Bạo lực học đường và câu hỏi về trách nhiệm

19/03/2010 08:17 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Bạo lực học đường, không còn là hiện tương cá biệt. Theo báo cáo của 38 sở GD ĐT, từ năm 2003 đến nay có hơn 8000 vụ học sinh đánh nhau. Chắc còn xa so với sự thật. 

Chính ông Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ Công tác SVHS- Bộ GD&ĐT nói: “dư luận chỉ biết thông tin từng vụ việc khi báo chí đưa tin” hoặc “được đưa lên mạng”. Chắc chắn còn nhiều vụ báo chí không đưa tin, không đưa lên mạng, các cấp quản lý làm sao biết được? 

Nữ sinh bạo hành bạn ở Lào Cai (Ảnh Xahoimang.com)

Ngay như “Clip nữ sinh bị đánh hội đồng”, nếu như em Mai Thùy Linh không tung clip lên mạng sẽ chẳng ai biết. Và công an không vào cuộc để xác định danh tính 10 học sinh “tham chiến” thì có lẽ BGH nhà trường, cô giáo chủ nhiệm, hay cha mẹ của em đâu có biết sự thực này? Nếu thế ắt hắn vụ hành xử theo kiểu xã hội đen diễn ra trước măt mọi người, giữa thanh thiên bạch nhật này sẽ bị ỉm đi.

Học sinh giải quyết mâu thuẫn, nói mâu thuẫn cho to tát, thực ra toàn chuyện giời ơi đất hỡi: Nhìn đểu nhau, không cho nhau “cóp” bài khi kiểm tra, ghen tuông vớ vẩn, khi chơi ở sân trường “giẫm vào chân nhau”, chuyện chỉ “nhỏ như con thỏ”, ấy vậy là rủ bạn đến đánh “hội đồng” cho hả dạ. Đánh thật dã man, túm tóc, đấm đá vào mặt, giật áo, đạp vào đầu bạn. Quả là đòn thù.

 Rõ ràng ở gia đình các em không được cha mẹ dạy kỹ năng sống đầy đủ, lúc đến trường, các thầy cô giáo chỉ lo nhồi nhét kiến thức khô cứng các môn khoa học cơ bản mà xem nhẹ nhiệm vụ quan trọng là phải dạy học trò nhận thức được cái phải, cái trái, cái chân, cái thiện, biết bỏ qua những cái cần bỏ qua. Nhiều lỗi lầm chỉ cần xin lỗi nhau là đủ. Bạn bè ứng xử với nhau cho có văn hóa, thương yêu đùm bọc nhau theo kiểu  “đôi bạn giúp nhau cùng tiến” như đã có trong nhà trường vài chục năm trước đây đâu rồi?

Clip nữ sinh bị đánh hôi đồng”, cũng như nhiều clip đặc tả cảnh hỗn chiến của nữ sinh ở Phú Thọ, Hà Tĩnh, Bắc Giang… trách nhiệm, trước hết thuộc về cha mẹ học sinh và nhà trường.

Tôi xin đề cập đến vai trò Đoàn TNCSHCM, khi tháng 3 này đang là “Tháng thanh niên”. Theo tôi biết, mỗi lớp học ở trường THPT đều có một chi đoàn, số lượng Đoàn viên không ít. Cuộc hành hung tập thể ồn ào như vậy, đoàn viên của lớp có biết không? Trong 10 người tham gia đánh nhau có ai là đoàn viên không? Thái độ của tổ chức Đoàn như thế nào? Hãy để cho các bạn trẻ biết chịu trách nhiệm, tự giải quyết hậu quả do mình gây nên, đó cũng là niềm tin, biện pháp phù hợp. Cánh trẻ họ hiểu nhau, thông cảm với nhau, nói chuyện, giúp đỡ nhau dễ dàng hơn.

Lê Sĩ Tứ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm