U23 Bahrain: Thuốc thử không đúng liều của tuyển Việt Nam

29/10/2014 14:09 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây 4 năm, Olympic Việt Nam từng hạ Olympic Bahrain 3-1 để đặt một chân vào vòng 1/8 tại Asian Games 16 (Quảng Châu, Trung Quốc 2010).

Vậy tại sao chúng ta lại chọn U23 Bahrain, đội bóng thậm chí chưa thể so được với Olympic nước này (U23 + 3) làm “quân xanh” cho cữ chạy đà mang tính bản lề hướng tới AFF Suzuki Cup 2014 trên sân nhà?

Vài ngày sau trận đấu với U23 Bahrain trên sân Thống Nhất (chiều nay, 29/10), đội tuyển Việt Nam của HLV Toshiya Miura sẽ có trận đấu thứ hai với đội tuyển Sinh viên Hàn Quốc, đối tác truyền thống tại các giải bóng đá quốc tế TP HCM, một đối thủ không hoàn toàn xứng tầm khác.

Vấn đề không phải là tiền...

Như Thể thao & Văn hoá đã đề cập, giải bóng đá quốc tế TP HCM năm nay một lần nữa lại không thể tổ chức vì nhiều lý do khác nhau. Tất cả đều biết là ở cả các năm lẻ và chẵn (với U23 quốc gia tham dự SEA Games và ĐTQG tham dự AFF Suzuki Cup), giải đấu này được ví như bản lề, như thước đo năng lực chinh phục của các ĐTQG. Việc 2 năm liên tiếp giải đấu không diễn ra như dự định đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch chuẩn bị của các đội bóng. Nhưng, bóng đá xứ mình là thế!

Nhiều ý kiến cho rằng, tiền (kinh phí tổ chức và chi phí ra sân cho các đội khách mời) là bản chất vấn đề. Thậm chí, ngay cả khi giải bóng đá quốc tế TP HCM vẫn diễn ra, nhưng chúng ta không thể mời được các đội khách mời mạnh cũng vì lý do này?!

Thật ngạc nhiên khi qua tham khảo từ một số nhà tổ chức tư nhân, tiền lại không phải lý do chính. “Ai bảo khách mời đặt vấn đề tiền ra đầu tiên thì người đó hẳn chẳng biết gì về bóng đá và tổ chức giải đấu cả”, một ý kiến cho biết.

“Các đội bóng đến từ các nền bóng đá phát triển chú trọng nhiều hơn cho công tác chuẩn bị của BTC địa phương, thay vì phí ra sân (hay giải thưởng) như chúng ta vẫn nghĩ. Ví dụ như các chế độ ăn ở, di chuyển, chất lượng sân bãi và cuối cùng đối thủ của họ là ai. Tôi lấy ví dụ như phí ra sân với một đội bóng có doanh thu khổng lồ như Barcelona, chúng ta trả nổi không? Vấn đề là quan hệ và cách thức tiếp cận”, một trong số những đầu mối từng đưa Barca B đến Việt Nam cho biết.

... mà là thiếu kế hoạch cho ĐTQG

Theo thông tin của chúng tôi, cho đến sát thời điểm giải bóng đá quốc tế TP HCM diễn ra (dự định đầu tháng 11/2014), nhà tổ chức vẫn chạy đôn chạy đáo để kiếm được ít nhất 3 đội khách mời, nhưng vô hiệu. Như đã nhắc ở trên, tiền không phải là bản chất vấn đề, mà vấn đề nằm ở chỗ chúng ta luôn thiếu một kế hoạch dài hơi cho các ĐTQG, thậm chí cho cả nền bóng đá. “Cứ nước đến chân mới nhảy thì rất khó để mong đợi điều gì cả”, vẫn ý kiến ở trên cho biết.

Bóng đá Việt Nam thuộc khu vực Đông Nam Á, vùng trũng bậc nhất làng bóng đá thế giới, đó là sự thật. Sứt hút của nền bóng đá nói chung cũng như các ĐTQG nói riêng, không lớn như nhiều người nghĩ, nhưng đó cũng là chuyện bình thường thôi! Chỉ là một bộ phận trong chúng ta không nghĩ thế, thậm chí mắc sai lầm lớn, khi nghĩ tiền có thể giải quyết tất cả. Đừng hỏi tại sao, gần 20 năm nay, nền bóng đá mới chỉ mới được Juventus, Barca B, Olympic Brazil và Arsenal là hết!

FIFA đã khuyến cáo rằng không nên để các ĐTQG đá với CLB, dù chỉ là trận đấu hay giải đấu giao hữu. Ở khía cạnh nào đó chưa nói đến chuyên môn, ví như thương mại chẳng hạn, việc một ĐTQG thành viên đá với CLB, rõ ràng khiến FIFA cũng mất giá. Chúng ta có thể tự an ủi một cách “AQ” rằng đội tuyển Sinh viên Hàn Quốc cũng là một trong những thuốc thử liều cao, song vô hình chung, nó lại giảm giá trị của màu cờ sắc áo. Đem ĐTQG thi đấu với một đội bóng nghiệp dư kể ra cũng là nghịch lý.

Trần Hải
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm