Khởi tranh giải hạng Nhất QG Kienlongbank 2015: Ai muốn lên hạng, giơ tay lên...

11/04/2015 12:04 GMT+7 | Hạng Nhất

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều năm nay, hệ thống thi đấu của bóng đá Việt Nam đã được định hình từ cấp phong trào đến đỉnh cao. Nhưng nói đấy là một hệ thống liên thông mang tính tương tác thì có lẽ là... nhầm! Giải hạng Nhất QG Kienlongbank 2015 khởi tranh vào hôm nay là minh chứng.

Những "tượng đài" của thời sụp đổ

Năm 2000 bóng đá Việt lên chuyên, hay nói một cách chính xác hơn thì đó là thời bóng đá bắt đầu không còn "nằm trong chân" những người đá bóng mà thuộc về doanh nghiệp làm bóng đá đỉnh cao, và đấy là lúc những tượng đài cũ dần sụp đổ.

Bắt đầu từ các CLB địa phương và đỉnh điểm là vụ Thể Công, đội bóng giàu truyền thống nhất Việt Nam, giải thể, những giá trị vốn được xem là nền tảng mất đi để thay bằng những thứ giàu có hơn, thời thượng hơn...

Trong một hệ thống thi đấu đỉnh cao của bất kỳ nền bóng đá nào vẫn được phân chia theo nhiều thứ hạng giải. Nói một cách đơn giản, một đội bóng muốn lên chơi hạng cao hơn, thì chí ít cũng phải đạt thứ hạng cao cần thiết ở cái hạng mình đang thi đấu. Bóng đá Việt Nam cũng chẳng là ngoại lệ với từ hệ thống giải hạng Ba cho tới V-League.

Nhưng nói như vị Chủ tịch VFF cũ thì... bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam... nó khác! Ở ta, đôi khi chẳng cần phải thi đấu vài ba mùa, vài ba hạng để có mặt ở hạng đấu cao nhất mà chỉ cần... bỏ tiền mua suất lên hạng! Vất vả hơn thì "mua quân, chuyển tướng" đá 1 lèo 2, 3 năm để có mặt ở V-League cũng là chuyện "bình thường ở huyện".

Và khi mà để có mặt ở giải đấu cao nhất trong hệ thống thi đấu quốc gia còn dễ như thế, thì ở những giải đấu thấp hơn thì tham gia, góp mặt đã được xem là sự "cống hiến" cho làng cầu Việt vốn quá nhiều rối ren.

Sự "cống hiến" ấy quá rõ khi nhìn vào vỏn vẹn 8 cái tên dự giải hạng Nhất mùa này, TP.HCM, trung tâm lớn của làng cầu nội nay chỉ còn là quá khứ, tương tự như CLB bóng đá Huế, Phú Yên, Nam Định, Hà Nội, hay nói đến Công an nhân dân lại gợi nhớ các cái tên một thời lừng lẫy: Công an Hà Nội, Công an Hải Phòng, Công an TP.HCM... những tượng đài một thời của bóng đá Việt, nay chỉ tham dự thôi cũng đã... vui lắm rồi!

Ai muốn lên hạng?

Giải hạng Nhất QG mùa này "hẻo" tới mức độ chỉ còn 8 đội tranh tài nên theo điều lệ, đội đứng đầu sau 2 lượt trận (đi và về) sẽ có mặt tại V-League năm sau, đội cuối bảng sẽ trở về hạng Nhì.

Xét về mặt lý thuyết, đó là cuộc đua khá nhẹ nếu nhìn vào số lượng cũng như chất lượng chuyên môn của từng đội bóng. Tuy nhiên, trước giờ khai cuộc, câu hỏi khiến cả những người trong cuộc lẫn giới chuyên môn băn khoăn là - ĐỘI BÓNG NÀO MUỐN LÊN CHƠI V-LEAGUE?

"Máu nhất" đương nhiên là TP.HCM, đơn vị có quá thừa truyền thống, nhưng xét về khả năng, đội bóng của HLV Phùng Thanh Phương khó có khả năng tranh chấp ngôi đầu. Điều này lý giải tại sao trong buổi lễ xuất quân gần đây, CLB TP.HCM chỉ đặt mục tiêu vào Top 3 mùa này nhằm nhắm đến lộ trình thăng hạng ở mùa sau.    

Bình Phước, Thừa Thiên - Huế và Nam Định có lẽ chỉ nêu mục tiêu trụ hạng và chờ thời điểm thích hợp rồi mới lên hạng. Lý do thì chưa hẳn đã là chuyên môn mà nếu lên V-League, câu hỏi đơn giản là lấy tiền đâu để duy trì, tồn tại.

Có 1 cán bộ quản lý đội hạng Nhất mùa này đã "cười buồn" mà chia sẻ rằng, nếu vô địch hạng Nhất mùa này lên V-League và nhận 1 tỷ đồng tiền thưởng thì ai lo cho vài chục tỷ nữa để đá mùa sau?

Sân sau của V-League, về lý thuyết đó phải là động lực cho các đội bóng hạng Nhất nỗ lực thi đấu. Nhưng ngay cả các đội V-League còn ăn đong hàng ngày, thì tương lai những đội bóng hạng Nhất còn... bỏ ngỏ. Vậy nên mong gì chất lượng chuyên môn cao.

Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm