Khi phong trào 'pro' hơn chuyên nghiệp

30/08/2014 15:13 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Giải Ngoại hạng phủi Hà Nội (HPL-S2) thực sự đã làm nổi sóng khi thổi thứ tình yêu bóng đá trong sáng và đích thực đến với những người hâm mộ. Ở đấy, người ta tìm lại được niềm cảm hứng tưởng như đã lụi tàn… và còn hơn thế nữa.

Điền vào menu còn thiếu

Nếu không nhầm thì đã rất lâu rồi, người Hà Nội không lũ lượt đội nắng đội mưa để kìn kìn đi xem đá bóng. Lần gần nhất sân Mỹ Đình kín chỗ là tháng 7/2013, khi Arsenal sang du đấu. Nhưng đấy là nhờ hơi hướm Tây.

Khán giả, và cả giới truyền thông, cũng trở nên thờ ơ với các đội tuyển ngày càng yếu kém và những CLB ngày càng lún sâu vào nợ nần, bán độ… Bây giờ, người ta chỉ nói đến U-19 với những Tuấn Anh, Công Phượng, chứ đội tuyển của HLV Miura đá đấm thế nào chắc cũng ít người sốt sắng.

Trong bối cảnh ấy, giải phủi HPL-S2 vụt trở thành điểm sáng. Nó đi vào lòng người vì đầy quyết liệt nhưng vẫn trong trẻo, rất nhiều “sao” nhưng không sang chảnh, nó gần gũi như chính bản thân ta hay bạn bè, chiến hữu của ta, và quan trọng hơn, nó được tổ chức khá công phu, bài bản.

7000 người chen kín khán đài. Cỡ 2000 nữa ngồi dưới đường biên và bám xung quanh hàng rào lưới. Gấp đôi con số đó là những người không có điều kiện ra sân, ngồi máy tính hay smartphone xem “live chất lượng HD” qua YouTube. Đấy là thống kê mang tính áng chừng của BTC sau vòng 2, vòng đấu chưa phải là kỷ lục về khán giả.

Đến vòng 3 thì BTC thậm chí còn không áng chừng nổi nữa, vì không thể quản lý hết được số lượng CĐV. Có thể nói, chính những người đứng ra làm giải cũng bất ngờ (đúng hơn là vừa vui phơi phới vừa lo ngay ngáy) vì hiệu ứng lan toả của HPL-S2.

Ít nhất thì sau vẻn vẹn 3 vòng đấu, Vietfootball đã có thể thở phào vì xác định đúng con đường. Họ đem lại một món ăn không cầu kỳ, không đắt đỏ, nhưng quan trọng là đúng món mà menu bóng đá Việt Nam đang thiếu.

Vì một sân chơi chuyên nghiệp

Không phải tự nhiên mà khán giả nô nức hướng về HPL-S2 mỗi chiều Chủ nhật hàng tuần. Vì ở đó có nhiều thứ hấp dẫn người ta hơn là những trận bóng thông thường.

Ca sỹ Tuấn Hưng hát trong ngày khai mạc. Hotgirl Hạnh “Sino” trình diễn ca khúc “Nóng” mà làm khán giả mát lòng… Xem bóng đá với ca nhạc “free”, có lẽ mùa này chỉ sân Cẩm Phả của Quảng Ninh là rộ hơn HPL-S2.

Tuy vậy, không thể phủ nhận giải đấu tuy là phủi nhưng cho thấy chất lượng chuyên môn cực đỉnh. Khán giả Hà Nội bây giờ có thể không nhớ tên tuyển thủ quốc gia, nhưng họ thuộc vanh vách những anh tài sân phủi với biệt danh kêu tanh tách. Những Huy “mô”, Cường “cúc”, Quỳnh “xích thố”, Trung “đỉn” hay Phương “vertu”…, ai mà chẳng biết?

Những đội bóng số má, thương hiệu và được tổ chức hẳn hoi như Thành Đồng, MV Corp, Top Group… có lượng CĐV thậm chí không thua kém gì HN T&T. Có nhiều trận, đội bóng của bầu Hiển chỉ lèo tèo vài trăm “mạng” khán giả trung thành, nhưng Barca Thành Đồng đá lúc 6 rưỡi chiều trong ánh đèn chạng vạng vẫn khiến cả ngàn người nín thở, nín cả… vệ sinh vì sợ về mất chỗ.

Và đặc biệt, HPL-S2 còn là một sân chơi không có ranh giới giữa dân chuyên và dân phủi. Bạn đá tốt, đá đẹp, thì dù bạn có là ai, tuyển thủ quốc gia hay cầu thủ chân đất, bạn cũng được chơi sòng phẳng như nhau. Nó khác hẳn những giải phong trào khác tổ chức bao giờ cũng đi kèm với nỗi lo gian lận nhân sự.

Những ngôi sao thực thụ xuất hiện ngày càng nhiều tại HPL-S2. Vòng đầu tiên có Quốc Vượng của Văn Minh, Huy Hoàng (H.A.T) đều là những cựu tuyển thủ quốc gia sừng sỏ, Đại Đồng (Moon), Thanh Sang (Cường Quốc), Mai Thanh Bình (Q9)… cũng là kinh qua trình V-League. Đến các vòng tiếp theo, lần lượt Đức Sang, Lâm Anh Quang, Hoàng Nhật Nam, Quốc Trung, Tú “ngựa”… lâm trận. Đấy là chưa kể dàn sao đương đại của HN T&T như Thành Lương, Văn Quyết, Ngọc Duy, Quốc Long còn bận làm nhiệm vụ và hứa hẹn sẽ trở lại ngay khi có thể.

Chỉ riêng chuyện những cái tên bạc tỉ ấy xỏ giày vào đá phủi đã có khối chuyện để nói và khối cái để xem. Mà còn hay hơn nữa ở chỗ chưa chắc họ đã đình đám ở chốn này. Khán giả có thể trầm trồ với những bàn thắng điệu nghệ, đẳng cấp mang đậm dấu ấn ăn tập đến nơi đến chốn, nhưng cũng có thể sung sướng cười ồ lên khi bạn mình, em giai mình hoặc thằng cu hàng xóm của mình “xỏ lỗ” tuyển thủ hay lừa bóng làm xiếc qua người đến từ V-League…

Và cứ sau mỗi Chủ nhật, từng thành viên đội bóng, từng khán giả lại háo hức chờ đợi những hình ảnh nóng sốt, những trang tường thuật hài hước đầy chất phủi từ Vietfootball hay mạng xã hội Bongdanet.vn, để thấy mình là một phần của cuộc chơi. Mỗi vòng đấu qua đi, lại có rất nhiều avatar facebook được thay, đấy là những hình ảnh mà ai nhìn vào chủ nhân của nó cũng thấy được vẻ tự hào, thích thú…

Và những nỗi lo không thể viết bằng thư ngỏ

Kéo được khán giả đến sân đã là thành công của BTC, nhưng đằng sau ánh hào quang ấy là muôn ngàn nỗi lo toan. Lớn nhất là an ninh.

BTC không thể an tâm tổ chức giải đấu khi các cầu thủ đá bóng mà vẫn cảm nhận được hơi thở của khán giả phà phà ở sát lưng. Khán giả cũng thật khó thưởng thức trận cầu khi mà dưới chân họ là phần mái đua ra của một ngôi nhà cao hơn chục mét… Đấy là lý do vì sao BTC đã phải dời giải đấu từ Mỹ Đình ra sân Bộ Công an, rồi sau vòng đấu thứ 3 thì buộc phải hoãn 1 tuần để có thêm thời gian “chuyên nghiệp hoá”.

Một điều nữa khó ngỏ hơn, đấy là bài toán kinh tế. Khán giả càng đông, BTC càng đau đầu hơn vì những chi phí phát sinh. Họ hoàn toàn có thể bán vé vào sân, để quản lý được số lượng người hâm mộ, để tái đầu tư cho lực lượng an ninh, sân bãi, để duy trì hàng chục máy quay cùng hệ thống công nghệ đi theo phục vụ truyền hình trực tiếp…  

Nhưng có lẽ họ chưa, hoặc sẽ không làm điều đó, vì mục tiêu của họ vẫn là một SÂN CHƠI.

Anh Đức
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm