Kiatisuk liều lĩnh, Thái Lan thắng ĐKVĐ Singapore 2-1

23/11/2014 22:00 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Thái Lan đã trả món nợ đã vay người Singapore ở chung kết AFF Cup cách đây 2 năm (Thái thua chung cuộc 2-3) bằng một chiến thắng thể hiện rõ khát vọng và sức trẻ. HLV Kiatisak đã thắng trong một canh bạc nhỏ ở trận đấu này, và chờ đợi kết quả ở một canh bạc lớn.

Trên sân, theo lý thuyết, là một cuộc chiến không cân sức về mặt kinh nghiệm. Chỉ riêng hai cựu binh Khairul Amri và Shahril Ishak bên phía Singapore đã sở hữu tổng cộng 196 lần ra sân cho đội tuyển quốc gia, nhiều hơn cả đội tuyển Thái Lan dự AFF Cup lần này cộng lại! Người giàu kinh nghiệm nhất bên phía Thái Lan là thủ môn Kawin Thammasatchanan, đã 30 lần ra sân cho ĐTQG.

Khác biệt về kinh nghiệm

Trên băng ghế huấn luyện, Kiatisak Senamuang đem 8 năm kinh nghiệm huấn luyện ra đấu trí với Bernd Stange, nhà cầm quân 66 tuổi người Đức khởi nghiệp từ thập niên 70 thế kỷ trước và đã từng dẫn dắt Hertha Berlin chơi ở Bundesliga.

Nhưng đội bóng ít kinh nghiệm lại bắt nhịp với trận đấu nhanh hơn. Mongkol Thosakrai, tiền vệ mới 5 lần khoác áo tuyển Thái, đã khôn ngoan di chuyển và kết thúc một quả tạt từ cánh trái của Prakit ngay phút thứ 8. Một bàn thắng cho thấy khả năng chớp thời cơ cực nhanh của đội Thái Lan, khi Singapore rõ ràng đã tỏ ra thiếu tập trung.

Điều thú vị là trong khi đội bóng trẻ của Kiatisak chủ động chơi chậm và tăng tốc có điểm nhấn (họ tập trung khoét cánh trái của Singapore trong suốt hiệp một) thì đội bóng nhiều kinh nghiệm hơn của ông Stange lại cố chơi nhanh và trực diện. Kiatisak trẻ về tuổi đời, nhưng có vẻ không kém phần già dặn về suy nghĩ.

Nhưng kinh nghiệm cũng có cái giá của riêng nó. Cho dù Hariss Harun, với tỉ lệ chuyền bóng chính xác trên dưới 80% ở trận này, được xem là người cầm trịch lối chơi của Singapore nhưng người tung ra được những đường chuyền mang tính quyết định lại là đội trưởng Shahril Ishak. Ít nhất là 2 lần, anh đặt các chân sút Singapre vào tư thế đối mặt với thủ môn Thái Lan bằng những quả chọc khe sắc lạnh, nhưng đáng tiếc là các cơ hội ấy không được tận dụng thành công.

Và người cân bằng tỉ số cho Singapore, không ai khác, cũng là một cựu binh: Khairul Amri ghi bàn thắng thứ 24 sau 90 lần khoác áo tuyển Singapore từ một tình huống đón quả tạt hoàn hảo và đánh đầu rất cơ bản.

HLV Stange bắt đầu chứng tỏ được thế mạnh của kinh nghiệm từ nửa sau hiệp 1 bằng những điều chỉnh chiến thuật chính xác. Singapore từ lép vế đã chơi ngang ngửa ở giữa sân, với sự chắc chắn của Hariss Harun. Sang hiệp 2, Singapore bắt đầu chơi với 3 hậu vệ  và tấn công khởi sắc hơn. Nhưng khi cảm thấy thiếu an toàn, giữa hiệp, ông Stange lại trở về với sơ đồ 4 hậu vệ, và giữ thế giằng co từ đó cho đến hết giờ.

Chiến thắng của sự liều lĩnh

Kiatisak khát khao chiến thắng, với bằng chứng là 3 sự thay đổi người liên tiếp chỉ trong 15 phút (61', 63' và 76'), nhưng hầu như đều chậm một nhịp so với HLV người Đức lão làng của Singapore.

Nhưng điều khác biệt là Kiatisuk đã theo đuổi ý tưởng tấn công quyết liệt hơn. Trong những phút cuối cùng, cả hai đội ăn miếng trả miếng và chơi tấn công khá cởi mở, nhưng vì những sự thay đổi người của Kiatisak phục vụ cho ý đồ tấn công rõ nét nên họ rõ ràng là nguy hiểm hơn. Quả penalty (từ lỗi chạm tay của hậu vệ Singapore) đem về bàn ấn định tỉ số 2-1 của Cyril Chappuis là sự tưởng thưởng xứng đáng cho canh bạc cuối trận ấy của Kiatisak.

Những HLV giỏi thường phải quyết đoán với những canh bạc kiểu thế. Kiatisak đã thắng một canh bạc nhỏ, và người Thái chờ đợi anh ở một canh bạc lớn hơn: Đăng quang với một đội hình thiếu kinh nghiệm thi đấu ở cấp độ ĐTQG.

Malaysia và Myanmar chia điểm nhạt nhẽo

Đó là kết quả không khiến nhiều người ngạc nhiên sau khi chứng kiến lối chơi khá thận trọng và triển khai bóng rất lúng túng của cả hai đội.

Myanmar cầm bóng nhiều hơn (65% so với 35% của Malaysia), thậm chí được chơi hơn người từ phút 34 (Gary Robbat nhận thẻ vàng thứ hai và rời sân), nhưng họ không tài nào tổ chức được những đợt tấn công mạch lạc và có điểm nhấn, dù nhà vô địch AFF Cup 2010 Malaysia đã chủ động nhường thế trận và chơi lùi sâu sau khi mất người.

Ngoài nửa đầu hiệp 1 khá sôi nổi với một số cơ hội tốt, trận đấu diễn ra tương đối tẻ nhạt. Phải đến phút thứ 32, Malaysia mới được hưởng quả phạt góc đầu tiên. Myanmar giữ bóng tốt hơn, nhưng tấn công đơn điệu và không có nhiều "bài" ngoài những tình huống đưa bóng xuống biên hoặc phất dài lên cho các tiền đạo tì đè. Malaysia thì chỉ nguy hiểm ở những tình huống cố định: Cuối hiệp 1, thủ môn Thiha Si Thu của Myanmar đã phải 2 lần trổ tài xuất thần mới cứu thua cho đội nhà từ 2 quả phạt trực tiếp rất nguy hiểm của Malaysia.

Nhưng đó cũng là hai pha dứt điểm duy nhất của Malaysia, trong khi phía Myanmar cũng chỉ sút cầu môn 5 lần trong cả trận.

Kết quả 0-0 phản ánh đúng những gì đã diễn ra. Ở lượt trận thứ hai, Malaysia sẽ chạm trán Thái Lan, đội tuyển từng 3 lần vô địch AFF Cup, còn Myanmar sẽ gặp Singapore, một trận đấu đặc biệt với cá nhân HLV Radojko Avramovic. Ông đã từng đưa Singapore đến 3 chức vô địch Đông Nam Á vào các năm 2004, 2007 và 2012. BC


Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm