Khoán việc cho HLV Miura

20/10/2015 05:50 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Soi lại lịch sử các đời HLV ngoại từng dẫn dắt các ĐTQG Việt  Nam mới thấy HLV Toshiya Miura không phải ngoại lệ khi phải chăm sóc cùng một lúc rất nhiều ĐTQG. Thầy ngoại phải vào rất nhiều vai, là cha đồng thời là mẹ, thậm chí là bà đỡ, người ở...

Tại sao lại mâu thuẫn đến thế, khi bản thân họ vốn là “tướng” được thuê để đánh trận?! Nhìn qua cabin BHL đội tuyển Thái Lan, không ít người trong chúng ta phải mủi lòng.

1. Dưới trướng HLV Kiatisuk, nhân vật đã và đang được quy hoạch để trở thành một tổng công trình sư của nền bóng đá Thái Lan, tức một manager (nhà quản lý) thực sự, là rất nhiều ê kíp giúp việc, nổi bật trong số đó là đội ngũ trợ lý HLV thể lực và gym người Đức. "HLV Kiatisuk luôn có các phương án dự phòng để chăm sóc các tuyến dưới, tức các đội tuyển trẻ Thái Lan. Họ báo cáo công việc hàng ngày và "Zico" chỉ ra mặt khi cảm thấy cần thiết", trợ lý HLV Apisit chia sẻ với Thể thao & Văn hoá.

Kiatisuk Senamuang không chỉ nhận được sự chia sẻ của các trợ lý, đội ngũ người giúp việc, mà cả LĐBĐ Thái Lan (FAT) cũng luôn đứng sau lưng hậu thuẫn, rồi các HLV cấp CLB. "FAT không thành lập các Hội đồng HLV QG như Việt Nam, nhưng chúng tôi có thừa những tham vấn, bắt đầu từ HLV cấp CLB. Một HLV trưởng dù sát sao đến đâu, cũng khó thể bao quát hết phong độ của các tuyển thủ. Họ vì thế phải luôn lắng nghe và tiếp thu những ý kiến, đề xuất và cả những phản biện từ đồng nghiệp ở CLB", vẫn lời trợ lý của Kiatisuk.

Tức là dù tài năng đến mấy, một mình Zico Thái không thể đem đến thành công cho bóng đá Thái Lan và mở ra tiền đồ xán lạn cho nền bóng đá nước này. Thế còn HLV Miura của chúng ta thì sao?

"Gần như tự thân ông thầy phải làm tất các các công đoạn, mỗi khi các ĐTQG tập trung. Từ việc thị sát tuyển quân, đến lên giáo án, đề xuất các chương trình tập huấn và thi đấu giao hữu. Song, không phải lúc nào HLV Miura cũng nhận được sự hỗ trợ, ngoài việc VFF tiến cử cho ông các trợ lý", một trụ cột của đội tuyển Việt Nam chia sẻ.

Như Thể thao & Văn hoá đã thông tin, kể từ sau thời ông Sỹ Hiển, Trọng Giáp, vai trò của phòng Các ĐTQG VFF là rất hạn chế, thậm chí không có vai trò gì cả, ngay cả khi ông Trương Hải Tùng, một người ngoại đạo đúng nghĩa, ngồi ghế Trưởng phòng.

Từ Alfred Riedl đến Henrique Calisto và Falko Goetz, các HLV đều tự thân vận động. Ở nhiều thời điểm khác nhau, với các vai trò và chức năng khác nhau, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn là người gần gũi các ĐTQG hơn hết thảy, nhưng ông Tuấn "tổng" không được xem như dân trong nghề thứ thiệt. Ông Tuấn đơn thuần chỉ là người quản lý.

2. Để đánh giá bản chất vấn đề, chúng ta phải soi vào bối cảnh lịch sử, tức các yếu tố ngoại vi, hiện thực khách quan. Ngày sang Việt Nam đón nhận thử thách và cũng là trải nghiệm lần đầu tiên trong đời, HLV Miura đã thừa nhận, ông không thể đưa đi cùng ê kíp các trợ lý người Nhật Bản, vì nhiều lý do. "Tôi tin tưởng tuyệt đối vào những người mà VFF tiến cử", ông Miura nói.

Trên thực tế, trong sự nghiệp huấn luyện các CLB nhỏ ở Nhật Bản, HLV Miura chưa từng tạo được một ê kíp ăn ý, trung thành. Và cần chắc rằng, ông Miura đã thất nghiệp suốt nhiều năm trước khi sang Việt Nam, phải chuyển qua nghề bình luận viên. Những mối liên hệ và quan hệ trước đây gần như cũng không còn. Và ngay cả khi nếu còn, thì các HLV đang có một công việc ổn định ở Nhật Bản, thì ai chấp nhận qua Việt Nam làm việc cùng HLV Miura để đánh cược với sự nghiệp?!

Chúng ta sẽ phải nhắc nhiều đến mối quan hệ biện chứng và không biện chứng, bởi bóng đá cần sự đồng bộ. Ngay cả chiến thuật đá khoán trên sân, một kèm một hoặc khu vực kèm khu vực, thì từng cầu thủ đã được phân công nhiệm vụ từ khâu làm chiến thuật chuẩn bị, chứ không phải đợi đến khi lâm trận, HLV trưởng mới lao ra đường piste hò hét, rồi dễ dính trạng thái.

Mà kể ra thần thái của HLV Miura khi chỉ đạo trận đấu cũng khá khiêm tốn, khó có thể so được với HLV Riedl, HLV Calisto hay thầy ngoại gần nhất là HLV Goetz. HLV Miura, một thầy giáo đúng nghĩa, nhỏ bé theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Một con người nhỏ bé khi đối chọi với giông bão, dễ bị cuốn bay, đấy là chuyện bình thường. Song những người có trách nhiệm với nền bóng đá cũng phải tự hỏi lại bản thân xem đã thực sự đứng cạnh ông Miura lúc khó khăn hay chưa?!

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm