Nghĩ từ thu nhập của Công Phượng

22/12/2014 13:29 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Với một cầu thủ chập chững bước vào nghề như Công Phượng, khoản thu nhập 400 triệu đồng trong năm 2014 là không hề nhỏ, nhưng hoàn toàn xứng đáng. Vấn đề, nó gợi mở những điều gì về sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp ở Việt Nam?

Công Phượng năm nay 19 tuổi và anh đã trở thành ngôi sao của bóng đá Việt Nam. So với nhiều đàn anh nổi danh đi trước, Phượng không hề thua kém về tài năng nếu xét theo độ tuổi. Vì thế, việc Công Phượng có thu nhập 400 triệu đồng hay hơn nữa trong một năm cũng là chuyện bình thường.  

Khi ở tầm tuổi Công Phượng, “thần đồng” Phạm Văn Quyến đã đá giải VĐQG trong màu áo SLNA và gặt hái nhiều thành công cùng các đội tuyển trẻ Việt Nam. Không có con số thống kê cụ thể nhưng có thể tin rằng hồi đó, thu nhập của Văn Quyến sau khi thành công ở VCK U16 châu Á 2000 còn hơn Công Phượng bây giờ.

Bao nhiêu bản hợp đồng quảng cáo đổ về, hình ảnh Quyến “béo” ngất ngưởng cưỡi "Spacy" đắt tiền phóng “tẹt ga” ở Vinh khiến khối cô gái “lác mắt”. Không riêng gì Văn Quyến, Công Phượng, việc nhiều cầu thủ mới có chút tài cũng có thể kiếm được tiền tỷ thông qua một phi vụ chuyển nhượng từng rất phổ biến.

Nhưng đến giờ phút này, kinh tế của Văn Quyến chỉ ở mức bình thường, và không ít cầu thủ kết thúc sự nghiệp vẫn chỉ là “trung nông” bởi đã không biết giữ tiền.

Nói vậy để thấy, cầu thủ là nghề “hái ra tiền” ở Việt Nam, còn đẳng cấp thế giới thì không phải bàn cãi. Một cầu thủ nổi danh như Công Phượng vài ba năm nữa có thể kiếm về hàng tỷ đồng/ năm là bình thường khi được hưởng lương V-League và những khoản chuyển nhượng nếu có.

Chưa hết, một khi đã trở thành ngôi sao thì Công Phượng có thể kiếm rất nhiều tiền nếu biết “khai thác” lợi thế của mình. Phượng sẽ có thêm khoản thu nhập rất lớn mà chính đáng từ những bản hợp đồng quảng cáo chẳng hạn.

Công Phượng đã trở thành ngôi sao của bóng đá Việt Nam ở tuổi 19. Ảnh: Quang Nhựt

Ở Việt Nam, Lê Công Vinh được xem là hình mẫu cả trên sân cỏ lẫn ở khía cạnh gia đình. Nghiêm túc với nghề, ý thức giữ mình và sự khôn khéo đã giúp Công Vinh trở thành cầu thủ thành đạt. Bên cạnh những khoản lót tay tiền tỷ, Công Vinh còn những khoản thu không hề nhỏ từ các bản hợp đồng quảng cáo. Nhưng vấn đề ở đây là Công Vinh biết trân quý đồng tiền mình làm được để lo chu tất cho gia đình.

Trong tương lai, Công Phượng sẽ kiếm được rất nhiều tiền như Công Vinh và có thể hơn thế. Tại sao không? Nếu Công Phương nghiêm túc với nghề và đạt đến giới hạn tài năng thì chắc chắn anh sẽ có những khoản thu nhập lớn nhưng chính đáng.

Thu nhập cao nhưng thực tế cho thấy, nhiều cầu thủ Việt Nam khi giải nghệ chẳng tích lũy cho mình được bao nhiêu do tiêu xài phung phí. Một cầu thủ ở SHB.Đà Nẵng từng tâm sự, chỉ cần chi tiêu đúng cách thì việc một cầu thủ đá V-League sở hữu nhà lầu, xe hơi và gửi ngân hàng một khoản phòng thân khi giải nghệ đổi nghề là chuyện quá bình thường.  

Thế mới thấy, bầu Đức đang ứng xử rất đúng trong cách trả công và dạy cho Công Phượng và những cầu thủ lứa Học viện HAGL Arsenal JMG biết ứng xử văn hóa với đồng tiền. Lương hàng tháng của Công Phượng được phía HA.GL gửi thẳng về nhà cho cha mẹ cầu thủ này. Ngay cả lúc này, khi Công Phượng gần bước sang tuổi 20 và lên đá V-League thì bầu Đức vẫn khẳng định anh chưa đến lúc tiêu tiền.

Bóng đá chuyên nghiệp kiểu ta đang tồn tại ở dạng tâm lý cầu thủ tranh thủ tối đa để kiếm tiền thông qua chuyển nhượng càng nhiều càng tốt. Tiền nhiều nhưng kỹ năng tiêu tiền cùng phông văn hóa còn hạn chế, nên xảy ra nhiều việc đáng tiếc.

Tóm lại, cách kiếm tiền và tiêu tiền của giới cầu thủ ta vẫn chưa chuyên nghiệp, đúng như sự nhảy múa vô tội vạ của thị trường chuyển nhượng.

Phạm Tâm
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm