Thế 'ỷ dốc' của bầu Hiển?

06/01/2014 14:38 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Phải nói rằng cái “tích” này rất cũ, nhưng người ta vẫn luôn phải nhắc lại trước mỗi mùa giải mới, sau khi các đội bóng của bầu Hiển đã thay nhau thống trị V-League từ 5 năm qua, với việc sở hữu 4/5 chức vô địch.

1. Năm 2009, SHB.ĐN đã lật đổ sự thống trị của hàng loạt những thế lực cũ như HA.GL, ĐT.LA và B.BD để lên ngôi một cách thuyết phục trước 4 vòng đấu. Mùa giải 2010, đến lượt người anh em HN.T&T đăng quang trước một lượt trận trong năm mà cả nước kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Ngoại trừ hiện tượng SLNA ở V-League 2011, trong các mùa giải tiếp theo, vẫn là các đội bóng của bầu Hiển thay nhau lên ngôi.

Kinh tế học đã chỉ ra rằng chẳng có sự đầu tư hời hợt nào mà đem lại hiệu quả cao. Bóng đá cũng thế thôi, khi trong khoảng thời gian vừa qua, SHB.ĐN và HN.T&T là 2 trong số những đội bóng được chăm bẵm tốt nhất (về chế độ), có lực lượng (cầu thủ và HLV) tốt nhất và cũng ổn định nhất về mặt cấu trúc cũng như phương pháp tổ chức đội bóng. Họ chơi bóng để sẵn sàng lên ngôi chứ không phải để trụ hạng.

Có nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến cơ thể nền bóng đá và các giải đấu được cho là chuyên nghiệp, trong đó phải kể đến việc không ít đội bóng mang tâm lý ngại vô địch. SLNA ở mùa giải 2013 là một minh chứng, khi kết thúc giai đoạn 1, họ đã bỏ xa các đối thủ đến cả chục điểm, nhưng sau đó lại tự loại mình ra khỏi cuộc đua vô địch. XMXT.SG là một ví dụ khác, khi về mặt con người và lối chơi tổng thể, họ đủ khả năng điều-tiết-cuộc-chơi theo ý mình, nhưng cuối cùng họ lại có một kết cục rất thất vọng là giải tán đội bóng.

Lập luận này có vẻ không hợp lắm với B.BD, nhưng khi đội bóng đất Thủ chưa thể thắng được chính mình thì có thể thắng ai? Nó cũng giống như những gì đã và đang diễn ra ở phố núi Pleiku suốt một thập niên vừa qua.

2. Có vẻ như sau bao mùa giải thất vọng, bóng đá đất Thủ vẫn còn rất kiên nhẫn. Ngay lúc này, nhiều người đã kỳ vọng vào một cuộc lật đổ của B.BD với các đội bóng của bầu Hiển. Kỳ vọng ấy là có cơ sở, khi một lần nữa, B.BD lại là nhà vô địch về tuyển mộ nhân tài. Nhưng, như giới chuyên môn từng nhận định, rằng việc sở hữu những cầu thủ tốt nhất chưa chắc làm nên một đội bóng mạnh nhất, mà còn phải tính tới vai trò của lãnh đạo cũng như BHL.

Đã và không bao giờ có đủ bằng chứng để chứng minh rằng ông Đỗ Quang Hiển là ông bầu số một của bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, không một ai phủ nhận tầm ảnh hưởng của ông, từ thượng tầng kiến trúc đến cấp cơ sở. Năm nay, QNK.QN, một đội bóng khác được cho là nhận sự bảo trợ của bầu Hiển, sẽ xuất hiện tại V-League 2014 và sẽ tạo thành thế “ỷ dốc” rất khó phá cùng với SHB.ĐN và HN.T&T.

Công tâm mà nói, QNK.QN chưa đủ trình độ để sánh vai với 2 người anh lớn như đã nhắc, nhưng bao giờ cũng vậy, người ta luôn kỳ vọng vào cái mới. Đội bóng xứ Quảng đã chuẩn bị tất cả cho ngày trở lại trong 20 năm kể từ khi tách tỉnh. Tất nhiên, ngoài việc chạy đua và trở thành nhà vô địch trên thị trường chuyển nhượng ở giải hạng Nhất, việc QNK.QN lên V-League còn là câu chuyện của thời thế, khi có quá ít các ứng viên cùng tham gia cuộc chơi.

Mỗi mùa giải qua đi, chúng ta luôn chỉ được chứng kiến nhiều nhất 3 ứng viên chạy đua đến chức vô địch và ở những lượt trận cuối, thường chỉ còn 2. Điều đó cho thấy phần nào sự nghèo nàn của giải đấu lên chuyên ở tuổi 14. Nhưng, biết thế nào được, khi nhà tổ chức vẫn vừa chạy vừa xếp hàng, trong khi các đội bóng cứ nối đuôi nhau bỏ giải và thậm chí xóa sổ trên bản đồ bóng đá nội.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm