Quốc Vượng và bóng ma quá khứ

21/08/2014 17:42 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Ngồi trước chúng tôi là một người đàn ông đã đi qua cú vấp ngã lớn nhất cuộc đời và đứng dậy được, và có lẽ là người hiểu rõ hơn ai hết một giai đoạn đen tối của bóng đá Việt Nam.

Anh khiến chúng tôi vừa có chút cảm mến, vừa hơi chờn chợn vì sự lưu loát và gãy gọn rất từng trải khi kể lại những gì đã trải qua trong một vụ án dàn xếp tỉ số gây rúng động bậc nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Kẻ ngoan cố nhất 9 năm về trước

Khi quyết định về Vinh để tìm hiểu tư liệu cho bài viết này, chúng tôi cố đi tìm câu trả lời cho băn khoăn rằng cái gì đã đẩy các cầu thủ, vốn có thu nhập cao hơn so với mặt bằng xã hội, không chỉ rơi vào vòng xoáy của bán độ và dàn xếp tỉ số, mà còn trở thành những con nghiện, hoặc “chúa Chổm” vì nợ nần, và tệ nhất, phải mặc áo tù. Chúng tôi tin rằng không ai có thể cắt nghĩa điều ấy tốt hơn Quốc Vượng, và cũng không có một tấm gương nào đủ thuyết phục hơn, nếu các cầu thủ trẻ cần tìm một lời cảnh tỉnh với những cám dỗ của nghề nghiệp.



Niềm vui của Quốc Vượng giờ đây là gia đình nhỏ và bóng đá phủi.Ảnh:bongdanet

Tờ Tiền Phong viết vào tháng 8/2006: “Các bị can như Văn Quyến, Quốc Anh, Bật Hiếu, Hải Lâm… đều tỏ ra thành thật, riêng bị can Lê Quốc Vượng tỏ ra hết sức ngoan cố, một mực không khai báo…”. Tờ Sài Gòn Giải Phóng tường thuật lại trong phiên tòa : “Vượng một mực phủ nhận hành vi của mình, khai rằng ngoài số tiền dàn xếp tỉ số, phần còn lại mà mình nhận từ “trùm độ” Lý Quốc Kỳ (thông qua Trương Tấn Hải) là tiền Kỳ cho mượn để cưới vợ và mua nhà”. Tóm lại, 9 năm trước, qua phản ánh của báo chí, Vượng đích thực là một tay đầu sỏ lọc lõi và cứng đầu.

“Tôi chỉ nghĩ là đá thắng lại kiếm thêm được mấy chục triệu mua quà cho con. Bản thân lương chúng tôi ở Sông Lam Nghệ An hồi đó cao nhất là 13 triệu, nghĩ là kiếm thêm chút nên mới rủ tất cả tham gia, còn nếu mà định làm chuyện tày trời thì chắc chỉ rủ mấy thằng thôi, cũng rất khó để lộ ra ngoài. Mình làm sai thì mình chịu” – Vượng kể lại với chúng tôi trong căn phòng khách khá giản dị chỉ khoảng 30 mét vuông, khi bữa cơm vợ anh dọn ra phải tạm gác lại để “trả lời mấy anh nhà báo trước”.

“Ban đầu tôi đã suy nghĩ rằng tại sao nhiều thằng cũng “bán”, thậm chí “làm tiền” cả những trận chung kết mà không bị bắt. Lúc đó vì nhận thức chỉ đến thế, tôi chỉ nghĩ rằng mình “làm” mà thắng thì có gì mà bị thế này nên ban đầu tôi không nói gì cả, công an cho rằng tôi ngoan cố” – Vượng tiếp tục kể: “Khi về Việt Nam nghe nói có vụ bán độ tôi vẫn nghĩ là có cầu thủ bán trận chung kết cơ, mà bán trận chung kết thì cho bắt rồi… xử bắn luôn cũng được, tôi đã nghĩ thế đấy, cứ nghĩ là việc mình làm không ảnh hưởng gì cả”. Trong số 7 cầu thủ dính chàm ở Bacolod 2005, có lẽ Vượng là người lận đận nhất. Sau khi tuyên bố giải nghệ vào đầu năm ngoái vì vụ lùm xùm nợ tiền đội Thanh Hóa, Vượng làm bốc vác ở công ty Văn Minh để kiếm sống, và đá bóng “phủi” để thỏa đam mê.

“Tại vì có tiền mà hư…”

Vượng giờ là đội trưởng của FC Văn Minh, đội bóng “phủi” có tiếng ở Vinh và hiện đang dự một giải Ngoại hạng “phủi” thu hút rất đông khán giả đến sân ở Hà Nội. Trên sân, Vượng vẫn giữ dáng đi rất khệnh khạng của một bậc đàn anh từng trải, tiếng hét có thể khiến người khác giật bắn mình và những cú sút búa bổ. Nhưng có cảm giác dù sự quyết liệt vẫn thế, đá bóng đối với Vượng giờ là một công việc nhẹ nhàng như hít thở. Gánh nặng mưu sinh đeo trĩu hai vai hơn, nhưng niềm vui cũng lớn hơn.

“Tại vì có tiền mà hư. Nhiều khi tôi nói với vợ là không tiền có khi hạnh phúc hơn. Hồi đá bóng có nhiều tiền trong túi cứ ăn nhậu rồi tối đi bar đi sàn, rồi “bạn gái”, đi hát đi hò đi bay đi lắc. Trong giới cầu thủ và cả giới trẻ nói chung, những chuyện này phổ biến lắm. Trò đời mấy ai mà đi theo bạn rồi có thể thoát khỏi ảnh hưởng của bạn bè” – Vượng cười nói. “Cầu thủ xuất thân 70-80% xuất thân không phải là khá giả, khi đá bóng có đồng tiền thì xã hội lại nhiều cám dỗ. Bản thân tôi ngày xưa nghèo khó, đến khi có tiền để tiêu, xã hội nhiều chỗ chơi mà lại không có ai định hướng nhận thức cho mình rằng việc ấy là sai hay đúng, nên cứ chơi vậy thôi”.

Những cầu thủ trẻ dính vào cờ bạc và nợ nần thường là mục tiêu béo bở của các tay môi giới dàn xếp tỉ số: “Hồi tôi còn đá ở SLNA, Cảng Sài Gòn muốn vào Vinh đặt vấn đề với tôi thông qua một người quen ở Vinh, có hứa là nếu “bán” trận ấy thì sẽ cho tôi 400 triệu. Lúc đó tôi còn nợ 100-200 triệu nhưng tôi không đồng ý. Hồi đó đá sân nhà, tôi cũng không muốn làm điều đó. Hồi SEA Games thì chỉ nghĩ rằng thắng thì lên đầu bảng rồi, nên “làm” vậy thôi”.

Cuộc chơi được dẫn dắt bởi sinh hoạt buông thả của giới cầu thủ Việt: “Hầu như đội nào thắng một trận cũng có lệ đập phá, thắng là tự cho mình quyền xả stress. Chi phí tốn thì uống rượu đi bar, 10 người thì tốn khoảng 30-40 triệu một lần đập phá, khoảng 3 triệu/ người, bằng nửa tháng lương của tôi ở công ty Văn Minh bây giờ rồi (cười)”.

“Bóng đá Việt Nam không giáo dục cầu thủ tốt”

Tóm lại, một cầu thủ phải “bơi” giữa quá nhiều những cạm bẫy, trong khi họ có rất ít bản lĩnh để chống lại cạm bẫy: “Sai lầm của các CLB là chưa giáo dục cho các cầu thủ những thứ ngoài bóng đá. Đá bóng thì chỉ mất 2 tiếng thôi, 8 tiếng là nghỉ ngơi, còn 14 tiếng mình tiếp xúc với nhiều thứ. Ở nước ngoài, cầu thủ có thể không có bằng cấp, nhưng họ có nhận thức tốt.” – Vượng chia sẻ.

Ngồi ôm cậu con trai kháu khỉnh hai tuổi, Vượng ngẫm lại: “Tôi không có tư cách để khuyên các cầu thủ khác về việc họ làm, nhưng những gì đã xảy ra với chúng tôi có thể là bài học cho các cầu thủ trẻ”. Còn với những gì đang diễn ra lúc này thì sao? “Cảm giác của tôi bây giờ là biết ơn những gì đã trải qua giúp tôi nhận ra hạnh phúc là thế nào. Giờ về chơi với con vui hơn đi bar sàn trước kia chứ. Ông trời cũng không đến nỗi…” – Vượng ngập ngừng, trong tiếng cười khanh khách của cậu con trai Quốc Long ngồi lọt thỏm trong lòng bố.

“Các bác lãnh đạo phải xem lại cách làm bóng đá của mình”

Quốc Vượng tỏ ra rất bức xúc khi nói về vai trò của các cơ quan quản lý: “Tôi muốn nói về công tác quản lý từ cấp độ Liên đoàn xuống hệ thống quản lý ở các CLB lẫn các HLV, cầu thủ chỉ là “tầng lớp” cuối cùng. Nếu nói về trách nhiệm của việc này, tôi nghĩ là các bác lãnh đạo phải xem xét lại cách làm bóng đá của mình, xem xét tư cách các lãnh đạo của CLB, và sau đó xem xét tư cách của các HLV quản lý các cầu thủ ấy nữa, xem những người ấy đã tốt hay chưa, bởi vì cầu thủ thì so về tuổi đời với những người kia vẫn là trẻ nhất.”


Phạm An – Vũ Tú (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm