Tại sao tuyển Việt Nam 'ngủ đông'?

27/03/2015 14:25 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Trong khi Pháp và Brazil hẹn nhau trong trận giao hữu để tái hiện trận chung kết World Cup 1998 tại Stade de France; những người láng giềng như Thái Lan, Singapore, Malaysia và thậm chí cả Maldives… cũng có đối thủ cho riêng mình để thử lửa, thì ĐTQG Việt Nam làm gì và ở đâu?

Trang chủ của VFF chưa có thông báo mới, song có thể hiểu chúng ta sẽ không có kế hoạch tập trung ĐTQG, cho đến trước khi tham dự vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á (sẽ khởi tranh từ 11/6 tới cũng là thời điểm diễn ra SEA Games 28 với U23 QG).

Vào thời điểm này, đã đành là HLV trưởng Toshiya Miura đang dồn toàn bộ tâm sức cho U23 Việt Nam đá vòng loại U23 châu Á, song rõ ràng VFF hoàn toàn có thể tập trung ĐTQG để đội bóng có cơ hội mài giũa, tận dụng quãng thời gian V-League nghỉ đến gần 2 tháng.

Cứ chẵn AFF Cup, lẻ SEA Games

Một lối tư duy rất quen thuộc với bóng đá Việt Nam là cứ vào năm chẵn, ĐTQG sẽ được ưu tiên để tham dự AFF Cup, còn năm lẻ là U23 Việt Nam với giấc mơ thay đổi màu huy chương SEA Games còn dang dở.

Cũng có đôi khi ĐTQG được tập trung trong năm lẻ cho các trận đấu vòng loại Asian Cup hoặc vòng loại World Cup, nhưng rất ngắn và cảm giác chỉ tập trung cho có.

Chúng ta đều biết là các trận đấu ở AFF Cup (do LĐBĐ Đông Nam Á - AFF tổ chức) không có trong hệ thống thi đấu chính thức của FIFA và AFC, nên không được tính điểm thành tích. Ngoài các giải giao hữu, khách mời trước mỗi kỳ AFF Cup, ĐTQG rất hiếm khi chủ động chọn đối thủ đá giao hữu theo hệ thống sắp lịch của FIFA (có tính điểm thành tích cho bảng xếp hạng mỗi tháng).

Ông Dương Vũ Lâm, Phó Chủ tịch AFF, khẳng định với Thể thao & Văn hóa: “AFF được thành lập để đáp ứng nhu cầu cọ xát, giao lưu của các LĐBĐ thành viên trong khu vực. Tất nhiên, AFF hoàn toàn độc lập với AFC và FIFA. Do không thuộc hệ thống thi đấu của FIFA, cũng như AFC, nên thành tích của các ĐTQG tại AFF Cup không được tính điểm trên bảng xếp hạng FIFA mỗi tháng”.

“Bóng đá Việt Nam nó khác”

Từ lâu, các ĐTQG Việt Nam đã không “tuân thủ” các quy định sắp lịch thi đấu giao hữu, cũng như các khuyến cáo của FIFA. Ví dụ, FIFA không cho phép các ĐTQG đá với CLB, nhưng tại Việt Nam, các giải đấu giao hữu trước thềm AFF Cup, vẫn đều đặn mời các CLB thế giới cũng như các ĐTQG trẻ nước bạn. Chúng ta thậm chí còn đá tập với các CLB trong nước.

Những người có trách nhiệm cho rằng sẽ không đơn giản để xé lẻ các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia để ĐTQG tập trung, chỉ để đá một hai trận giao hữu quốc tế. Và ngoài ra, vấn đề kinh phí, nhân sự cũng được nhắc tới như một rào cản.

Sự bất cập dễ nhận thấy nhất về mô hình “2 trong 1”, hoặc thậm chí là “3 trong 1”, khi một HLV trưởng được chỉ định “ôm” cùng một lúc đến 2, 3 ĐTQG khác nhau.

Ví như trường hợp của HLV Toshiya Miura lúc này, nếu ông không phải “chăm bẵm” U23 Việt Nam đá vòng loại châu Á, chắc chắn HLV trưởng người Nhật sẽ đề xuất triệu tập ĐTQG để bằng bạn bằng bè.

Ngày ký hợp đồng với VFF, cả ông chủ (VFF) và người làm thuê (Toshiya Miura), đều khẳng định không có vấn đề gì về quỹ thời gian làm việc, khi thời gian tập trung các ĐTQG không trùng lặp, nhưng…

Việc hợp thức hoá vấn đề có vẻ như là cách giải quyết rất quen thuộc, dù đôi khi nó rất mâu thuẫn.

Kể từ khi ra đời cho đến nay, vắt qua 15 năm, giải bóng đá cao nhất xứ sở là V-League vẫn lệch khá xa với múi giờ Âu châu, cho cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Khi họ bắt đầu (thường là trung tuần tháng 8 hàng năm), thì chúng ta đã kết thúc và ngược lại. Như V-League dù chỉ có 14 CLB, nhưng giải đấu lại kéo dài đến 9, 10 tháng, bằng với một giải VĐQG châu Âu có 20 đội. Còn giải hạng Nhất lèo tèo 8 đại diện, nhưng cũng phải chạy song hành.

***

Theo Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn, đội tuyển Việt Nam dự kiến sẽ tập trung vào tháng 5 để chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á sẽ khởi tranh vào ngày 11/6. Cũng theo ông Tuấn, vào ngày 14/4 sắp tới, AFC sẽ tổ chức bốc thăm xếp lịch thi đấu cho vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm