Người tài và người nhà

12/10/2017 08:41 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện của Bùi Thị Hà, một trong 100 thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, sau một năm vẫn thất nghiệp, về lại quê nhà Hà Giang nuôi lợn, thu hút nhiều ý kiến tranh luận trong mấy ngày qua.

Hôm qua, tôi điện thoại cho một đồng nghiệp ở Hà Giang, tham mưu rằng, thử đến tận nhà cô thủ khoa tìm hiểu căn nguyên. Bất luận thế nào, một sinh viên đặc biệt như thế, là của hiếm. Hà gia đình khó khăn, ít quan hệ, xin đi dạy không phải là chuyện đơn giản trong bối cảnh cả nước thừa đến 27 nghìn giáo viên.

Bằng quan hệ, với sự trong sáng, đồng nghiệp vẫn có thể tham mưu cho Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, thậm chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang, xem xét trường hợp của Hà, có tạo được một cơ hội cho em chứng minh sở học hay không. Nếu giải quyết thấu tình, đạt lý, có khi Hà Giang lại “ghi điểm”. Thậm chí, trong trường hợp Hà học ngữ văn, vẫn có thể tiến cử em thử đi làm báo. Cả nước có 982 cơ quan báo, tạp chí được cấp phép hoạt động. Nếu em thích nghề này, chắc chắn anh em báo chí cả nước không khó giúp, kể cả ở Hà Giang.

Người tài họ thường giàu tự trọng, thậm chí thà “nuôi lợn” còn hơn phải hạ mình cầu cạnh xin việc, hay nhận bố trí những việc không xứng với tài năng của họ, với danh nghĩa “thử lửa”, “đi cơ sở”. Chúng ta, ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhất là sư phạm, chưa có thói quen “đi săn” người tài. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: “Việc tuyển chọn, bổ nhiệm là để tìm ra người tài chứ không phải tìm người nhà”. Người viết hy vọng mấy ngày tới, với nỗ lực của đồng nghiệp của chúng tôi, sẽ có đoạn kết tốt đẹp cho cô thủ khoa văn chương Bùi Thị Hà.

***

Trong lĩnh vực bóng đá, chuyện đối xử với người tài cũng rất bất ổn. Mấy năm nay, vì sao bóng đá trẻ phát triển tốt? Căn nguyên chính, vì một số trung tâm đã thực sự trọng thị người tài, họ buộc các nhà tuyển trạch phải xới tung tất cả tỉnh thành để chọn những tinh hoa bóng đá. Cách làm đó đã khiến cho nhiều lò truyền thống “giãy đành đạch”, kể cả SLNA. Qua rồi thời chọn năng khiếu ưu tiên con em trong Sở TDTT cũ, hay người quen, có khi "dăm cân lạc" là xong việc.

Gọi quân lên các đội tuyển cũng chưa bỏ được căn bệnh ưu tiên “gà nhà”, người quen, quân anh, quân tôi. Anh Đức 3 năm qua không thèm lên đội tuyển, không hẳn cơn cớ. Lần này, chân sút của B. Bình Dương được mời một cách trọng thị, thế là vui vẻ lên Tuyển. Đức đã chứng minh đẳng cấp của một tiền đạo nội đang ghi nhiều bàn thắng nhất ở V-League.

'Anh Đức là sự khác biệt của HLV Mai Đức Chung'

'Anh Đức là sự khác biệt của HLV Mai Đức Chung'

HLV Đoàn Minh Xương cho rằng chính tiền đạo Anh Đức đã tạo nên điểm nhấn đáng kể nhất trong chiến thắng dễ của Việt Nam trước Campuchia.

Không bỏ sót tài năng và cầu thủ phong độ tốt nhất, luôn là chuyện khó mỗi lần tập trung. Cho nên, rất lo cho tân HLV Park Hang Seo. Ông làm gì có thời gian vi hành xem hết các trận đấu, nên phụ thuộc cả vào VFF, các Ban, phòng chuyên môn, đặc biệt các trợ lý.

Mà, tìm trợ lý lên Tuyển cũng không tránh khỏi thói quen thân-sơ, cần phải được cải cách quyết liệt. Thành ra, HLV giỏi trong nước thừa lòng tự trọng, họ thường chối từ. Có khi thời của ông Park, phó tướng chính lại là ông Mai Đức Chung, cùng vài trợ lý nhợt nhạt, hoặc đệ tử của bộ phận tuyển chọn.

Đến nay, ngay cả chủ trương chọn HLV Park Hang Seo là của ai trong Thường trực vẫn là một ẩn số người ta chỉ cảm nhận lờ mờ, phải thời gian mới chứng minh. Nhưng vẫn chưa cho thấy bóng dáng, quy trình và khao khát tuyển được một HLV thực sự đẳng cấp.

Bạn có dám đánh cược Park sẽ thành công?

Hữu Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm