Nhiều cầu thủ Đồng Tháp đứng đường, tại sao?

31/12/2012 08:48 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Với quá nhiều những tiền lệ, người ta không còn lấy làm lạ khi lại có thêm một đôi chân tiền tỷ nữa, có xuất xứ Đồng Tháp Mười, đang đứng trước nguy cơ phải… ra đường. Chúng tôi đang nói đến cựu hậu vệ ĐT Việt Nam, Đoàn Việt Cường.

Việt Cường (trái) từng giữ băng thủ quân ở các CLB mà anh từng trải qua, nhưng giờ thì Cường đang thất nghiệp. Ảnh: Quang Nhựt

Các cầu thủ Đồng Tháp đã làm gì nên nỗi, để rồi phần lớn đều không còn là chính mình sau khi rời xứ bưng biền?

Sự sụp đổ của một biểu tượng

Bỏ qua những giai thoại về một Đoàn Việt Cường mỗi sáng chạy bộ vài chục km để rèn thể lực hay Phong Hòa có tiếng là hiền, là đa năng ở hàng hậu vệ, hoặc nữa với Thanh Bình từng được xem là tiểu tướng ở tuổi 17…; ngay lúc này, với một bộ phận những người hâm mộ còn chút mặn mà với bóng đá xứ sở, các cái tên được nhắc ở trên chỉ còn là dĩ vãng.

Xứ phồn hoa đô thị xa hoa, nhiều cám dỗ, đã khiến phần lớn họ trượt một bước dài, cho đến khi ngoảnh lại, tay trắng lại hoàn trắng tay. Tất nhiên không phải tất cả đều như thế, chúng tôi chỉ nói phần lớn.

Khi còn làm đội trưởng trẻ nhất trong lịch sử bóng đá Đồng Tháp (ở tuổi 20), Việt Cường vẫn được ví là người không phổi, chuyển lên HA.GL sống cuộc sống vương giả, rồi là trụ cột gần như không thể thay thế trên bình diện các ĐTQG, vắt qua nhiều thế hệ HLV ngoại…, Cường “Dusit” vẫn cứ là hàng hiếm. Về chất chơi mà nói, kể cũng khó cầu thủ đương thời nào qua mặt được Việt Cường. Chưa là tấm gương, nhưng Cường từng tạo được chỗ đứng vững chắc trong mắt đồng đạo.

Nhưng giờ, Cường có nguy cơ phải ra đường. Mà không còn là nguy cơ nữa, khi lãnh đạo XMXT.SG mới đây đã thông báo, cựu hậu vệ ĐT Việt Nam không có trong kế hoạch sử dụng của HLV Lư Đình Tuấn, với lý do được đưa ra là ngoài chuyên môn.

Bị loại khỏi ĐT Việt Nam trong quá trình chuẩn bị AFF Cup 2012, giờ tiếp tục bị đưa lên sàn chuyển nhượng, quả không ai nghĩ Việt Cường lại bi đát thế.

Nó không đơn thuần là câu chuyện của "thời thế, thế thời", mà nguyên nhân sâu xa phải là chỗ của Cường. Cái gì chẳng có nguyên nhân của nó.

"Chữ tài liền với chữ tai một vần"

Cái nôi đào tạo trẻ Đồng Tháp nức tiếng cả nước, đến giờ, vẫn không một ai nghi ngờ điều đó. 2 chức vô địch quốc gia (năm 1989 và 1996) là những minh chứng lịch sử, dù bóng đá xứ bưng biền vắt qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Và khi trào lưu xuất khẩu cầu thủ đang còn rất thịnh, Đồng Tháp luôn cho ra lò nhiều thế hệ cầu thủ đầy tài năng.

Cách đây đúng chục năm, những Quang Trãi, Đoàn Hoàng Sơn, Minh Nghĩa, Trung Vĩnh…, thực sự đã mở đầu cho trào lưu biệt xứ, để lứa của Thanh Bình, Việt Cường… tiếp nối sau này.

Nếu lấy Công Minh, Quang Trãi làm những tiêu biểu cho “thế hệ vàng” thực sự của xứ Đồng Tháp Mười trước đây, thì Thanh Bình, Việt Cường, Quý Sửu, Phong Hòa… cũng toàn là tuyển thủ QG. Đó là chưa kể đến những Minh Triết, Văn Pho, Được Em, Duy Khanh…, đều có giá chuyển nhượng tiền tỷ cả, thậm chí là nhiều tỷ. Nó nói lên rằng, cầu thủ xuất xứ Tràm Chim có tài thực sự, chứ không phải tay mơ, gặp thời. Nhưng thói đời, “chữ tài liền với chữ tai thành vần”. Gần như không một ai trong số họ thành danh ở xứ người.

TIỀN là bản chất vấn đề. Người ta ví rằng, khi còn ở Đồng Tháp, dù lương thưởng có chút hạn hẹp, nhưng ít nhất cầu thủ còn giữ được cái chất mộc mạc của miệt vườn. Đấy là sự chịu thương, chịu khó, là đức tính ham làm và rất ít biết kêu ca. Cơ chế chuyển nhượng "thông và thoáng" mở ra trong quá trình bóng đá Việt Nam lên chuyên, từng đã đổi đời cho rất nhiều thế hệ cầu thủ Đồng Tháp, nhưng kèm theo đó là vô số những tác dụng phụ, khiến cầu thủ không còn là chính mình. Hãy soi vào Phong Hòa, Thanh Bình hay Việt Cường mà xem!

TÙY PHONG
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm