Tiền đạo Công Vinh: 'HLV Miura là sự lựa chọn hợp lý'

16/04/2015 12:42 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Có cơ hội làm việc với HLV Miura tại AFF Cup 2014, tiền đạo Lê Công Vinh cho rằng đây là sự lựa chọn hợp lý cho đội tuyển Việt Nam trong thời điểm này. Công Vinh cũng tiếc vì Văn Quyết không được nhận danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam 2014.

“Việc được đá bóng đã là một đặc ân. Tôi cảm thấy rất tự hào, khi đã đứng trên bục vinh danh 6/10 năm gần nhất trong sự nghiệp thi đấu, điều mà không phải cầu thủ nào cũng làm được. Tôi không cho phép mình dừng lại, mà sẽ tiếp tục cống hiến cho màu áo ĐTQG, chừng nào còn có thể.

Trong suy nghĩ, tôi muốn một lần nữa được nâng cao chiếc Cúp vô địch cùng đội tuyển và đó là lúc cơ hội đoạt danh hiệu cá nhân mở ra lại với mình”, Lê Công Vinh mở lời cuộc đối thoại với Thể thao & Văn hoá Cuối tuần trong khuôn khổ Gala trao giải Quả bóng Vàng Việt Nam 2014.

Vinh vẫn muốn lần thứ 4 đoạt bóng Vàng, nhưng anh cảm thấy rất tiếc cho Văn Quyết khi đồng đội trẻ đã không giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc bầu chọn 2014.

HAGL chưa thể so với SLNA

* Việc Công Vinh, Thành Lương và cả Văn Quyết một lần nữa lại được vinh danh. Đó là niềm tự hào ở khía cạnh cá nhân, nhưng chiều ngược lại, phải chăng nền bóng đá ngày càng trở nên "nghèo nàn" đi?

- Hệ thống đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam đang bị chững lại, khi ngoài SLNA ra, chúng ta có quá ít lò đào tạo chất lượng, có thể tạo dựng nền móng vững chắc cho bóng đá Việt Nam. Lứa trẻ của HAGL đang tạo được niềm tin nhất định, kỳ vọng nhất định, nhưng để thẩm định được giá trị, cần có thêm thời gian. Trong tương lai gần, chúng ta cần phải có những cải tổ về khâu đào tạo trẻ, nếu còn hy vọng nền bóng đá phát triển và để nhân tài không như "lá mùa thu".

Trong từng hoàn cảnh khác nhau, không hẳn bóng đá Việt Nam đã thiếu tài năng, nhưng tôi đảm bảo rằng, các danh hiệu không tự nhiên đến, nếu tự thân cầu thủ không nỗ lực, không cố gắng và không có khả năng. Phải yêu nghề, mất ăn mất ngủ với nghề, và quan trọng, phải luôn giữ ý thức cả trong tập luyện và thi đấu mới hy vọng giữ được phong độ.



Công Vinh vừa được trao danh hiệu Quả bóng đồng 2014

* Vinh có xem trận đấu giữa SLNA và HAGL ở vòng 9 V-League 2015), có vẻ như đó là "cuộc nói chuyện tay đôi" giữa hai trong số những lò đào tạo chất lượng nhất Việt Nam vào thời điểm hiện tại?

- Chính xác! SLNA là lò đào tạo cung cấp cho các ĐTQG nhiều cầu thủ nhất mà tôi từng thấy. Tôi nhớ không nhầm, năm 2003, khi U23 Việt Nam đá SEA Games trên sân nhà, cũng có hơn chục tuyển thủ trưởng thành từ lò đào tạo xứ Nghệ. SEA Games tại Bacolod, Philippines năm 2005, rồi các năm sau này cũng thế, khi nòng cốt đội tuyển luôn là cầu thủ Nghệ An. HAGL đã tuyển sinh khắp cả nước, tập luyện với giáo án hiện đại và chế độ dinh dưỡng tuyệt vời.

Trong khi đó, SLNA gần như chỉ tuyển cầu thủ Nghệ Tĩnh (Nghệ An – Hà Tĩnh), tập luyện với giáo án thuần Việt. Cầu thủ HAGL có chút thiệt thòi, khi phần lớn mới chỉ có mùa V-League đầu tiên, trong khi rất nhiều cầu thủ trẻ SLNA đã chơi vài mùa bóng đỉnh cao rồi và điều đó tạo nên sự khác biệt. Với những gì các cầu thủ trẻ SLNA thể hiện, họ xứng đáng là lò đào tạo số 1 Việt Nam.

* Công Vinh có một dự cảm nào cho lứa trẻ của HAGL Arsenal JMG như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường?

- Hãy nhìn thẳng vào sự thua thiệt hình thể mà cầu thủ Việt Nam phải chịu. Bằng với tuổi của Phượng, chúng tôi từng đối đầu với các ngôi sao hàng đầu. Năm 2007, đó là Keisuke Honda và những người đang đá ĐTQG Nhật Bản. Nhưng bây giờ, mình ở đâu và họ đang ở đâu? Họ đá cho các CLB hàng đầu của châu Âu và Nhật Bản, trong khi chúng ta vẫn vậy.

Tôi cho rằng, môi trường phát triển là yếu tố quan trọng hàng đầu. Tất nhiên, cơ địa và các chế độ dinh dưỡng kèm theo cần được lưu tâm đặc biệt. Chúng ta sẽ phải dần cải thiện giống nòi. Đã thua thiệt về thể lực, lại không có thể hình, làm sao có thể phát triển môn thể thao vốn đề cao tính đối kháng được?! Vậy có lẽ không phải trả lời câu hỏi của anh nhỉ.

 HLV Miura là sự lựa chon hợp lý

* Công Vinh đã làm việc với HLV Toshiya Miura một thời gian đủ dài. So với các đời HLV ngoại và nội trước đó, anh có một liên tưởng, đúc kết gì không, hay ít nhất là những trải nghiệm?

- Tôi đã may mắn khi có cơ hội làm việc với rất nhiều HLV ngoại, có cả những trải nghiệm thi đấu ở nước ngoài, với các nền bóng đá đẳng cấp cao hơn Việt Nam nhiều là Bồ Đào Nha và Nhật Bản. Vì thế, tôi không lạ lẫm gì với phương pháp huấn luyện, tỉ mỉ và đặt nặng tính khuôn khổ, kỷ luật như của HLV Miura. 

Bất cứ HLV người Nhật Bản nào cũng đòi hỏi chúng ta phải làm việc cật lực trên sân bóng, hoà nhập với tập thể và người nào có phong độ tốt hơn, người ấy sẽ có cơ hội ra sân. Nền bóng đá phát triển là như vậy, rất công bằng. Trong số rất nhiều HLV cấp độ đội tuyển, bản thân Công Vinh phải cảm ơn ít nhất 3 người, thứ nhất Henrique Calisto, thứ hai là Alfred Riedl và ngay lúc này là Toshiya Miura.

* Có ý kiến cho rằng, HLV Miura đến Việt Nam để khắc phục những tồn tại ở các cấp độ ĐTQG, sau thất bại mang tên thầy nội. Đến lúc này thì thế nào?

- HLV nội cũng có trình độ, đủ năng lực để cầm các ĐTQG Việt Nam, nhưng ở môi trường bóng đá như hiện tại, họ sẽ rất khó, thậm chí không bao giờ có thể làm tốt, bởi sự phân tâm. HLV người Việt Nam sẽ đọc báo hàng ngày, nghe mọi người nói hàng ngày, rằng tại sao thế này, tại sao không thế kia…, khiến họ khó đưa ra chính kiến rõ ràng. Còn người nước ngoài, họ không hiểu nhiều phong tục người Việt, họ ít đọc báo, cũng ít nghe mọi người nói, mà chỉ biết làm việc và làm việc của họ.

Nếu họ làm tốt thì họ sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi như trong hợp đồng và ngược lại, họ sẽ phải ra đi bất cứ lúc nào. Bằng các mối quan hệ với Liên đoàn bóng đá Nhật Bản, HLV Miura qua Việt Nam với sự hậu thuẫn từ nhiều phía. Tôi được biết là, JFA đã từng chọn được một số HLV tốt để giới thiệu với chúng ta, nhưng cũng cần phải để ý đến vấn đề kinh phí. Một HLV xuất sắc sẽ đồng nghĩa với tiền lương khủng và xã hội chúng ta có sẵn sàng chấp nhận không?! Tôi cho rằng Toshiya Miura là sự lựa chọn hợp lý và vừa phải.



HLV Miura theo Công Vinh là người thích hợp để dẫn dắt đội tuyển Việt Nam ở thời điểm này. Ảnh: Thanh Hà

* Khi thi đấu bên Nhật Bản, anh có nghe ói về Toshiya Miura?

- HLV Miura không quá nổi tiếng ở Nhật Bản. Song tôi được biết, ông ấy cũng từng để lại nhiều dấu ấn và các cầu thủ luôn thích được làm việc với Miura. Ông ấy cũng đã tạo được những dấu ấn nhất định lên bóng đá Việt Nam, vậy nên Miura là ai có còn quan trọng nữa không? HLV có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, nhưng vấn đề là họ có làm việc hết mình cho bóng đá Việt Nam hay không? Với Miura, tôi nhìn thấy sự tận tâm, tận tình với bóng đá Việt Nam. Ở bất cứ đâu cũng thế thôi, người Nhật luôn làm việc hết mình.

* Đã có một số biểu hiện tích cực của các ĐTQG dưới thời Toshiya Miura, nhưng về mặt lối chơi tổng thể hay bản sắc, e rằng chưa?

- Phần lớn các nền bóng đá kém phát triển, tất nhiên bao gồm cả Việt Nam và Đông Nam Á, thậm chí Trung Đông, việc định hình một lối chơi có bài miếng, bản sắc là rất khó. Mà bóng đá là gì, là môn chơi đối kháng, là kết quả, là chiến thắng cuối cùng đúng không? Chúng ta bỏ mồ hôi công sức ra, để tập luyện và để tìm chiến thắng.

Tôi cho rằng, đó là triết lý của HLV Miura và nó luôn đúng trong mọi hoàn cảnh. Còn triết lý của bản thôi tôi là không cần phải rê bóng qua nhiều cầu thủ đối phương, chỉ cần mình nhanh hơn họ nửa bước chân và ghi bàn, đội chiến thắng có nghĩa là xong! Nói chuyện đá hay, đá đẹp, e hơi thừa.

* Trở lại với vấn đề nêu ở trên, Công Vinh cho rằng HLV nội khó, thậm chí không thể cầm các ĐTQG. Nhưng ở nước láng giềng Thái Lan, sau bao năm gắn bó với thầy ngoại, giờ lại quay lại với phương án HLV nội là Kiatisuk Senamuang, nhân vật được xem là tổng công trình sư của bóng đá Thái Lan vào thời điểm hiện tại?

- Môi trường bóng đá Thái Lan khác, báo chí Thái Lan khác và dư luận Thái Lan cũng khác. Kiatisuk có một sự nghiệp thi đấu huy hoàng, có đủ danh hiệu, cả những trải nghiệm ở các giải đấu, những nền bóng đá khác nhau, buộc người khác phải tôn trọng. Anh ấy là tượng đài bóng đá Đông Nam Á, là biểu tượng của bóng đá Thái Lan, người tích luỹ đủ những tinh hoa bóng đá.

HLV Kiatisuk lúc này gần như được toàn quyền quyết định tất cả những vấn đề về chuyên môn cũng như con người. Những gì Kiatisuk đã và đang làm, đấy là sự phát triển bình thường thôi. Tôi cũng hy vọng một tương lai không xa, cơ chế sẽ mở ra với các HLV nội của Việt Nam.

* Hai năm với HLV Miura trong bản hợp đồng có đủ dài để ông ấy gây dựng, đem lại bộ mặt khác cho các ĐTQG?

- Hai năm không quá ngắn, cũng không dài, nhưng nó đủ để chúng ta nhận thấy năng lực thực sự của HLV Miura. Dư luận là sức nặng ngàn cân, truyền thông cũng vậy, nó tạo ra áp lực cực lớn cho không chỉ HLV Miura, mà còn cho cả nền bóng đá. Nhiều lúc, họ cũng muốn làm điều tốt đẹp, nhưng lại vướng vào các rào cản. Nếu Toshiya Miura giúp nền bóng đá có thành tích tốt tại SEA Games sắp tới, tôi nghĩ VFF sẽ còn tiếp tục mời ông hợp tác.

“Tôi tin vào luật nhân quả”

* So với trước đây, chất lượng cuộc sống của cầu thủ đã được cải thiện rất nhiều, một số đáng kể trở nên giàu có với nghề quần đùi áo số. Vậy thì tại sao một nhóm người vẫn lao vào những cạm bẫy giăng sẵn?

- Bóng đá là một môn chơi được công chúng quan tâm, nhưng về cơ bản, nó cũng giống mọi ngành nghề khác của xã hội thôi. Không phải ai cũng có cơ hội có thu nhập tốt. Theo tôi, trong làng bóng đá Việt Nam chỉ có khoảng 50–60 cầu thủ/500 cầu thủ chuyên nghiệp ý thức được giá trị và cơ hội trở nên giàu có như anh nói.

Họ có thương hiệu, hoặc đã thành danh, sau các lần chuyển nhượng hoặc gia hạn hợp đồng, họ có sự tích cóp. Ở hạng Nhất và V-League bây giờ, không hiếm các CLB chỉ trả 3–5 triệu đồng/tháng lương cầu thủ, cao nhất cũng chỉ 10 triệu đồng. Ở SLNA chẳng hạn, những tuyển thủ như Hoàng Thịnh, Ngọc Hải…, cũng chỉ nhận vài triệu đồng/tháng. Trong khi đó, cuộc sống lúc này trở nên khó khăn hơn, khi lạm phát cao, vật giá leo thang.

Bây giờ đá bóng, sự quan tâm của giới truyền thông, của người hâm mộ lớn hơn, nhưng đến với đối tượng nào, cầu thủ nào chúng ta phải suy ngẫm. Không phải ai cũng được nhắc tên, ai cũng quen mặt và chúng ta phải chia sẻ với bộ phận lớn số cầu thủ còn lại. Không yêu nghề, nghề sẽ phụ; bạc với nghề, nghề sẽ bạc lại mình và ngược lại.

* Hơn 10 năm đứng trên đỉnh vinh quang và vẫn chưa dừng lại, Công Vinh có lời khuyên nào dành cho những người trẻ kéo dài vinh quang và rút ngắn giai đoạn khó khăn, tồi tệ?

- Điều đầu tiên chúng ta phải đam mê trái bóng. Ý chí kiên cường, hành trang nghề nghiệp đầy đủ, trong đó phông văn hoá rất quan trọng. Cầu thủ không nên uống bia rượu, hút thuốc, ngược lại phải sinh hoạt điều độ hòng giảm thiểu các nguy cơ chấn thương và duy trì được phong độ. Bóng đá, bằng với thời gian, chúng ta sẽ chậm dần đi và chỉ cần thua đối thủ nửa bước chân là hỏng rồi.

Chúng ta phải biết mình là ai và cần làm cái gì. Nghề đá bóng, như tôi nói, nhận được nhiều sự quan tâm, nhưng song song với đó là sự phán xét, soi mói. Hôm nay mình đá tốt, nhưng ngày mai lại không tốt và sẽ phải chịu những gièm pha. Muốn đứng vững được, phải có hành trang tốt.

* Vinh có rất nhiều trải nghiệm, từng chiến thắng cả nghịch cảnh. Nhưng vẻ như lúc này, anh vẫn chưa hết khó khăn ở B.Bình Dương và Công Vinh sẽ làm gì để vượt qua nó?

- Tôi nghĩ cuộc sống thi thoảng phải như vậy. Không ai đi mãi trên một con đường bằng phẳng. Khi gặp khó khăn, chúng ta quay lại, đó không phải là bản chất con người tôi. Bằng cách này hay cách khác, đục khoét hay leo trèo thế nào cũng được, nhưng tôi sẽ vượt qua nó, để đi đến đích.

Có nhiều con đường dẫn đến đích, đường vòng, đường thẳng, đường tắt…, nhưng nếu giữ được ý chí kiên cường, thì chúng ta sẽ tìm đến nơi mình cần đến. Nỗ lực có thể chưa hoặc không mang đến thành công, nhưng muốn thành công, chắc chắn phải nỗ lực rất nhiều.

Ở B.Bình Dương, cơ hội ra sân của tôi không nhiều, nhưng tôi vẫn ý thức tập luyện tốt, sinh hoạt tốt. Không được thi đấu, dĩ nhiên là buồn rồi, nhưng tôi tin mình còn cơ hôi. Tôi tin vào luật nhân quả.

Tôi không nghĩ sau này mình sẽ làm HLV, nhưng chắc chắn tôi sẽ làm công việc gì đó liên quan đến bóng đá.

Xin cảm ơn ông!

Công Vinh đã dùng 30 tỷ đồng chuyển nhượng như thế nào?

“Hợp đồng đầu tiên, tôi dùng toàn bộ số tiền để giúp đỡ người thân, xây nhà, mua xe cho bố mẹ, tặng chị em mỗi người một ít làm vốn. Gần như tôi không còn đồng nào. Giai đoạn tôi bị chấn thương, phải lên bàn mổ, thực sự rất khó khăn. Cho đến trước và sau khi chuyển vào Bình Dương, tôi mới có dư và có điều kiện chăm lo cuộc sống bản thân tốt hơn. Tôi đã có gia đình và phải có trách nhiệm chăm sóc gia đình nhỏ của mình, bên cạnh việc phụng dưỡng bố mẹ tới khi nào còn có thể. Đối với một cầu thủ như tôi, đó là điều quá may mắn rồi”, Lê Công Vinh. 




“Thế hệ các cầu thủ trước đá bóng vì đam mê, nhưng không thể nói là sau này người trẻ thiếu đam mê được. Còn tại sao có một bộ phận các cầu thủ dính phải cạm bẫy, quả thật, khó phán xét lắm, nếu một trong số chúng ta không ở trong hoàn cảnh của họ. Chúng ta sẽ không biết tại sao họ làm như vậy, nhưng nếu được, nên chia sẻ với họ.

Chắc chắn họ sẽ không muốn điều tồi tệ đâu và đánh kẻ chạy đi, chứ đừng đánh kẻ chạy lại. Là cầu thủ, tôi chia sẻ và tin rằng, nhiều đồng nghiệp trẻ lúc này đã nhìn vào đó và đã thấy đủ những tấm gương".


Tùy Phong (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm