‘Team building’ kiểu V-League

23/10/2016 05:49 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Nhìn cảnh đại diện của tất cả các CLB chuyên nghiệp và hạng Nhất sau một mùa giải có những đua tranh, có những thất vọng, có những hạnh phúc ngồi trên cùng một chiếc xe, bay cùng một chuyến, ăn chung một nhà hàng, chụp chung một tấm hình trong chuyến đi tìm hiểu về bóng đá Đức, người hâm mộ V-League có thấy phấn khởi?

1.Một cuộc khảo sát không chính thức với những người đã từng đi tham quan và học tập bóng đá Hàn Quốc thì điều họ tâm đắc nhất là mô hình sở hữu – quản lý sân vận động giữa chính quyền địa phương và đội bóng.

Nhưng thực ra, các sân bóng ở Việt Nam từ thời bao cấp cho tới chuyên nghiệp cũng chỉ có đội bóng ở tỉnh mới tập và thi đấu trên cái mặt sân ấy, vậy mà mặt sân đến giờ nhiều nơi vẫn như mặt ruộng, chưa đủ tiêu chuẩn để các cầu thủ có thể chơi một chạm thoải mái.

Điều tâm đắc thứ hai là mô hình CLB bóng đá cộng đồng học được từ những chuyến đi Nhật Bản thay vì đội bóng chỉ thuộc về một ông chủ, một tập đoàn nào đó. Và đội bóng học nhanh nhất là Đồng Tháp ở mùa vừa rồi đã phải rớt hạng khi đá 26 trận mà chưa gom nổi 10 đim.

Chúng ta sẽ phải chờ đợi để xem những điều tâm đắc rút ra được từ chuyến đi Đức và Tây Ban Nha, hai nền bóng đá đã thống trị thế giới mấy năm qua ở các cấp độ, trong đó Đức là điển hình của mô hình bóng đá kim tự tháp còn Tây Ban Nha là mảnh đất khai sinh mô hình cổ động viên cũng là các hội viên chủ sở hữu CLB.


Một số thành viên của đoàn công tác VPF trên khán đài sân Nou Camp.Ảnh: NVCC

Kim tự tháp của bóng đá Đức có đặc điểm là các CLB thể thao được tổ chức ở các địa phương để ai cũng có thể tiếp cận với cơ sở vật chất công cộng và ai cũng có cơ hội chơi môn thể thao mình thích. Hội viên chủ sở hữu là mô hình giúp cho các CLB giàu tính địa phương, mạnh về bản sắc, và đặc biệt coi việc phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng đội ngũ HLV để mỗi người tập luyện bóng đá đều có cơ hội thọ giáo về kỹ chiến thuật một cách bài bản.   

Nhưng vấn đề của BĐVN lâu nay là tính ứng dụng sau khi chúng ta đã phát hiện là bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam được xây dựng và tồn tại trên một nền tảng là đa phần các ông bầu nhảy vào bóng đá chỉ để đánh đổi lấy cơ chế, và đánh bóng thương hiệu một cách nhanh nhất. Nó làm cho những nỗ lực thúc đẩy bóng đá phát triển khó đạt được những thành tựu như mong muốn.

Chứ đi tham quan, học hỏi vốn dĩ không phải là một điều gì xấu với VPF hay đại diện các CLB. Nhất là khi so sánh với truyền thống “hiếu học, chịu khó tìm hiểu” nói chung.

2. Trong phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương cuối năm 2015, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, năm 2015 các bộ ngành, địa phương đi công tác, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài là 2.105 đoàn, giảm 10% so với năm 2014.

Giảm 10% là kết quả của một nỗ lực to lớn, hay nói đúng hơn là những bước đi nhằm hạn chế những chuyến đi của nhiều bộ, ngành và địa phương bằng kinh phí không phải tự túc. Trước khi Bộ Ngoại giao lên tiếng về tình trạng này thì chúng ta có những con số đã từng làm nhiều người choáng.

Chẳng hạn, Bộ ngoại giao thống kê năm 2012 tổng số có 3.780 đoàn của các bộ, ngành khác nhau đi nước ngoài. Như vậy, tính trung bình một ngày có tới 6 đoàn đi công tác nước ngoài. Sang năm 2013 tuy có giảm nhưng số lượng còn lớn, tới 3.200 đoàn. Còn theo thống kê từa các bộ, ngành và địa phương báo lên thì số đoàn đi của tỉnh, thành năm 2012 là 5.800 đoàn, sang năm 2013 là 4.926 đoàn; đoàn công tác từ các bộ, ngành năm 2012 là 2.043 đoàn và năm 2013 giảm xuống còn 1.029 đoàn (giảm 75%).

Tại sao Bộ Ngoại giao lại lên tiếng về vấn đề này là do bắt nguồn từ một thực tế, các đoàn từ trong nước càng đi du học nhiều thì đại diện của Bộ Ngoại giao ở các nước sở tại càng phải tổ chức tiếp đón nhiều, và công việc của họ bị ảnh hưởng đáng kể. Này thì phải bố trí xe đưa đón, phải cử cán bộ đi móc nối đầu mối, cử cán bộ đi làm phiên dịch.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT VPF: 'Mùa giải 2017 sẽ có tài trợ dồi dào hơn'

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT VPF: 'Mùa giải 2017 sẽ có tài trợ dồi dào hơn'

“Tài trợ dồi dào hơn, chế độ trọng tài tăng cao hơn, cạnh tranh giữa các CLB quyết liệt hơn, chất lượng giải đấu tốt hơn”… là những gì ông Võ Quốc Thắng cam kết VPF sẽ mang lại cho các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam năm tới.

Kết quả từ hàng ngàn chuyến đi tham quan, học tập bạn bè năm châu bốn biển ấy trên các lĩnh vực từ giáo dục, y tế, giao thông, nông – công nghiệp… là gì có lẽ mỗi người sẽ có những đánh giá của riêng mình dựa trên sự hiểu biết và nguồn thông tin mà chúng ta tiếp nhận được. Còn suy luận thì nếu hiệu quả rõ rệt, chúng ta đã không phải tìm cách để ngăn cản những hoạt động tương tự duy trì tần suất “cứ mỗi ngày lại có 6 đoàn đi công tác nước ngoài”.  

Ngân sách của chuyến đi du học của VPF và các CLB được lấy từ kinh phí tổ chức giải. Nó có thể chẳng là gì nếu so với mức thưởng cho một vài trận thắng của một số CLB. Nhưng là con số ý nghĩa so với ngân sách các CLB bỏ ra cho bóng đá trẻ, hay tiền bản quyền truyền hình mà các CLB được nhận dưới hình thức là tiền hỗ trợ giải. Và cái chính là khả năng ứng dụng vào thực tiễn bóng đá Việt Nam có giúp chúng ta có một giải VĐQG hấp dẫn và bền vững?

Tính chủ sở hữu CLB, cách thức hoạt động của thị trường chuyển nhượng, cơ cấu ngân sách phân bổ cho bóng đá trẻ, chế độ dinh dưỡng, y tế, truyền thông và người hâm mộ, đội ngũ HLV chuyên nghiệp thì với chúng ta, cái nào đang có nhiều hạn chế nhất, do đâu và liệu nó có được khắc phục ở mỗi CLB?

Còn “team building” (xây dựng tinh thần tập thể bằng các hoạt động khác nhau) giữa các CEO của các CLB, chắc chỉ cần một chầu Karaoke là xong. Nhưng ngay cả không được gì cả, thì nó cũng chỉ là một con số lẻ trong con số hàng ngàn chuyến đi mỗi năm.

Bài học của VPF từ Bóng đá Đức

Song song với công tác đào tạo trẻ, việc đào tạo đội ngũ HLV cũng rất được LĐBĐ Đức (DFB) chú trọng thực hiện. Tập trung đào tạo Trẻ, và Đào tạo HLV, cuộc cách mạng đã được những nhà làm bóng đá Đức thực hiện theo đúng kế hoạch bài bản, chuyên sâu và được đầu tư kinh phí khổng lồ để thực hiện đã và đang làm nên sức mạnh, gặt hái được nhiều thành công của bóng đá Đức. VPF đúc kết 3 bước thực hiện trong chiến lược đào tạo trẻ của Bóng đá Đức (từ 2000) - Thiết lập hệ thống đào tạo quy mô toàn quốc; - Thiết lập Học viện đào tạo trẻ từ năm 2001 - Thiết lập những trường học bóng đá vệ tinh năm 2006

Đó cũng là tiền chùa?

Các chuyến đi quan sát học tập nước ngoài của Việt Nam (bộ ngành, địa phương) bị chỉ trích vì tiêu ngân sách mà thiếu hiệu quả. Còn chuyến đi của VPF thì sao? Đó là tiền từ kinh phí tổ chức giải (từ tài trợ, truyền hình). Hay nói cụ thể hơn, thay vì VPF chia cho các CLB để tái đầu tư vào đội bóng thì trích ra một phần từ đó để đại diện mỗi CLB cùng nhau đi Tây. Đại diện các CLB hầu hết là giám đốc điều hành, những người hầu như không bỏ tiền ra đầu tư cho đội bóng mà cũng chỉ là những người tiêu tiền của các ông chủ. Và hiệu quả của nó tới đâu khi mà vấn đề của các CLB ở VN không phải là không có mô hình và khuôn mẫu.


Vĩnh An
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm