nhỏ để sở hữu một chiếc xe tay ga "xịn", thế nhưng chủ nhân của những chiếc Honda SHi, PSi hay thậm chí là Piaggio đều gặp những phiền toái khi sử dụng.

Khốn khổ xe xịn

Tại cửa hàng Dũng "Lò Rèn" chuyên sửa chữa các loại xe máy tay ga có tiếng tại phố Hàng Gà, Hà Nội, có rất nhiều khách hàng sử dụng SHi và PSi đưa xe đến trong tình trạng xe không nổ được máy và bình ắc quy sau một thời gian sử dụng ngắn đã bị phồng rộp, hỏng.

Trao đổi với chúng tôi, anh Xuân, quản lý cửa hàng, cho biết: "mỗi ngày cửa hàng đều nhận sửa chữa cho rất nhiều chiếc xe tay ga bị hiện tượng này. Đa phần bệnh này phổ biến nhất ở các mẫu xe như Honda SHi, Honda PSi có xuất xứ từ Italia".

Ngay sau khi tiếp nhận chiếc Honda SHi "trở chứng" của một nữ khách hàng, anh Xuân tháo cho tôi xem cuộn điện của chiếc xe. Khi đưa đồng hồ đo thử các đầu dây trên từng cuộn, có thể thấy ngay cuộn điện đã tự hỏng mà không do bất kỳ nguyên nhân tác động nào từ bên ngoài.
 
Mới tắt khoá điện rồi khởi động lại, chiếc xe đã "trở chứng"
 
Anh Xuân cho biết, đây là một trong những trường hợp khá "may mắn" bởi cuộn điện sau khi bị hỏng đã không tác động xung điện đánh hỏng cuộn sạc cũng như làm hỏng bình ắc quy. Thông thường, "quy trình" hỏng hóc đặc biệt trên Honda SHi hay Honda PSi thường bắt đầu từ cuộn điện bị đứt. Sau đó với xung điện lớn do chập điện sẽ đánh hỏng Đi-ốt sạc gây ra hiện tượng sốc điện làm phồng rộp bình ắc quy.
 
Cuộn điện trên một chiếc Honda Shi
 
Với một "quy trình" hỏng như vậy, chủ xe có thể phải bỏ ra từ 400 nghìn (cuốn lại cuộn điện) cho tới hơn 1 triệu đồng để thay mới. Từ 800 ngàn (cho việc thay thế bằng một chiếc sạc khác đã qua sử dụng) cho tới hơn 1 triệu 600 ngàn đồng để thay thế chiếc sạc mới. Để thay thế bình ắc quy, chủ xe có thể phải bỏ ra tới 2 triệu đồng cho một chiếc bình ắc quy mới có chất lượng tốt.

Bắt bệnh

Giải thích nguyên do, anh Xuân cho biết đa phần cuộn điện trên mẫu Honda SHi và Honda PSi có chất lượng kém hơn loại dùng trên những chiếc Honda SH và Honda PS đời đầu. Đồng thời, vì không phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới, cuộn điện này có thể bị hỏng bất kỳ lúc nào mà không phụ thuộc vào tác động của người điều khiển gây hỏng.
 
Chiếc xạc trên xe Honda Psi
 
Nhằm khắc phục bệnh chết cuộn điện trên Honda SHi và Honda PSi, anh Xuân cho biết: "có nhiều chủ xe muốn thay bằng được các phụ tùng "xịn" được chính hãng sản xuất. Thế nhưng, thay thế một cuộn điện "dzin" chính hãng vẫn không thể đảm bảm bệnh chết cuộn điện hoàn toàn không xảy ra".

Để sửa chữa được bệnh này, chỉ cần cuốn lại cuộn điện hoặc sử dụng loại cuộn điện "dzin" trên những chiếc Honda SH hoặc Honda PS thường, hay cũng có thể dùng loại cuộn điện sử dụng cho xe Honda Dylan và Honda @ để thay thế.

Và để phát hiện sớm nhất có thể, chủ xe nên kiểm tra thường xuyên trạng thái của bình ắc quy bằng cách kiểm tra độ nóng sau mỗi lần vận hành hoặc kiểm tra xem bình có triệu chứng nhanh sụt điện hoặc bị phồng rộp hay không. Nếu có những triệu chứng như vậy thì cần phải mang xe đi kiểm tra sớm nhất có thể.

Nhằm hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra, anh Xuân nói vui rằng "nếu chủ xe nào có điều kiện thì sau khi mua xe về và mang đi thay ngay cuộn điện thì có lẽ sẽ đỡ bị "tra tấn thể lực" như chị chủ xe này".
 

Tại cửa hàng chuyên sửa chữa xe ga và xe phân khối lớn Gia Phong tại phố Giảng Võ, anh Phong, chủ cửa hàng, cho AutoPro biết hiện tượng chết cuộn điện dẫn tới chết xạc và làm hỏng bình ắc quy trên hai mẫu xe mới này là khá phổ biến. Tuy nhiên, do tâm lý "xe đắt tiền là xe tốt" nên không phải chủ xe nào cũng biết và mang xe đi kiểm tra thường xuyên.

Có nhiều chủ xe thay tới 3 bình ắc quy mới rồi vẫn cho rằng xe mình mua phải bình ắc quy "rởm" chứ không biết rõ xe đang bị hiện tượng gì. Cho tới khi mang xe đi đến những cửa hàng chuyên sửa chữa xe ga thì họ mới "té ngửa". Với việc thay cuộn điện và thay sạc, thường chỉ tốn khoảng nửa tiếng đồng hồ là có thể hoàn thành.

Những bệnh "khó chịu" khác của xe sang xứ Italia

Anh Phong cũng nói thêm về một vài bộ phận nữa trên Honda SHi và Honda PSi cũng cần được chú ý. Đó chính là hệ thống làm mát bằng két nước trên hai mẫu xe này.
 
Cần kiểm tra két nước làm mát định kỳ

Do thiết kế giữa máy và két làm mát cách nhau khá xa, tốc độ xe di chuyển chậm, nên hệ thống ống nước làm mát và bơm nước luôn phải hoạt động với cường độ cao. Sau một thời gian sử dụng, két nước làm mát có thể bị han rỉ dẫn tới việc làm giảm tiết diện của ống dẫn nước. Nếu để lâu có thể gây tắc và làm hỏng hệ thống bơm nước.
 
Một chiếc lọc gió đã "quá đát"
 
Để khắc phục hiện tượng này, chủ xe cần để ý và kiểm tra đồng hồ đo nhiệt độ và lượng nước trong két. Với những người cẩn thận, sau 2000km nên súc rửa hệ thống két nước làm mát một lần. Đồng thời nên đi xe ở tốc độ không quá chậm, do đi chậm dẫn tới két nước không đủ gió để làm mát. Được biết giá thành cho mỗi lần xúc rửa két nước làm mát từ 50 tới 80 ngàn đồng.

Ngoài ra, với những mẫu xe sử dụng hệ thống phun xăng điện tử FI, chủ xe cần chú ý bảo dưỡng lọc gió ở mức 2000km/1 lần bảo dưỡng. Đồng thời sau 8000km thì nên thay mới tấm lọc gió này. Nếu có điều kiện, chủ xe cũng có thể áp dụng quy trình bảo dưỡng và thay thế này với bầu lọc xăng.

Một lưu ý nữa khi vận hành xe có sử dụng hệ thống phun xăng điện tử FI, bạn nên chờ sau khi xe kết thúc quá trình bơm xăng khởi động (việc này có thể quan sát khi thấy đèn FI tắt) mới tiến hành khởi động máy. Tránh hiện tượng gây hỏng bơm xăng.
 
Bảo dưỡng tốt lọc gió và lọc xăng sẽ giúp tăng độ bền cho hệ thống phun xăng điện tử FI

Anh Phong cho biết thêm ngay cả mẫu xe Piaggio khi vận hành tại Việt Nam cũng có bệnh "kinh niên": xe tăng tốc bị giật cục, dây ga nặng và chặt sau một thời gian ngắn sử dụng.

Nguyên nhân là do môi trường vận hành tại Việt Nam dễ gây ra hiện tượng bám bụi trên bát côn truyền động cũng như do thiết kế dây ga, dây phanh sau của mẫu xe Piaggio thường khá dài nên khi bị bám bụi dễ gây hiện tượng nặng và kẹt dây.

Khi gặp những triệu chứng này, chủ xe chỉ cần mang xe tới cửa hàng sửa chữa xe máy để vệ sinh bụi bẩn tại hệ thống truyền động. Với dây ga và dây phanh, nếu không có thời gian bảo dưỡng thường xuyên hoặc muốn sử dụng được nhẹ nhàng hơn, chủ xe có thể sử dụng loại dây "thửa" với những tính năng như mềm và nhẹ nhàng hơn.

Chi phí bảo dưỡng hạng mục này có mức dưới 50 ngàn đồng cho một lần vệ sinh hệ thống truyền động và bảo dưỡng dây ga, dây phanh và khoảng từ 70 tới 90 ngàn đồng cho việc thay thế dây ga, dây phanh "thửa".

Theo Autopro

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm