Nuôi đội hạng nhất và nuôi pháo hoa

23/09/2012 09:14 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH)- Đội hạng Nhất SHB.ĐN đang đứng trước bờ vực giải thể. Thông tin đó làm nháo nhào lãnh đạo Công ty CPTT SHB.ĐN cùng thầy trò HLV Phan Công Thìn, nhưng với khán giả thì đấy là chuyện bình thường.

40 tỷ đồng cho bóng đá, đổi lại hư danh

Nháo nhào là tất yếu, bởi sự tồn tại của đội hạng Nhất đã mang lại một nguồn thu cực lớn (cùng với nguồn thu từ đội V-League) cho cầu thủ, BHL, lãnh đạo Công ty CPTT SHB.ĐN. Tương đương 40 tỷ đồng, một con số không nhỏ mà mỗi năm bầu Hiển phải chi ra để nuôi đội hạng Nhất SHB.ĐN.

Thậm chí, nhiều đội chuyên nghiệp bậc trung cũng chỉ tiêu tốn cỡ chừng đó tiền. Nói thế để thấy rằng, cũng phải chia sẻ cho bầu Hiển ở góc độ này. Nuôi một đống con, thêm 40 tỷ đồng cho đội hạng Nhất SHB.ĐN, trước sau gì ông Hiển cũng phải khét túi.



Mỗi năm Trẻ SHB.ĐN (áo trắng) ngốn đến 40 tỷ đồng của bầu Hiển. Ảnh: V.S.I

Lâu nay, những người làm bóng đá Đà Nẵng dường như đã coi ông Hiển như cái mỏ vàng lộ thiên để khai thác tối đa. Cho đến cuối mùa, BHL lẫn cầu thủ đội hạng Nhất SHB.ĐN vẫn tôn vinh ông Hiển, coi ông chơi quá đẹp với họ về lương thưởng.

Đổi lại 40 tỷ đồng đó là cái gì? Đội bóng chỉ đứng thứ 7 chung cuộc. Còn nữa, bầu Hiển cũng không bật đèn xanh đội phải có thứ hạng cao, thành ra thầy trò HLV Phan Công Thìn không hề có động lực.

Họ chỉ mong trụ hạng, sau đó canh me trận nào thơm để đá lấy tiền thưởng. Tóm lại, một mùa giải qua, đội hạng Nhất SHB.ĐN dường như không tồn tại về hiệu ứng tiếng tăm, chuyên môn cũng nhợt nhạt.

Những buổi họ thi đấu trên sân Chi Lăng khán giả èo uột, cánh phóng viên cũng cực chẳng đã mới phải ra sân. Bỏ qua yếu tố quảng cáo, kinh doanh đội hạng Nhất này coi như số không, nếu nói phục vụ nhiệm vụ chính trị thì càng thất bại.

Lãng phí đau lòng

Đà Nẵng còn quá nhiều địa chỉ cần sự hỗ trợ về tiền, điển hình như ngư dân, đồng bào miền núi Hòa Bắc, giới sinh viên... Thế nên, 40 tỷ đồng, dù là tiền của bầu Hiển, nhưng vẫn cảm thấy đau lòng cho sự phí phạm vào đội hạng Nhất.

Số tiền đó giả như tập trung vào đào tạo trẻ, đầu tư cho một số VĐV đỉnh cao như Hoàng Quý Phước (bơi), Thanh Phúc (đi bộ), Quốc Toàn (cử tạ), chắc chắn là nhận được sự đồng thuận cao. Đội một SHB.ĐN không sợ thiếu quân hoặc rớt hạng do các lứa kế cận tốt, nên việc không tồn tại đội hạng Nhất cũng chắc chết ai. Hoặc, nếu vì cọ xát, chỉ cần đầu tư cho U21, hoặc tam dự hạng Ba, hạng Nhì cũng là khả thi.

Chúng tôi liên tưởng đế lễ hội trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng hàng năm. Bất luận thế nào, lễ hội này đã là sản phẩm du lịch độc đáo, có tính lan tỏa, kích cầu “thương hiệu” Đà Nẵng mãnh liệt.

Tuy vậy, từ năm 2013 trở đi, Đà Nẵng sẽ chỉ tổ chức lễ hội pháo hoa vào các năm lẻ (2013, 2015...). Theo như ông Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, "cái gì ít, hiếm mới hấp dẫn, khách mời thòm thèm chứ nhiều quá sẽ dẫn tới nhàm chán".

Đấy cũng là một ý, nhưng cũng một vấn đề khá tế nhị: việc tổ chức mỗi năm khiến cho công tác vận động tài trợ hết sức đỡ vất vả, khó khăn. Tương đương 30 tỷ đồng, doanh nghiệp nào có yêu, có trách nhiệm với  Đà Nẵng đến mấy cũng không khỏi “chóng mặt” khi năm này vừa qua, đã phải  chuẩn bị kinh phí tài trợ cho lễ hội năm khác (công tác vận động tài trợ triển khai rất sớm). Trong khi, mỗi năm đâu phải tài trợ mỗi “anh pháo hoa”!

Đà Nẵng đã đầu tư nhiều cho bóng đá, nhưng họ không thành công như mong muốn nên mấy năm qua đã phó thác cho bầu Hiển. Được biết, ông Bùi Xuân Hòa, TGĐ Công ty CPTT SHB.ĐN đã làm việc với lãnh đạo thành phố để xin ý kiến nên giải thể hay tồn tại đội hạng Nhất.

Ông Hòa dù đã nói giảm đi mỗi năm đội chỉ tốn 30 tỷ đồng, nhưng vẫn không thuyết phục được lãnh đạo thành phố. Đồng nghĩa, trong trường hợp không bán, việc giải thể đội bóng dường như chỉ là vấn đề thời gian.

NGỌC HÒA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm