SLNA hướng tới mùa giải 2013: Bộn bề lo toan

21/10/2012 06:55 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Gần 2 tuần tập trung, SLNA vẫn chưa thể hoàn tất kế hoạch tập huấn, thử quân trước V-League 2013. Đã có tin cho rằng nhà tài trợ có trao đổi với lãnh đạo tỉnh về khoản tiền 50 tỷ chuẩn bị cho đội bóng SLNA trước mùa giải mới nhưng lãnh đạo đội bóng xứ Nghệ lại phủ nhận thông tin này.

Hoàng Văn Bình nằm trong số những trụ cột mà SLNA muốn giữ lại. Ảnh: Kim Ngọc

Đầu tháng 10 này, SLNA đã tập trung trở lại tại đại bản doanh đội bóng ở thành Vinh chuẩn bị cho mùa giải mới. Chỉ có điều đội bóng xứ Nghệ lại tập trung trong thế bị động về tiền bạc, kế hoạch vào lúc này cũng rối tung. Do nhà tài trợ lẫn lãnh đạo tỉnh chưa có trao đổi cụ thể, dứt khoát nên SLNA mờ mịt trong việc biết số tiền chuẩn bị cho mùa giải mới.

Mọi thứ đều ở chế độ chờ khiến thầy trò Nguyễn Hữu Thắng chưa thể an tâm, nhất là lúc bóng đá nội đang chao đảo trong khó khăn như lúc này. Cuộc họp được chờ đợi vào ngày 9/10 bị hoãn lại vào phút cuối do lãnh đạo tỉnh Nghệ An bận giải quyết công việc. Thế là kế hoạch chuẩn bị, tiền bạc cho việc giữ quân, hoạt động cho mùa giải mới đều bị đình đốn lại.

Đã có tin hành lang về việc nhà tài trợ Bắc Á đã hoàn tất cuộc họp với lãnh đạo tỉnh vào ngày 15/10 vừa qua. Trong cuộc họp này, nhà tài trợ và lãnh đạo tỉnh cùng đồng thuận rót nguồn kinh phí 50 tỷ (30 tỷ từ ngân sách tỉnh, 20 tỷ từ nhà tài trợ) giúp đội bóng an tâm giữ chân các trụ cột . Không những thế, mọi lo lắng việc tập huấn, mua sắm cầu thủ cũng sẽ được giải quyết sau cuộc họp này.

Đây là thông tin tốt lành cho SLNA sau một tháng sống giữa những tin đồn tốt xấu lẫn lộn. Dù kinh phí giảm hẳn so với mùa trước thì chí ít SLNA sẽ biết mình có bao nhiêu tiền chuẩn bị cho mùa giải mới.

Tuy nhiên, TGĐ Nguyễn Hồng Thanh phủ nhận tin vui này: “Với tư cách TGĐ C.ty CP thể thao SLNA, tôi chưa nhận được bất cứ thông tin gì. Nếu có được tin vui như thế, chính tôi sẽ thông báo đến BHL lẫn cầu thủ đội nhà nhưng thực tế lúc này chị Thái Hương vẫn chưa có cuộc họp chính thức nào. Do bận bịu, cả lãnh đạo tỉnh và nhà tài trợ chưa thể nói chuyện nhưng theo tin tôi được biết, phía đại diện Ngân hàng Bắc Á sẽ linh động sang trao đổi với tỉnh trong tuần này. Nhiều khả năng qua đầu tuần sau, SLNA sẽ biết có được tin vui từ phía nhà tài trợ lẫn lãnh đạo tỉnh để giải quyết khó khăn''.

Cũng vì mọi thứ còn chưa rõ ràng, lãnh đạo SLNA cũng chưa biết sẽ bố trí kế hoạch tập huấn, mua ngoại binh ra sao. SLNA cũng chưa nghĩ đến việc giữ chân Abbas, Hectoc, Dickson do chưa rõ số kinh phí trong mùa giải 2013.

Mặc dù vậy, chính TGĐ Nguyễn Hồng Thanh khẳng định 9 cầu thủ gần hết hợp đồng vẫn nhận đủ tiền lót tay nếu tái ký.Ông Thanh nói: “Đúng là VFF đưa ra quy định mới về mức tuổi cầu thủ chuyển nhượng nhưng có lẽ năm sau việc này mới được thực hiện. Số cầu thủ gần hết hợp đồng sẽ ở lại và nhận đủ quyền lợi chứ SLNA không gây khó khăn về quyền lợi kinh tế với họ cả’’.

MỘC MIÊN

Sống trong sợ hãi

Đấy là tình trạng của các đội bóng hiện nay, kể cả những CLB mà mối duyên với nhà tài trợ chưa đứt gánh.

Ngay từ khi mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên (2000- 2001) kết thúc, đã hình thành một nỗi sợ hãi phải nói là “kinh hoàng” với các CLB: sợ nhà tài trợ chia tay đội bóng. Đấy là sự tiếp nối nỗi ám ảnh muôn thủơ: sợ rớt hạng. Trong số tất cả các CLB hiện nay, đa số đều đã có vài ba doanh nghiệp tài trợ, gắn tên rồi chia tay. Như thế còn may, đội bóng chưa bị giải tán như hàng loạt biểu tượng đã bị cất vào ký ức như Thể Công, CA Hà Nội, CA TP.HCM, Hải Quan, CSG.

Đến nay, chỉ mỗi ông bầu Đoàn Nguyên Đức là chứng minh được khả năng làm bóng đá nghiêm túc khi có cả học viện bóng đá. Còn lại, đa số các ông bầu khác đều chỉ mới dừng lại ở mức nói, kiểu bóng đá là đam mê của tôi.

SHB.ĐN, đội bóng vừa trải qua những thời khắc thót tim liệu đã có thể yên tâm về tương lai, cho dù bầu Hiển vừa tuyên bố sẽ tiếp tục tài trợ. SLNA chưa biết hoạt động sẽ ra sao khi giữa lãnh đạo tỉnh và bà bầu Thái Thị Hương vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức. SLNA hoàn toàn có thể quay về vạch xuất phát, phải chạy đôn đáo tìm nhà tài trợ khác như đã từng gặp phải khi dứt khỏi cái tên như Pijico, hay Tài chính dầu khí.

Đa số các CLB ta đều lệ thuộc quá lớn vào nhà tài trợ. Sự hậu thuẫn của ngân sách địa phương chỉ phát huy ở giai đoạn bao cấp. Giờ đây, khi hoạt động của đội bóng mỗi năm trung bình 50 tỷ đồng thì vai trò ngân sách địa phương đã trở nên mờ nhạt. Hay nói cách khác, không địa phương nào dám vung tiền ngân sách ra đầu tư mạnh mẽ cho thứ bóng đá chỉ chuyên nghiệp trên sách vở. Cách làm bóng đá lấy tiền đấu tiền đã buộc tất cả các CLB phải lao theo, khiến cuộc “cầm máu” cho bóng đá chuyên nghiệp là không thể.

Chưa bao giờ nỗi sợ hãi cho sự tồn vong lan tỏa khắp các CLB như sau khi kết thúc mùa giải 2012. Có lẽ, nguyện vọng chung của các CLB hiện tại là muốn làm bóng đá tử tế, hướng đến những giá trị tốt đẹp mà không nhất thiết phải đốt tiền vô nghĩa như 12 năm qua.

Vấn đề, ai cho và ai giúp các CLB được làm bóng đá tử tế?

NGỌC HÒA



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm