U19 Việt Nam lại về nhì: 'Tí hon' David không thể chống nổi trời

14/09/2014 01:00 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Những kỳ vọng phi thực tế đặt lên vai U19 Việt Nam đã chấm dứt sau trận chung kết vừa qua, nhưng thực tế là họ cũng đã chơi hay quá mức những gì chúng ta có thể hy vọng nếu nhìn vào bức tranh toàn cảnh của bóng đá Việt Nam. Vì thế, khi cánh gà đã khép lại và sân khấu tắt đèn, đừng để họ đối diện với nỗi buồn một mình.

U19 Nhật Bản là ai?

Đó là một chiến thắng sít sao và tương đối vất vả của U19 Nhật Bản, nhưng khoảnh khắc mà Omotehara Genta sút tung lưới U19 Việt Nam cho thấy rằng đẳng cấp chênh lệch trời vực giữa hai đội vẫn tồn tại và thắng lợi này là tất yếu. 
Vì sao tất yếu ư? Chúng ta hãy nhìn qua đội hình xuất phát của đội U19 Nhật Bản ở trận này, với “xuất thân” và kinh nghiệm của họ:

Thủ môn
Yoshimaru Kenshin: Bắt cho Vissel Kobe (J-League)
Hậu vệ
Uchiyama Uki: trưởng thành từ đội trẻ Consadole Sapporo (J-League 2) và đã được đôn lên đội một
Miura Genta: Chơi cho Shimizu S-Pulse (J-League) và đã đá 1 trận trọn vẹn ở J-League
Oyama Keisuke: Chơi cho Omiya Ardija (J-League)
Kaneko Shota: Chơi cho Shimizu S-Pulse (J-League), đã từng ra mắt J-League vào ngày 30/8 vừa qua, trong trận hòa 2-2 trước Sagan Tosu.
Tiền vệ
Matsutomo Masaya: Chơi cho Oita Trinita, ra mắt J-League từ tháng Ba năm ngoái
Daisuke Sakai: Chơi cho U18 Oita Trinita
Daisuke Takagi: Chơi cho Tokyo Verdy (J-League 2), đã chơi 8 trận ở J-League 2, ghi một bàn và kiến tạo một bàn
Ando Akira: Chơi cho Fukushima United (J-League 3), đá 19 trận ở giải hạng Ba Nhật, ghi hai bàn 
Tiền đạo 
Ochi Yamato: Đại học quản lý Sanno
Naoki Ogawa: Đá cho Gamba Osaka (J-League), đã chơi 7 trận ở hạng Ba Nhật cho đội B, và 3 trận ở Cúp QG Nhật Bản.



Miura Genta (trái), đã ra mắt J-League trong màu áo Shimizu S-Pulse, chụp ảnh lưu niệm trong chuyến thăm Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cách đây vài ngày. Ảnh: JFA

Cầu thủ vào thay người và ấn định chiến thắng 1-0 cho U19 Nhật Bản, Omotehara Genta, đang chơi cho Ehime FC ở J-League 2, đã ra sân 13 trận, ghi 1 bàn.

Chúng ta rút ra được gì từ những thống kê ở trên: Đội hình xuất phát của U19 Nhật Bản trong trận gặp U19 VN có 6 người đang chơi cho các CLB J-League, 2 người đá cho CLB thuộc J-League 2 và 1 người chơi cho 1 đội ở J-League 3 (không biết V-League có bằng J-League 3 không), chỉ có 1 người đến từ đội bóng trường đại học (Ochi Yamato của Đại học quản lý Sanno) và 1 người vẫn đang ở đội U18 (Daisuke Sakai của U18 Gamba Osaka).

Trong đó, có 3 người đã ra mắt J-League, 2 người đã được ra sân tương đối thường xuyên ở J-League 2 và 1 người, theo thống kê, dường như còn là trụ cột của đội ở J-League 3 (Ando Akira của Fushimoto FC). Cầu thủ vào thay người Genta ghi bàn duy nhất cũng đã đá 13 trận ở J-League 2.

Một học viện chống lại một nền bóng đá

Số này tất nhiên được sàng lọc và chinh chiến khắc nghiệt từ môi trường bóng đá học đường của Nhật Bản đầy tính cạnh tranh và tiếp tục sàng lọc ở các lứa U của các CLB chuyên nghiệp Nhật Bản, trước khi thử lửa ở hạng đấu chuyên nghiệp. Đứng sau đội U19 Nhật Bản là cả một nền bóng đá hùng hậu đã phát triển cực kỳ mạnh mẽ trong bốn thập kỷ qua, có nội lực rất mạnh mẽ và đầy chiều sâu.

Đội U19 VN dự giải lần này chỉ có Trần Minh Vương (Hoàng Anh Gia Lai) từng ra sân ở V-League (anh cũng đoạt giải Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất V-League 2014), nhưng Vương chỉ là cầu thủ dự bị ở đội U19 VN và trận thua Nhật vừa rồi, anh thậm chí không được ra sân. Các cầu thủ U19 VN, với nòng cốt là học viện HA-GL. JMG, trước khi “xuống núi” cách đây một năm chỉ quanh quẩn trong khuôn viên của học viện và thậm chí còn chưa từng thử lửa ở một môi trường thật sự có tính cạnh tranh.



U19 Việt Nam đã không thể thắng U19 Nhật Bản, nhưng các em đã chiến thắng chính mình đầy thuyết phục. Ảnh: VSI.


Trên băng ghế HLV, nếu ông Guillaume Graechen vốn chỉ là một “thày giáo” đào tạo trẻ chưa biết bóng đá chuyên nghiệp là gì, thì phía bên kia, ông Masakazu Suzuki, hơn Graechen gần… 20 tuổi, đã có 14 năm là HLV chuyên nghiệp cùng CLB Jubilo Iwata. Ông Suzuki thậm chí hai lần được bầu chọn là HLV xuất sắc nhất J-League, liên tiếp vào các năm 2001 và 2002.

Tức đó là trận đấu giữa một đội bóng được xây dựng để chiến thắng và một tập thể vốn “học gạo” và cực kỳ non nớt, giữa một đội tuyển trẻ chất lượng của nền bóng đá hùng mạnh và một học viện tốt của một nền bóng đá yếu kém. Lợi thế duy nhất của chúng ta là sân nhà.

Thế nên, thất bại thậm chí là điều hiển nhiên. Nhưng điều bất ngờ nhất là cách chúng ta thất bại: Khi nhìn các cầu thủ trẻ Nhật chạy ra đường piste và ăn mừng với cả băng ghế dự bị sau bàn mở tỉ số, chúng ta hiểu rằng họ cũng cảm nhận được đây là một chiến thắng trầy vi tróc vẩy đến thế nào.

U19 Việt Nam đã chơi ngang ngửa và buộc đối thủ phải tôn trọng mình, từ trận đấu ở vòng bảng cho đến trận chung kết vừa qua. Các cầu thủ trẻ Nhật đã chơi chặt chẽ, kỷ luật thực sự và coi trận đấu là một ván cờ sẽ được giải quyết bằng tình huống, hơn là sự vượt trội về thế trận.

Tức là các cầu thủ trẻ Việt Nam đã chơi bóng vượt quá cả những gì nền bóng đá này có thể cung cấp cho họ, và không biến mình thành tấm thảm lót đường cho một tập thể rõ ràng là hùng mạnh hơn họ nhiều lần. Khoảnh khắc mà Genta sút tung lưới U19 Việt Nam là phút mà đẳng cấp đã lóe lên, nhưng trước đó là khoảng thời gian mà U19 Việt Nam đã thực sự vượt qua chính mình và thậm chí là hạn chế của cả nền bóng đá này.

Tương lai màu gì?

Cho dù là màu gì đi chăng nữa, thì đội U19 này vẫn xứng đáng nhận được những lời khen và khiến cả nền bóng đá này thực sự phải suy nghĩ, thậm chí cảm ơn họ, vì đã đơn độc tìm lại niềm vui trong trái tim các CĐV bóng đá Việt Nam, bằng một thứ bóng đá đẹp và tử tế. 

Lứa cầu thủ này sẽ phải đối mặt với một tương lai khó khăn, khi rời học viện và phải đấu tranh trong một môi trường bóng đá đã hủy hoại nhiều tài năng của bóng đá Việt Nam, nhưng những gì họ mang lại một năm qua cho thấy rằng bóng đá Việt Nam không hoàn toàn tuyệt vọng, chỉ cần một hướng đi đúng và sự đồng tâm nhất trí. Một sản phẩm cá biệt của một lò đào tạo đã có thể gây tiếng vang và thậm chí định hình lại một “thương hiệu” cho bóng đá Việt Nam rõ ràng là một bài học lớn và khiến những người làm bóng đá phải trăn trở.



Hãy chia sẻ với các em nỗi buồn ngày hôm nay, vì sự cố gắng hết mình và vượt qua cả chính mình. Ảnh: VSI.

Trong cuộc trăn trở ấy, chắc chắn sẽ không có những tranh cãi núp bóng sự nghiêm khắc chỉ để thỏa mãn cái tôi, những lạc quan tếu và những toan tính ích kỷ. Hãy trả bóng đá về đúng với những giá trị nguyên thủy của nó và thực sự đồng lòng, như cái cách các cầu thủ U19 đã chơi bóng và vượt qua cả những đánh giá thị phi khắc nghiệt, để giúp bóng đá Việt Nam làm sống lại cảm xúc trong lòng người hâm mộ và mở ra những hy vọng cho tương lai.

Còn hôm nay, hãy vỗ vai và động viên các em, không thể chỉ là những người khi vui thì vỗ tay vào. Nỗi buồn thất bại của những người đã cố gắng hết mình và nhận được sự tôn trọng của đối phương luôn là nỗi buồn đáng chia sẻ nhất.
Phạm An
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm