Ai làm khó giáo dục, người lớn hay trẻ con?

12/08/2012 13:52 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Phương pháp giáo dục mang nỗ lực đổi mới là chủ đề cuộc thuyết trình “Học văn và học ngôn ngữ” tại Hà Nội tối 9/8. Nhưng các ý kiến phản hồi chứng tỏ một điều: cải cách giáo dục đang gặp khó do tư duy của chính người lớn.

Buổi thuyết trình “Cơ chế học văn và học ngôn ngữ ở phổ thông” diễn ra ở Trung tâm Văn hóa Pháp. Nhà giáo, GS Phạm Toàn - người sáng lập nhóm Cánh Buồm - là nhân vật thuyết trình. Đây chỉ là hoạt động giới thiệu cho một sự kiện quan trọng hơn: ra mắt bộ sách giáo khoa tiểu học của nhóm Cánh Buồm vào ngày 6/10.

Qua vài phản hồi của khán giả, có thể thấy trước khó khăn mà lý thuyết “giáo dục hiện đại” của nhóm Cánh Buồm, dù hướng đến đổi mới và nhân văn, sẽ gặp phải.



Trẻ con “mở cửa” với việc học nên rất đáng hy vọng, còn người lớn nhiều lại tự “đóng cửa” do chính cách tư duy sáo mòn.

Một quan niệm “bình thường” về tài, đức

Một khán giả nữ tự giới thiệu là “một phụ huynh bình thường” chia sẻ: “Tôi nuôi dạy con chỉ mong nó lớn lên có tài, đức. Tài là có thể kiếm đủ tiền nuôi sống bố mẹ, ông bà, gia đình, cho bố mẹ đi du lịch khi về già. Còn đức là hiếu thảo đủ để chịu mang tiền về cho bố mẹ”.

“Đó là mong muốn của những phụ huynh bình thường”, chị khẳng định. Sau một vài phân tích dài dòng, chị thể hiện quan niệm giáo dục như sau: Mục tiêu chính của giáo dục là đưa Việt Nam tăng bậc trong bảng xếp hạng kinh tế, ngày càng tránh xa nhóm nước nghèo.

Sau đó, khi phát biểu tổng kết buổi thuyết trình, nhà giáo Phạm Toàn không bình luận kỹ về ý kiến của chị phụ huynh này, nhưng có nói một câu có lẽ là lời đáp dành cho chị: “Cái khó của giáo dục nằm ở người lớn chúng ta chứ không phải ở trẻ con”.

Nếu như mọi “phụ huynh bình thường” đều nghĩ về tài, đức dựa theo thang đánh giá là tiền như vậy thì có lẽ nào mọi đứa trẻ “bình thường” đều đang đeo trên đầu cái “vòng kim cô”: Học để kiếm tiền nuôi cha mẹ? Và có lẽ nào, mỗi lần đứa trẻ lười học, cha mẹ chỉ cần “niệm chú” bằng mấy lời mắng mỏ, chẳng hạn “Không học thì cạp đất mà ăn à?” là lại đâu vào đấy? Kiếm tiền chỉ là mục tiêu bộ phận, khi người ta biến nó thành mục tiêu toàn thể có khả năng giáo dục đang lâm nguy.



Tranh minh họa trong sách của nhóm Cánh Buồm giúp học sinh tưởng tượng và hình dung để có sự đồng cảm với thân phận con người. “Học sinh có thể thoải mái vẽ vào sách, chúng tôi khuyến khích điều đó”, nhà giáo Phạm Toàn nói.

* “Làm mẫu chứ không làm gương"

Tại tọa đàm, khán giả Nguyễn Đình Hiếu, một người nghiên cứu triết học có một phát biểu đáng chú ý. Anh nhắc đến cuốn sách “Kindergarten Is Too Late!” (tên tiếng Việt “Sau 3 tuổi thì đã muộn!”) của tác giả người Nhật Masaru Ibuka, đồng sáng lập hãng Sony danh tiếng.

Theo anh Hiếu, triết lý giáo dục của Masaru Ibuka và nhiều nghiên cứu khoa học của thế giới đã chỉ ra rằng sau 3 tuổi, con người mất đi rất nhiều tiềm năng phát triển và không bao giờ lấy lại được. Chẳng hạn, cho đứa trẻ học nốt nhạc trước tuổi lên 3 thì nó có thể trở thành nghệ sĩ, còn nếu sau 3 tuổi mới được học thì cả đời chỉ có thể là nghệ nhân.

Phát biểu có cơ sở của anh đặt ra câu hỏi: “Nhóm Cánh Buồm hướng đến giáo dục tiểu học, khi học sinh đã quá 3 tuổi, liệu có phải hơi muộn không?”.

Đáp lại ý kiến này, GS Phạm Toàn nói: “Chúng ta không nên sa đà vào các lý luận của thế giới, sẽ chỉ tốn tiền làm đề án mà thôi. Lý thuyết giáo dục của Việt Nam nằm ở chính trẻ em Việt Nam”.

“Người lớn chúng ta luôn dạy trẻ con theo kiểu: Nhớ chưa? Viết lại đi! Đọc lại đi!” - ông nói - thành ra những gì đứa trẻ học được đều là cách sao chép kiến thức có sẵn. Trong bài phỏng vấn trên Tia Sáng số ngày 5/8, ông khẳng định, phương pháp nhóm của Cánh Buồm sẽ là “làm mẫu nhưng không phải là làm gương mà là gợi ý, kích hoạt”, để người học nắm “cách làm ra sản phẩm”, tự tạo ra những thứ của chính họ.

* Học văn = học đồng cảm

Điểm sáng nhất trong lý thuyết giáo dục của nhóm Cánh Buồm chính là quan niệm về học văn. Nhóm Cánh Buồm không hướng đến các học sinh giỏi văn, viết nhoay nhoáy trong những bài thi và dành điểm cao; mà hướng đến những học sinh có “lòng đồng cảm với thân phận con người” và nhờ đó, biết “tự làm ra cái Đẹp”.

Tuy nhiên, quan điểm đó không phải ai cũng đồng ý.

Trong bài phản biện nhóm Cánh Buồm có tên “Học văn để làm gì?”, nhà nghiên cứu Ngô Tự Lập viết: “Môn văn không bao giờ chỉ đơn thuần có nhiệm vụ tạo ra năng lực đồng cảm hay giúp người học nhận thức ngữ pháp nghệ thuật. Nhiệm vụ chính của việc dạy văn là đào tạo con người dân tộc, thông qua đó bồi đắp bản sắc văn hóa. Người Pháp học văn học Pháp để trở thành người Pháp. Người Việt học văn học Việt để trở thành người Việt”.

Tất nhiên, học văn là phải học về tác phẩm và các nền văn học, sâu xa hơn là các nền văn hóa. Nhưng thực tế là nền giáo dục của chúng ta đã tạo ra không ít con người chỉ biết những tác phẩm đã được dạy, còn về sau, khi tự đọc một tác phẩm mới lại không biết cảm nhận thế nào vì không có năng lực đồng cảm.

Khi chúng ta nói “học”, ý nghĩa thực của nó là “tự học” trong cả cuộc đời chứ không phải “học trong nhà trường”. Năng lực cảm nhận là thứ sẽ hỗ trợ chúng ta trên con đường tự học đó. Năng lực đó là điều nhóm Cánh Buồm muốn truyền cho học sinh. Có thể ví von: Thay vì đưa cho học sinh quả táo, tại sao chúng ta không đưa con dao, vì con dao sẽ giúp học sinh gọt vỏ được nhiều quả táo khác nữa chứ không riêng gì quả đầu tiên?

Nhóm Cánh Buồm gồm các học giả, nhà giáo do GS Phạm Toàn sáng lập, với chủ trương giáo dục hiện đại. Một số thành viên khác là TS vật lý Nguyễn Thành Nam, TS giáo dục Nguyễn Thuỵ Anh, ThS Nguyễn Thị Thanh Hải, ThS Đinh Phương Thảo, dịch giả Dương Tường… Nhóm soạn mới hoàn toàn bộ sách giáo khoa các môn khoa học xã hội cho bậc tiểu học, lâu dài hướng đến hoàn thiện bộ sách giáo khoa phổ thông, nhưng hiện chưa đủ nhân sự.

Bộ sách giáo khoa của nhóm Cánh Buồm dự kiến ra mắt vào ngày 6/10 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội. Trên trang web riêng (hiendai.edu.vn), nhóm bày tỏ: “Chúng tôi đặt tên nhóm là Cánh Buồm với mong muốn giong buồm tiến hành công cuộc giáo dục hiện đại”.


Mi Ly


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm