V-League và chuyện 'nước chảy chỗ trũng'

21/08/2014 11:58 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Cùng với các bản báo cáo tổng kết, các phát biểu chỉ đạo từ cấp trên, BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp QG cũng đã mạnh dạn kiến nghị bổ sung sửa đổi Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp (BĐCN) được VFF ban hành năm 2013. Theo đó, đặc biệt lưu ý ở 2 điều: Điều 12 (tài chính) và Điều 38 (đăng ký tham dự giải).

Ở Điều 12, mỗi CLB tham gia giải hạng Nhất 2015 phải dự trù kinh phí tối thiểu là 15 tỷ đồng (so với 20 tỷ đồng). Theo người trong cuộc, đây là một bước lùi cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế đang phải chịu những khó khăn, với rất nhiều các đội bóng ở hạng Nhất đã tự rút lui ở mùa 2014 (dù vừa giành quyền thăng hạng).

Điều 38, những quy định về số lượng cầu thủ nước ngoài (phụ lục a, b khoản 8) cũng được bó lại với các CLB V-League, còn giải hạng Nhất 2015 sẽ không có cầu thủ ngoại. Thoạt nghe, đây hẳn phải là một bước đột phát trong việc kích thích đào tạo trẻ để đội bóng cũng như nền bóng đá tự thân vận động, phát triển…

Tuy nhiên, mọi thứ không hề đơn giản, bởi nó liên quan đến vấn đề quyền công dân. Nói như HLV Đoàn Phùng của CLB bóng đá Huế: “Nền bóng đá, với các giải đấu chỉ có thể thỏa thuận với nhau, chứ không thể cấm cản họ được. Chuyện ngoại binh nhập tịch thì rõ ràng là chúng ta đang phải chịu hệ luỵ sau một khoảng thời gian dài buông lỏng, thiếu kiểm soát”.

Hay nhìn từ trường hợp của B.Bình Dương chẳng hạn, VFF hay VPF hoàn toàn có thể thảo ra những văn bản luật và dưới luật ban hành quy chế (phục vụ cuộc chơi, giải đấu do mình tổ chức), quy định quỹ chuyển nhượng và số lượng cầu thủ được phép mua/mùa giải, số lượng đăng ký cầu thủ trẻ do họ đào tạo ra...

Giả dụ, nếu 26 cầu thủ là đương kim tuyển thủ QG, tức những người giỏi chuyên môn nhất, đều trẩy hội đất Thủ (điều hoàn toàn có thể xảy ra, thậm chí nó đã và đang xảy ra rồi, khi B.Bình Dương chiếm đến 1/4 quân số trên ĐTQG, đồng thời vẫn còn “om” nhiều cầu thủ giỏi đủ sức cạnh tranh suất chơi trên ĐTQG khác), thì V-League có còn là cuộc chơi đầy tính cạnh tranh như nhà tổ chức hướng tới nữa hay không?!

Nước đã và vẫn sẽ chảy chỗ trũng, như nguyên lý của nó, nhưng “đèn nhà ai nấy sáng” là điều đáng lo. Nền bóng đá, với các giải đấu được cho là hàng đầu, dù đã rất nỗ lực, cũng không thể cưỡng lại được cơ chế thị trường, song không thể bất lực nhìn sản phẩm của mình bị đồng hoá.

Trần Hải
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm