50 năm "Hương rừng Cà Mau"

26/12/2012 07:01 GMT+7 | Đọc - Xem


(Thethaovanhoa.vn) - NXB Trẻ phối hợp với báo Tuổi trẻ TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm nhân dịp 50 năm tác phẩm Hương rừng Cà Mau (1962 - 2012) của cố nhà văn Sơn Nam ấn hành lần đầu tiên. Buổi tọa đàm diễn ra lúc 9h ngày mai (27/12) tại 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

Tham dự buổi tọa đàm có mặt các nhà văn, nhà nghiên cứu và bạn đọc yêu quý Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam, như: Lê Minh Quốc, Mạc Can, Võ Đắc Danh, Vũ Đức Sao Biển, Cao Xuân Sơn, ông Đinh Công Tâm - một độc giả tình nguyện làm “xe ôm” miễn phí cho Sơn Nam trong thời gian dài... Được biết tại buổi tọa đàm ngoài những trao đổi về Hương rừng Cà Mau, sẽ có ít nhất hai tham luận về tác phẩm này của nhà thơ Lê Minh Quốc và nhà văn Lý Lan.

Một trong các ấn bản Hương rừng Cà Mau trong hành trình 50 năm của tác phẩm này

Từ ngày Hương rừng Cà Mau ra đời đến nay, tác phẩm này được đưa vào sách giáo khoa và đã có không biết bao nhiêu lần tái bản thể hiện sức sống mãnh liệt của tác phẩm trong lòng rất nhiều thế hệ người đọc. NXB Trẻ đã tìm mọi cách tốt nhất sưu tầm những bìa sách Hương rừng Cà Mau ấn hành trong suốt 50 qua để làm thành một bức tranh trưng bày tại buổi tọa đàm và sau đó tặng gia đình nhà văn Sơn Nam đặt ở nhà lưu niệm ông tại Tiền Giang.

Nhân dịp 50 năm ấn hành Hương rừng Cà Mau, NXB Trẻ quyết định tri ân bạn đọc đã yêu quý các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam bằng cách giảm giá sách ở tất cả các hệ thống phát hành trên toàn quốc trong 50 ngày (tính đến hết ngày 17/2/2013).

Tại buổi tọa đàm, NXB Trẻ cũng sẽ phát động giải thưởng văn học mang tên Sơn Nam dành cho những tác phẩm viết về vùng đất Nam bộ. Giải thưởng văn học Sơn Nam sẽ được trao hằng năm lấy từ số tiền nhuận bút các tác phẩm của “ông già Nam bộ” đã ký gửi vĩnh viễn ở NXB Trẻ.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, cho biết: “Trước khi qua đời, nhà văn Sơn Nam đã trao toàn bộ tác phẩm của ông cho NXB Trẻ kể cả nhuận bút. Do vậy, để cảm tạ “ông già”, chúng tôi quyết định dùng toàn bộ nhuật bút tái bản sách của nhà văn Sơn Nam để lập giải thưởng văn học viết về Nam bộ mang tên ông. Đó là cách tốt nhất, ý nghĩa nhất để nhớ về nhà văn Sơn Nam”.

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm