'Vàng mắt' chọn Quả bóng Vàng

25/11/2015 12:13 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Trong một năm mà bức tranh bóng đá nước nhà khá ảm đạm thì nhiều ý kiến cho rằng việc bầu chọn danh hiêu Quả bóng Vàng (nam) Việt Nam chỉ có thể “so bó đũa chọn cột cờ”. Nhưng “so đũa” thế nào cũng là vấn đề đáng bàn.

1. Với nền bóng đá chỉ 1 lần vô địch khu vực, SEA Games chưa lần nào trong 40 năm trở lại đây, nên chuyện chọn ra cầu thủ cho danh hiệu QBV càng ngày càng nan giải.

Năm 2015, bóng đá Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng ở SEA Games 28 với lứa cầu thủ U23, rồi vòng loại World Cup 2018. Tuy nhiên, ở hai giải đấu quan trọng này, các học trò của HLV Toshiya Miura đều không thực sự thành công. Tấm HCĐ ở SEA Games 28 không thể giúp Huy Toàn, Ngọc Hải, Ngọc Thắng, Công Phượng, Văn Toàn, Duy Mạnh,… ghi điểm cao trong mắt người hâm mộ cũng như giới chuyên môn. Trong khi đó, thành tích của ĐTQG tại vòng loại World Cup 2018 không cao cũng không thể giúp những gương mặt sáng giá như Văn Quyết, Thành Lương, Công Vinh, Huy Toàn, Vũ Minh Tuấn thực sự nổi bật.

Xét ở cấp độ CLB, Công Vinh và Anh Đức có ưu thế hơn so với Văn Quyết, Thành Lương, Duy Mạnh (HN.T&T), thủ môn Nguyên Mạnh (SLNA), Vũ Minh Tuấn (T.QN) vì B.Bình Dương vô địch V-League và Cúp QG. Nhưng trên tổng thể, không có gương mặt nào thực sự nổi bật sau một năm cùng nhịp đập bóng đá nước nhà.

Chính vì thế, việc chọn ai để bầu cho danh hiệu QBV Việt Nam 2015 sẽ không dễ cho những người cầm trên tay lá phiếu. Đây là điều đáng buồn với bóng đá nước nhà bởi nó cho thấy tài năng của chúng ta vẫn khan hiếm quá, hay có thể do môi trường chưa thực sự tốt để cầu thủ Việt vượt giới hạn.

2. Danh hiệu của QBV Việt Nam sẽ được bầu chọn từ các lá phiếu của giới truyền thông và những nhà chuyên môn. Đối tượng đi bầu rất rõ ràng nhưng vấn đề đặt ra ở đây là các lá phiếu có dựa trên tiêu chí mà BTC đưa ra, hay có thực tế bị chi phối bởi tình cảm.

Còn chơi cho HAGL, Công Phượng khó giành Quả bóng Vàng

Còn chơi cho HAGL, Công Phượng khó giành Quả bóng Vàng

Công Phượng là sản phẩm của HAGL. Thậm chí, danh tiếng mà cầu thủ này có được một phần nhờ chiến lược truyền thông của HAGL. Nhưng còn chơi cho HAGL, Phượng khó có cơ hội giành Quả bóng Vàng.


Thực tế cho thấy ở bất kỳ cuộc bầu cử nào ở ta, dù lớn hay nhỏ cũng có những lá phiếu bị chi phối bởi tình cảm. Cảnh truyền thông yêu-ghét theo vùng miền, thậm chí đến giờ bỏ phiếu còn phân vân, lơ mơ, hỏi quanh tham khảo đồng nghiệp để bầu theo phong trào, đã là chuyện thường xảy ra. Cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu hàng năm là điển hình nhất.

 Còn ở cuộc bầu chọn QBV Việt Nam thì sao? Câu trả lời không ai ngoài những người được bầu trả lời đúng nhất.

Những chia sẻ của tiền đạo Anh Đức mới đây với trên Thể thao & Văn hóa  có gì đó ngậm ngùi. Anh Đức bày tỏ quan điểm rằng: “Cuộc bầu chọn này khó đảm bảo tính công bằng. Bởi lẽ những lá phiếu bầu chọn chỉ là cảm tính của mỗi người và ít khi cân đo đong đếm về những thành tích mà cá nhân cầu thủ đó đóng góp cho CLB lẫn màu áo ĐTQG. Bóng đá Việt Nam thì những chuyện đó là bình thường rồi. Nhiều khi những giải thưởng được xây dựng theo mối quan hệ tốt đẹp giữa người bầu và VĐV mà thôi”.

Hôm qua, Văn Quyết cũng có chia sẻ khá không vui với chúng tôi. Anh kể rằng đêm trao giải năm ngoái Minh Phương ôm chúc mừng vì cho rằng Quyết mới xứng đáng còn Thành Lương thì phát biểu đáng lẽ QBV phải thuộc về Văn Quyết.

 Liệu có chăng danh hiệu QBV Việt Nam được quyết định bởi một phần nhờ quan hệ kiểu- yêu-ghét như Anh Đức chia sẻ? Thế mới đặt ra mệnh đề “ai bầu?” cho QBV Việt Nam, với kỳ vọng những lá phiếu sẽ mang đầy trách nhiệm của người đi bầu, để giải thưởng thêm ý nghĩa.

Phạm Tâm
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm