Sao Man City đến Việt Nam du đấu: Vui là chính!

02/07/2015 18:36 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Không nằm trong các dự án Asia tour hằng năm của các CLB châu Âu, nhưng trong tháng 7 này, Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến của gã khổng lồ Anh quốc Manchester City (Man City). Tuy là “phí ra sân” cho các đối tác không được tiết lộ, nhưng theo ước tính, sẽ không dưới 1 triệu bảng Anh (tương đương 35 tỷ VNĐ) được chi ra cho chỉ riêng Man City. Với AS Roma có lẽ rẻ hơn.

Tiền chưa bao giờ là vấn đề với Man City của tỷ phú Sheikh Mansour, nhưng vấn đề là… giá cả. Rõ ràng, việc Man City chấp nhận đến Việt Nam "làm ngoài giờ", phần nào cho thấy đẳng-cấp-hạng-hai của họ tại giải Ngoại hạng Anh cũng như làng túc cầu thế giới. Tại sao thì chúng ta sẽ bàn dưới đây.

Lợi thì có lợi…

Trước Việt Nam, những nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Singapore và thậm chí cả Indonesia, đã là những điểm đến quen thuộc của rất nhiều CLB hàng đầu châu Âu và thế giới trong mùa du đấu. Ví như Thái Lan, họ tổ chức cả giải cho vài đội khách mời đá… chơi. Việc mở cửa, chào đón sự hiện diện của các thương hiệu hàng đầu là một xu thế tất yếu, bởi bên cạnh chuyện kinh-doanh-bóng-đá, giải trí – phục vụ một bộ phận không nhỏ các CĐV, nó còn có thể là những gói kích cầu cho sự phát triển của nền bóng đá xứ sở.


Chuyến du đấu của Man City đến Việt Nam với mục đích quảng bá thương hiệu trước khi tiến hành những thỏa thuận hợp tác

Như Thể thao & Văn hoá cuối tuần từng đề cập, trước triều đại HLV Kiatisuk Senamuang thành công vang dội trong khoảng 3 năm qua, bóng đá Thái Lan từng đón rất nhiều thương hiệu cỡ bự ngồi vào ghế lái trưởng các ĐTQG. Từ Peter Reid (2008), đến Bryan Robson, rồi Winfried Schafer…

Những HLV gạo cội của bóng đá thế giới đến Thái Lan không chỉ để hưởng lương hay tìm kiếm sự trải nghiệm, cũng không phải gánh vác sứ mệnh lịch sử nâng tầm nền bóng đá, họ chỉ đơn giản phục vụ tiêu chí mà FAT (Liên đoàn bóng đá Thái Lan) theo đuổi: Tạo hiệu ứng, thu hút nguồn lực.

Và, bóng đá Việt Nam. Do phải chịu hệ luỵ từ cuộc khủng hoảng kinh tế diện rộng, khoảng 3-5 năm qua, rất nhiều nhà đầu tư, các ông bầu đã rút chân khỏi bóng đá. Không bao gồm cơ chế khác biệt như ở B.Bình Dương, ở khía cạnh tư nhân, có thể khẳng định: Mạnh nhất lúc này là bầu Hiển và bầu Đức. Nếu như ông chủ HAGL group, Đoàn Nguyên Đức, có công trong việc mời Arsenal đến Việt Nam hồi năm 2013, thì bầu Hiển dường như cũng không muốn lép vế, với cú “áp-phe” mang tên Man City.

Nền bóng đá cần những gói kích cầu, dù biết rằng nó không hề rẻ. Trước là nhỏ lẻ, sau biết đâu được, bằng với nguồn lực từ tư nhân và xã hội, chúng ta sẽ làm được như người Thái, người Mã?! Bóng đá Việt Nam có thể không hoá rồng trong tương lai gần, những chắc chắn sẽ được thế giới biết đến nhiều hơn dù rằng là qua sự xuất hiện của các thương hiệu lớn trên sân cỏ của 1 trận giao hữu.

… Nhưng sau đó là cái gì?

Một trong những điều kiện tiên quyết để các đội bóng hàng đầu châu Âu đến du đấu, ngoài vấn đề tài chính và các mối quan hệ truyền thống,  thì đấy còn là việc phát triển thị phần, bao gồm bán áo đấu, đồ lưu niệm và đương nhiên cả phát triển lược lượng CĐV. Indonesia, Thái Lan, Singapore và Malaysia đáp ứng đủ các yêu cầu này để trở thành điểm đến quen thuộc của các CLB hàng đầu thế giới vào giữa mỗi mùa giải.

 Vậy ở Việt Nam và cụ thể với trường hợp của Man City thì sao. Dĩ nhiên, vấn đề tài chính và cả mối quan hệ thì ông chủ của T&T Đỗ Quang Hiển đã có đủ. Nhưng những điều kiện sau thì khá mơ hồ. Áo đấu và đồ lưu niệm ư? đội bóng của tỷ phú Sheikh Mansour khó mà hy vọng sẽ mở ra một thị trường tiền năng, bởi nói thẳng, chỉ bán được một chiếc áo đấu chính hãng ở Việt Nam thôi đã là chuyện khó, bởi sự xâm thực của… hàng nhái.

Hãy nhìn lại chuyến du đấu của Arsenal, kể cả vụ Running Man Vũ Xuân Tiến khá ồn ào, thì sau đó cũng chẳng thấy ai nhắc đến chuyện... có thêm bao nhiêu chiếc áo Arsenal "xịn" được bán ở Việt Nam. Phát triển cổ động viên cũng vậy, khi mà Man xanh mặc cho có hẳn 1 hội CĐV tại TP.HCM được thành lập trước sự chứng kiến của báo giới, cùng con số thống kê khoảng 7.000 người thì cũng chỉ ngồi đủ... 1/5 số ghế sân Mỹ Đình. Con số CĐV này còn thua xa Arsenal, chứ đừng so với M.U hay Barca.

 Cuối cùng là về chuyên môn. Sự phát triển bền vững của nền bóng đá không hề phụ thuộc trực tiếp vào những “quả lẻ” như lịch sử 20 năm trước, khi Juventus đến và siêu sao Viali thực hiện cú "ngả bàn đèn" giữa sân Hàng Đẫy. Tương tự là những trận đấu trước đó với Porto B, Barca B, Olympic Brazil, hay Arsenal khi mà tiền vệ Mạnh Dũng ăn mừng như "phát rồ" với pha ghi bàn rút ngắn tỷ số còn... 1-7! Pha ăn mừng cho thấy bản chất của trận cầu được xem là lịch sử chỉ là - Vui là chính!

Và có lẽ cũng giống như Arsenal hồi năm 2013, Man City cũng chỉ đủ "gây bão trong chiếc cốc" mà thôi!

7. Nếu đón thêm cả Man City và AS Roma, Việt Nam đã là điểm đến của 7 CLB hàng đầu châu Âu tính cho đến thời điểm này. Năm 1996, CLB Juventus với rất nhiều hảo thủ từng chơi bóng ở Hàng Đẫy; năm 2004, chúng ta đón thêm nhà tân vô địch Âu châu là Porto; năm 2005, Barca B cũng từng ghé qua sân Mỹ Đình; năm 2009 là Olympiakos và gần đây nhất, năm 2013, bằng với kênh quan hệ của HAGL Arsenal JMG, ĐT Việt Nam có cơ hội cọ xát với Arsenal.

2. Trong 5 lần đón tiếp các đại diện châu Âu trước đây, đã có 2 trận ĐỘI TUYỂN Việt Nam giành chiến thắng và 3 lần khác thua cuộc. Năm 2005 và 2009, chủ nhà đã vượt qua Barca B và Olympiakos cùng với tỷ số 1-0. Tất nhiên, thành phần đến Việt Nam của “đối tác” khi ấy không phải là tập hợp đội hình mạnh nhất. Năm 2013, khi Arsenal đem đến Mỹ Đình toàn hảo thủ, họ dễ dàng có 7 bàn thắng trước khi để chủ nhà ghi một bàn vào những phút cuối trận, như thể “món quà”.

1. Trên hành trình đến với Olympic Bắc Kinh 2008, Ronaldinho và các đồng đội ở Olympic Brazil cũng từng ghé qua Mỹ Đình. ĐỘI TUYỂN Việt Nam dưới thời HLV Henrique Calisto đã để thua Olympic Brazil với tỷ số 0-2. Kể từ sau khi hội nhập trở lại làng túc cầu thế giới cho đến thời điểm hiện tại, cái tên Olympic Brazil vẫn là thương hiệu lớn nhất cấp độ đội tuyển ngoài châu Á, từng đến Việt Nam du đấu. Về mặt bản chất, việc Olympic Brazil “quá cảnh” ở Việt Nam cũng chỉ để “kiếm thêm”.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm