VFF khoá V: Kiếm tiền giỏi, tiêu tiền nhiều!

18/10/2009 15:20 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Từ 14 tỷ 668 triệu đồng được thừa hưởng từ khoá IV, chỉ trong vòng 4 năm, khoá V đã “nâng cấp” khoản tồn quỹ này khi kết thúc nhiệm kỳ thành 36 tỷ 567 triệu đồng, qua đó biến VFF khoá V trở thành nhiệm kỳ thành công nhất về mặt tài chính trong lịch sử VFF.

Nếu trở lại thời điểm đầu năm 2006 thì không thể tưởng tượng được rằng chỉ trong vòng một năm cuối cùng của nhiệm kỳ, khoá V đã kiếm được số tiền bằng cả 3 năm trước đó (2006, 2007, 2008) cộng lại. Cụ thể, nếu như năm 2006 VFF chỉ kiếm được 2,2 tỷ tiền tài trợ cho ĐTVN (nhưng trong đó 1,85 tỷ bằng hiện vật là trang thiết bị và nước uống), thì sang năm 2007, con số này trở thành 6,7 tỷ, năm 2008 là 8,6 tỷ và tới năm 2009 là 24,7 tỷ.

Trong nhiệm kỳ 4 năm của VFF, thời điểm khó khăn nhất có lẽ là năm 2006, khi ảnh hưởng của vụ dàn xếp tỷ số tại SEA Games 24 của ĐT U23 VN đã khiến hàng loạt nhà tài trợ ngoảnh mặt với bóng đá VN. Adidas, Vietcombank rồi Vietnam Airlines không tiếp tục gia hạn hợp đồng tài trợ, V-League 2006 cũng phải chờ tới giai đoạn 2 mới có tài trợ.

Trận ĐT Việt Nam – Olympic Brazil đã mang về cho VFF 17 tỷ đồng. Ảnh: VSI

Tuy nhiên, sự khởi sắc của bóng đá VN trong năm 2007 với VCK Asian Cup 2007 và vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008 đã khiến các nhà tài trợ dần dần quay lại. Bên cạnh đó, bản thân VFF cũng đổi mới phương thức vận động tài trợ, từ chỗ làm tập trung với giá trị lớn chuyển sang các gói tài trợ được chia nhỏ với số lượng nhiều, nên tình hình tài chính của VFF đã khả quan hơn rất nhiều.

Nhờ thế, những “thương hiệu” tốt nhất của VFF như ĐTVN, giải VĐQG đều tìm được tài trợ với giá trị cao (giá trị tài trợ của giải VĐQG và Cúp QG tăng 33%, từ 24 tỷ của khoá IV thành 32 tỷ của khoá V), và ngay cả những giải đấu vốn bị coi là không “hút hàng” như giải U19 QG cũng tìm được nơi “gả bán”.

Một nguồn thu rất lớn nữa của VFF là công tác tổ chức thi đấu, và tính sơ qua thì thấy VCK Asian Cup, vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008, trận Việt Nam – Olympic Brazil và trận chung kết lượt về AFF Suzuki Cup 2008 đã mang về cho VFF hàng chục tỷ đồng. Cụ thể, VCK Asian Cup 2007 đã mang về cho VFF 16,6 tỷ đồng, vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008 là 2,5 tỷ đồng, trận Việt Nam – Olympic Brazil là 17 tỷ đồng, trận chung kết lượt về AFF Suzuki Cup 2008 là 10 tỷ đồng.

Một khoản tiền khác dù không chiếm tỷ trọng lớn, nhưng cũng đánh dấu một bước tiến mới trong cách kiếm tiền của VFF. Đó là tiền bản quyền truyền hình, từ khởi đầu khiêm tốn là 590 triệu đồng năm 2005, đến năm 2009 VFF đã thu về khoảng 2,9 tỷ đồng, và trong năm 2007, VFF đã bán được bản quyền truyền hình quốc tế của ĐTVN với giá trị 660 triệu đồng (so với năm 2004 lần đầu tiên bán bản quyền truyền hình quốc tế được 40 triệu đồng).

Tuy nhiên, kiếm tiền nhiều như vậy song VFF tiêu tiền cũng “ác liệt” không kém. Đấy là lý do giải thích vì sao dù kiếm được tới 240 tỷ đồng, song VFF cũng đã chi hết 203 tỷ đồng. Chỉ riêng việc tổ chức các giải đấu quốc tế trong 4 năm nhiệm kỳ của khoá V đã khiến ngân quỹ VFF phải chi ra hơn 70 tỷ đồng (nhưng thu về 86 tỷ đồng tiền bán vé và quảng cáo). Đứng thứ hai trong danh sách “ngốn tiền” của VFF là việc tổ chức các giải đấu trong nước với hơn 40 tỷ đồng (nhưng các giải bóng đá quốc nội này cũng mang về cho VFF hơn 37 tỷ đồng từ các nhà tài trợ). Khoản chi lớn tiếp theo của VFF là chi cho các ĐTQG (23,3 tỷ đồng), nhưng con số này vẫn thấp hơn số tiền phải bỏ ra cho các hoạt động khác của VFF (26,1 tỷ đồng). Khoản chi còn lại của VFF nhiều hơn 10 tỷ đồng là tiền lương, công hợp đồng và phụ cấp trách nhiệm cho bộ máy VFF (11,2 tỷ đồng), còn các khoản chi các đều chỉ dưới 10 tỷ đồng.
 
 H.Huy

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm