Thể thao VN chuẩn bị cho Olympic: Bài học của người Anh

22/07/2008 10:30 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH Online) - Tại diễn đàn các Hội nghị ngành Thể dục thể thao và trên các phương tiện truyền thông cách nay 3 năm, một vài quan chức lãnh đạo ngành trong đó có vị là “chiến lược gia” hàng đầu đã kêu gọi: Thể thao Việt Nam phải “tổng tiến công”, phải “dàn quân” tiến vào đấu trường Olympic, cần phải có 50 vận động viên (trong đó riêng thể thao Hà Nội có 30 người) đến Olympic Bắc Kinh bằng “cửa chính” - vượt qua các cuộc thi vòng loại để giành quyền tham dự thi đấu.

Tại Hội nghị thường niên của Ủy ban Olympic Việt Nam (tháng 1/2008) các nhà lãnh đạo thể thao vẫn vạch kế hoạch đặt mục tiêu có từ 20 đến 25 vận động viên giành quyền chính thức tham gia Thế vận hội (Điền kinh, 1-3 VĐV; Bơi, 1- 2; Cử tạ, 1- 2; Vật, 1-2; Judo 1-2; Bắn súng 1-3; Canoing 2-3; Rowing 2; Đấu kiếm 1-4; TDDC 1-2. Thậm chí cả nhảy cầu (2 nam – 2 nữ), Bắn cung 8 VĐV, Bắn đĩa bay 5 VĐV là những môn trình độ còn thua kém các nước khu vực Đông Nam Á.

Gần đây nhất trong một lần tiếp đoàn thể thao nước ngoài, có vị quan chức đã tuyên bố: chúng tôi sẽ cử 1 đoàn VĐV đến Olympic Bắc Kinh với số lượng khoảng 200 người, vì dân số nước chúng tôi hiện nay đã hơn 80 triệu người!
 
Các tuyên bố và kế hoạch trên xem ra thật là hoang đường! Vì cho đến nay mới chỉ có 7 vận động viên giành quyền chính thức dự Olympic: 3 VĐV môn Taekwondo, 2 VĐV môn Cử tạ, 1 VĐV Cầu lông, 1 VĐV Bóng bàn. Nhờ thành tích thi đầu tốt ở các giải quốc tế và SEAGames có 3 VĐV nữa (1 TDDC, 1 Bắn súng và 1 Cầu lông) được nhân suất đặc cách – Wild card; 4 VĐV (2 Điền kinh – 2 Bơi) vẫn phải đến Bắc Kinh bằng vé mời của IOC giành cho VĐV các nước kém phát triển. 8 VĐV môn Wushu được mời tham gia biểu diễn (cho vui)!
 
Judo VN, mà cụ thể là Văn Ngọc Tú (trắng) không thể góp mặt
 
Tuy nhiên không phải tất cả ai cũng đồng tình với những tuyên bố trên. Có một vị nguyên là Phó Chủ tịch Olympic Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ kế hoạch này, sau khi phân tích và xác định: "TTVN cố gắng lắm mới có thể có 10 VĐV giành quyền chính thức đến Bắc Kinh", và nhận định “Không ở đâu chuẩn bị cho Olympic như ở Việt Nam”.

Thực ra, vấn đề không phải ở chỗ tuyên bố, kế hoạch hay phát biểu nhận định, không phải là có nhiều hay ít VĐV đến Olympic mà điều quan trọng và cần thiết là chỉ đạo và đầu tư, là tổ chức thực hiện như thế nào.

Tháng 1 có Hội nghị Ủy ban Olympic để nêu lên kế hoạch, tháng 3 lãnh đạo ngành mới yêu cầu các bộ môn thể thao chuẩn bị lực lượng VĐV. Tháng 5 mới có quyết định về tăng chế độ ăn để bù vào “Cơn bão giá”. Tháng 6 mới được hưởng thêm tiền hỗ trợ (7 triệu/ VĐV, 4 triệu / HLV) và 6 triệu tiền thuốc cho Cử tạ Nguyễn Thị Thiết (1 niềm hy vọng huy chương). Trong năm 2007 – 2008, Vật nữ, Judo, Đua thuyền, Đấu kiếm không có kinh phí tập huấn nước ngoài và tham gia các môn thi vòng loại khu vực và thế giới nên không đủ điểm vượt qua vòng loại.
 
Sau SEA Games 24, Vũ Thị Hương (chạy 100 mét), Phạm Thị Hiền (Maraton) hết tháng 3 mới được tập huấn, Bùi Thị Nhung chuẩn bị SEA Games có chuyên gia chuẩn bị Olympic thì lại tập với “thầy nội”. Bắn súng thiếu đạn, Thể dục dụng cụ thiếu thảm… Vì vậy, các niềm hy vọng như Văn Ngọc Tú (Judo) Vũ Thị Hương, Bùi Thị Nhung (Điền Kinh), Vân Long – Văn Hoàng (Đua thuyền), Nghiêm Thị Giang – Phạm Thị Huế, Lê Thị Quyên (Vật nữ), đã không đến được Olympic bằng “cửa chính”

Tới đây, người viết xin đặt ra 1 câu hỏi: Liệu chúng ta có thể tái hiện được kỳ tích ở Olympic Moskvanăm 1980, nơi mà Sebatt Coe (người Anh) chỉ một mình đến Moskva, nhưng vẫn giành HCV nội dung chạy 1500 m?

Hy vọng Hoàng Anh Tuấn – Nguyễn Thị Thiết (Cử tạ), Văn Hùng, Hoài Thu (Taekwondo) có thể giành được huy chương cho Thể thao Việt Nam. Và đó sẽ là sự thần kỳ!
 
Hồng Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm