'Người không phổi' Thành Lương

24/11/2014 15:10 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Công Vinh, Phước Tứ, Tấn Tài…, những người hùng cuối cùng còn sót lại trong lòng đội tuyển Việt Nam chinh chiến AFF Suzuki Cup 2014, có thể đã phải nghỉ thi đấu ở một vài thời điểm khác nhau nhưng Thành Lương đã chơi bóng gần như không ngơi nghỉ kể từ AFF Suzuki Cup 2008, giải đấu mà bóng đá Việt Nam lần đầu tiên lên ngôi vô địch.

Đôi giầy nhỏ của Thành Lương

Lương người Phù Lưu, Ứng Hoà, Hà Tây (cũ), được phát hiện lần đầu tiên ở sân chơi tầm quốc gia, VCK U21 Báo Thanh Niên 2005, giải đấu mà Thành Lương và Xuân Thành (đội trưởng U21 Hà Nội.ACB vào thời điểm đó) đã kéo cả đội bóng vào chơi trận chung kết. Với màn thể hiện chói sáng ở Bình Định năm đó, Lương giành danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất”, dù anh đã không chơi trận đấu cuối cùng với chủ nhà (vì thẻ phạt) và phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt của Hoàng Lâm, tiền vệ đội trưởng U21 Bình Định đăng quang năm 2005.

Trở về, Thành Lương, ở tuổi 17 (theo giấy tờ, Lương sinh ngày 10/9/1988) ngay lập tức được đôn lên đội 1 Hà Nội.ACB, chơi giải hạng Nhất và V-League sau đó, mà không cần bất cứ sự đặc cách nào của các thầy. Và Lương đã ở đó trước khi chuyển qua Hà Nội.T&T (kể từ V-League 2013, sau khi CLB bóng đá Hà Nội giải thể). Lương cũng đã chơi cho các ĐTQG kể từ năm 2008 đến nay, trải qua 4 kỳ AFF Cup, 2 SEA Games (2009 và 2011) và gần như không có thời gian nghỉ ngơi.

Một cầu thủ chỉ cao hơn 1m60, mang giầy size số 5 và không nghỉ suốt 7 – 8 năm, quả là một kỳ tích. Nhiều ý kiến cho rằng, Lương thấp bé nhẹ cân, không giỏi trong tranh chấp, đó là sai lầm. Mượn người, lấy nhu thắng cương, là tố chất đặc biệt của Lương “dị”, bên cạnh kỹ thuật, khả năng đi bóng lắt léo và nhãn quan chiến thuật tuyệt vời. Các ĐTQG Việt Nam đã trải qua rất nhiều đời HLV, từ nội đến ngoại, nhưng tại sao Thành Lương luôn ở đó và thậm chí thường xuyên giành suất đá chính?!

Hỏi mà như đã trả lời! Con người làm nên chiến thuật và phục vụ chiến thuật nhưng chiến thuật được sinh ra không để phục vụ hay làm hài lòng bất cứ cá nhân nào, ngay cả khi đó là người xuất sắc nhất. Cũng tựa như tại các ĐTQG, trong màu áo CLB, Thành Lương luôn được ý thức vai trò của mình.

Và “người không phổi” ở đội tuyển Việt Nam

Những người hùng AFF Suzuki Cup 2008 còn lại trong lòng đội tuyển của Toshiya Miura chỉ đếm trên đầu ngón tay và Lương, cùng với Phước Tứ là 2 trong số ít ỏi những cầu thủ ngày ấy giành suất đá chính trong trận mở màn với Indonesia. Ngọc Hải và Công Vinh là những người ghi bàn cho đội tuyển Việt Nam nhưng Thành Lương mới là cầu thủ chơi nổi bật nhất, cần mẫn nhất và hăng hái nhất. HLV Miura đã khẳng định điều này sau trận đấu. Lương “dị” bao năm vẫn thế, đầy khát khao cống hiến và động lực chơi bóng.

Khi đội tuyển Việt Nam không sở hữu một mẫu cầu thủ chuyên gia làm bóng ở khu giữa sân, người có thể tung ra các đường chuyền một phát ăn ngay, giữ và điều tiết nhịp độ trận đấu như Hồng Sơn hay Minh Phương trước đây thì Lương chính là trạm cung cấp bóng lý tưởng nhất có thể cho tuyến đầu. Đó là một điều đặc biệt khác của Lương “dị” và rõ ràng, HLV Miura có lý do để triển khai tấn công từ hành lang cánh.

Đã là chồng, cha và Thành Lương cũng sẽ đến thời điểm phải nghỉ ngơi. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, đây chính là thời điểm chín muồi nhất của sự nghiệp với tiền vệ nhỏ con này.

Thành Lương đã có thể trở thành một ngôi sao thay vì chỉ là một cầu thủ giỏi. Nhưng đấy mới là Lương “dị”, người vẫn thi thoảng về chơi các trận bóng  “phủi” như một thói quen. Và nếu HLV Toshiya Miura còn giữ tham vọng giành chiến thắng cuối cùng ở AFF Suzuki Cup 2014, chắc chắn vai trò củaThành Lương sẽ còn đậm hơn cách đây 6 năm. Lương khác với Văn Quyết, Minh Tuấn và rất nhiều người trẻ khác ở sự cần mẫn.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm