Ngôi sao 'phủi' anh là ai?

19/05/2013 15:30 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) -Trước khi Nghiêm Xuân Tú, bản hợp đồng mới nhất của xứ Thanh cho giai đoạn lượt về V-League 2013, có bàn thắng ấn định tỷ số 2-1 cho Thanh Hóa trước Sông Lam Nghệ An ở vòng chín, ít ai biết Tú là ai và từ đâu đến. Trên thực tế, Tú “ngựa” chỉ là một trong rất nhiều những cầu thủ trưởng thành từ bóng đá phong trào, khẳng định được mình ở sàn diễn đỉnh cao và có thể kiếm tiền tỉ chuyển nhượng.

Tú “ngựa”, niềm tự hào của phủi Hà Nội

Những ngày gần đây, dân tình bóng bánh nhắc nhiều đến cái tên Nghiêm Xuân Tú, tức Tú “ngựa”, như thể niềm tự hào bất tận của bóng đá phong trào Hà Nội. Chỉ vài ngày sau khi lập cú đúp, giúp Cường Quốc FC kéo lại một điểm trước Trà Dilmah nức tiếng cả nước, trận đấu trong khuôn khổ Hà Nội Premier League (HPL) 2013, rất bất ngờ, Xuân Tú đã lại có tên trong danh sách những người ghi bàn ở vòng chín V-League 2013. Cú cài người và ra chân hiểm hóc của Tú “ngựa” giúp Thanh Hóa giành chiến thắng quan trọng trước người láng giềng SLNA, sau năm lượt trận không biết mùi chiến thắng. Một bàn thắng kiểu mẫu!



Nghiêm Xuân Tú (trái) vừa ghi bàn vào lưới SLNA sau khi đã tỏa sáng ở HPL. Ảnh: Trần Hải

Nghiêm Xuân Tú không phải là cầu thủ được ăn tập bài bản, nhưng đích thị anh là con nhà nòi. Bố anh, cựu cầu thủ Đường sắt Việt Nam Nghiêm Xuân Mạnh, nhiều năm làm trợ lý huấn luyện viên cho ông Lê Thụy Hải và Mai Đức Chung ở V-League. Trước khi trở về khoác áo Cường Quốc FC ở giải bóng đá phong trào quy mô và rất chuyên nghiệp HPL, lần đầu tiên được tổ chức, Tú “ngựa” từng là thành viên của Sài Gòn Xuân Thành, ở mùa giải mà đội bóng này giành quyền thăng hạng V-League (2011). Nên nói Nghiêm Xuân Tú, chưa nhiều người biết, nhưng nhắc đến cái tên Tú “ngựa”, dân phủi Hà Nội ít ai không quen mặt, biết tên.

Chỉ với việc Tú vừa ghi bàn thắng vào lưới SLNA đã khiến cả làng bóng đá phủi Hà Nội muốn dậy sóng rồi. Nhưng, vẫn có câu: “Ra đi là để trở về”. Với Xuân Tú, có thể bóng đá chuyên nghiệp chỉ là gác trọ, bởi ngôi nhà thực sự của anh phải là các sân bóng phủi Hà thành.

Đá phủi cũng mua nhà, sắm xe

Rất khó so sánh, nhưng ở một chừng mực nào đó, đời sống bóng đá phủi Thành phố Hồ Chí Minh có vẻ căn cơ hơn những địa phương còn lại, và các giải đấu thường niên, cũng được tổ chức quy củ hơn. Từ sân bóng trong nhà (futsal), cho đến hệ thống các giải đấu sân cỏ nhân tạo (năm hoặc bảy người), nhưng đỉnh cao phải là giải được tổ chức trên sân cỏ tự nhiên (11 người). Với đủ thể loại sân chơi như thế, không hiếm những phủi “cứng” ở TP.HCM có thể tậu xe, mua nhà được. Có thể kể ra đây Đặng Hoàng Phong (Thái Sơn Nam), Nguyễn Ngọc Long (TOTO - An Biên FC) và Huỳnh Anh Lộc (Thủy sản Miền Nam)…

Tất nhiên, tên các câu lạc bộ mà họ đang khoác áo chỉ là tạm thời, cho một hạng mục giải đấu, bởi dân phủi mỗi mùa chơi cho cả chục đội, với bằng chừng ấy số lượng giải đấu khác nhau. Như Đặng Hoàng Phong, cầu thủ từng trưởng thành từ lò đào tạo trẻ Cảng Sài Gòn, có thể không phải là cái tên xuất sắc nhất, nhưng là người biết tích lũy nhất. Quãng thời gian chơi cho MASECO Phú Nhuận, đội bóng có mùa thăng hạng Nhì, nhưng Phong dứt khoát chỉ đăng ký đá phong trào, vì ngại dính hạng. Mức lương cơ bản của một công nhân cầu đường chỉ đủ sống, căn nhà hơn 300 triệu mà Phong vừa mua phần nhiều từ tiền đá bóng, sau non chục năm tiết kiệm.

Gia nhập làng bóng phủi muộn hơn Phong, nhưng Huỳnh Anh Lộc (tức Lộc “ma”) và Nguyễn Ngọc Long (Long “mập”) cũng nhanh chóng khẳng định được thương hiệu. Phí ra sân của hai cầu thủ này cũng 200 ngàn/trận tập, chứ đừng nói đến đá giải. Xe cộ thay mới cứ gọi là mái thoải. Đây chính là hai trong số những cái tên “hot” nhất làng bóng đá phủi Sài thành, bên cạnh những Nguyễn Minh Trung (tức Tí Trung), Đặng Trung Hiền (Hiền “đen”)...

Đỉnh cao Thanh “khùng”


Nói đến bóng đá phủi, với sản phẩm ưu tú nhất từng trưởng thành tại sân chơi này và thành danh trong làng túc cầu giáo đỉnh cao, phải là Nguyễn Ngọc Thanh, cựu tiền đạo SHB Đà Nẵng và đội tuyển Việt Nam. Xuất phát từ đội bóng phong trào Đức Phát FC, đến Thành Long FC, rồi trẻ Công an TP.HCM, Ngân hàng Đông Á…, nhưng sự nghiệp chơi bóng chuyên nghiệp của Ngọc Thanh chỉ thực sự phất lên khi anh đầu quân cho Xi măng Hải Phòng (2005). Tại xứ hoa phượng đỏ, Ngọc Thanh đã giành huy chương bạc, rồi huy chương đồng V-League, trở thành đồng vua phá lưới nội (2008, với 12 bàn thắng), được gọi lên tuyển và có tổng giá chuyển nhượng đến năm, bảy tỷ đồng…

Sự thăng tiến đó không nhờ may mắn, Thanh phát tiết nghề nghiệp có căn cơ đàng hoàng. Nếu như các sân bóng phủi ở mạn Tân Phú, Bình Tân, cho Thanh những bước đi đầu đời, thì việc được tập luyện, thi đấu cạnh những đồng đội giỏi trong màu áo Công an TP.HCM như Việt Thắng, Đinh Cường hay Tuấn Phong, giúp Ngọc Thanh tích lũy rất nhiều kinh nghiệm và năng lực chơi bóng cũng được nâng lên. Mặc dù vậy, quyết định dứt nghiệp bút nghiên ở năm thứ hai đại học là không hề đơn giản, khi bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam đầu những năm 2000 vẫn còn khá mông lung. Nhưng cho đến thời điểm này, có thể thấy đó là một quyết định đúng đắn.

Thanh sau khi khẳng định được thương hiệu trong màu áo Xi măng Hải Phòng, mùa 2011, SHB Đà Nẵng của đàn anh Lê Huỳnh Đức quyết trải thảm đỏ đón anh vào Trung. Hơn 4 tỉ đồng tiền “lót tay” (chưa tính lương, thưởng), SHB Đà Nẵng có chữ ký của Thanh trong ba năm. Tại sân Chi Lăng, Ngọc Thanh lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác nhà vô địch V-League 2012, như tất cả đều biết.

“Bóng đá phủi không chỉ đem đến cho chúng tôi sức khỏe, tiền bạc, mối quan hệ, mà còn mang về cả cơ hội tìm kiếm việc làm. Tôi đã trở thành nhân viên của Công ty Cấp thoát nước (chi nhánh Bình Thạnh), với sự quen biết bắt đầu từ các sân bóng. Cứ như thế, chúng tôi lứa trước hướng dẫn lứa sau, để ổn định cuộc sống. Tôi hài lòng với hiện tại”, trung vệ đội Thủy sản Miền Nam tại giải TOTO Cup 2013, Đặng Trung Hiền (tức Hiền “đen”), một trong những dân phủi có số má ở khu vực TP.HCM, phát biểu đầy tự hào.


CCKM-Quang Thái
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm