Tản mạn: Đứng trước biển

04/05/2016 06:05 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày qua, hình ảnh nhiều lãnh đạo (nhất là cấp tỉnh ở miền Trung), lặn lội sáng sớm đi tắm biển, rồi ngồi ăn cá biển với bà con để truyền thông điệp biển đã trở lại bình yên, cá tôm đã tươi ngon, đấy là những hình ảnh đẹp, đã tạo hiệu ứng tốt.

Nói tốt ở đây, vì bất luận thế nào, hành động, ứng xử, phát ngôn kịp thời của các yếu nhân, đều tạo sự an tâm tương đối với người dân, nhất là trong cơn khủng hoảng thông tin, niềm tin, trước một sự kiện nghiêm trọng, ảnh hưởng quá lớn đến dân sinh.

Nhiều người ước sáng nào các vị cũng đi biển, sâu sát với nỗi truân chuyên của bà con ngư dân xem ra là quá lớn lao, bởi lãnh đạo họ có quá nhiều việc. Nhưng, việc lãnh đạo luôn đứng đầu sóng, ngọn gió, luôn gần gũi sẻ chia với người dân, trước các quyết sách lớn không chỉ liên quan đến biển, đều “dĩ dân vi bản”, đấy thực sự là khao khát tột cùng.

Dù thế, trong mỗi chúng ta đã có ai từng hỏi, mình đã thể hiện tình yêu với biển ở mức độ nào? Đã tham gia đến mức độ đâu trong việc vãn hồi nỗi đau cá chết hàng loạt? Ý thức gìn giữ cảnh quan môi trường biển (đặc biệt trên bờ), ra sao? Nếu tình yêu chỉ ở mức hô khẩu hiệu, hay phản ứng manh động, thì thực sự đáng buồn. Những bức ảnh nhiều bãi biển ê chề, ngổn ngang rác sau dịp lễ được đăng tải mấy ngày qua, không thể không buồn.

Thú thật, người viết cũng nhiều khi tự trách mình, sao sống ngay ở cạnh một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh như Mỹ Khê, Đà Nẵng, nhưng ít khi ra thăm biển. Còn tắm biển, thì càng ít. Đem chia sẻ với nhiều bạn bè đang sống ở đây, không bất ngờ khi họ cũng cùng “cảnh ngộ” như mình. Có nghĩa, cuộc sống cuốn đi với bao bộn bề, đã khiến ít người dành cho mình những giây phút đến cùng biển, tắm biển, để cảm nhận tình yêu, sự kỳ diệu của Mẹ đại dương với sức khỏe, với tâm hồn.

Nhiều khi cứ đi tìm hạnh phúc đâu xa. Bao nhiêu du khách muốn về với biển, trong đó có Đà Nẵng, mà nhiều người ở ngay cạnh thì lần lữa. Tôi đã quyết tâm mỗi sáng về với biển. Đấy là quyết định khó khăn để tạo một thói quen. Mọi việc bắt đầu ổn lên, khi đã bắt đầu luyên tiếc nếu một sáng không thể ra thăm biển.

Cũng có lúc ngồi trước biển, ngắm dòng người nườm nượp ngụp lặn, bơi lội, hay chơi thể thao, thấy đúng là thể thao Việt Nam đã quá lãng phí vì không tận dụng được lợi thế lớn. Chúng ta có hệ thống sông ngòi chằng chịt, 3260 km bờ biển từ Móng Cái đến Hà Tiên. Thế mà, bơi vẫn ì ạch, chỉ một Ánh Viên là quá ít. Đau lòng, hơn là số trẻ em không biết bơi, chết đuối vẫn không dừng lại.

Đai hội thể thao bãi biển châu Á sắp tới tổ chức tại Đà Nẵng, tốn kém vô cùng đã bị kêu than, vấn đề liệu có gợi mở, kích cầu được gì cho thể thao Việt Nam, cho du lịch biển Việt Nam và Đà Nẵng nói riêng, vẫn là câu hỏi lớn.

* * *

Mấy vòng đấu gần đây của V-League diễn ra trong bối cảnh đồng bào ngư dân miền Trung đang gặp khó khăn, đáng tiếc lãnh đạo VFF, VPF cũng như các CLB chưa thể hiện nhiều tinh thần hướng về đồng bào. Một thùng quyên góp được dựng lên trên khán đài, bên đường piste, hay trích quỹ ủng hộ đồng bào ngư dân khó khăn như nhiều tổ chức khác, vẫn rất nên làm.

V-League vòng 8 đá trong dịp lễ, vẫn có đó những cấn cá, nhưng cũng cả mừng khi khán giả đã chịu đến sân. Thanh Hóa và Lạch Tray tạo cơn sốt. Bóng đá Việt Nam muốn bước ra biển lớn, thì giải chuyên, trong đó yếu tố tiên quyết là khán giả, phải thu hút trở lại. Do đó, người hâm mộ cùng BTC cần có trách nhiệm giữ lửa. Giá như khán giả Hải Phòng đừng căng băng rôn “không cần kỷ lục, chỉ cần làm nhục Bình Dương”; giá như BTC sân Lạch Tray không bị VPF nhắc nhở những tấm băng rôn rất khó coi (BTC lấy giấy trắng cắt dán đè lên dòng chữ Becamex Bình Dương nhỏ cỡ bằng ¼ chữ Hải Phòng); giá như trọng tài Đức Vũ không bị tố “dọa nạt cầu thủ”…, thì tốt biết bao!

Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm