Hoàng Công Thuận: Niềm tin xứ bưng biền

07/07/2012 07:31 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH)- Trưởng thành trong một gia đình có truyền thống chữ nghĩa hơn là thể thao, nhưng Hoàng Công Thuận một mực đeo đuổi lý tưởng của mình là rong ruổi cùng niềm đam mê quả bóng tròn.

Tuy nhiên, sự đời vốn không bằng phẳng cho ai, đã từng 2 lần ước mơ đó của Thuận tưởng chừng đã tắt ngúm. Nhưng rồi, ý chí của tuổi trẻ đã giúp chàng trai 24 xuân xanh này tìm lại lẽ sống cuộc đời mình.

Bỏ trường chuyên theo đá bóng

So với nhiều cầu thủ có xuất phát điểm là gia đình khó khăn và đến với bóng đá như là một cách để thay đổi cuộc đời thì con đường đến với ước mơ của Hoàng Công Thuận xem ra dễ dàng hơn. Sinh trưởng trong một gia đình khá giả ở ngay trung tâm TP.Cao Lãnh, có truyền thống học vấn, bản thân chàng trai sinh năm 1988 này nhiều năm liên tục là học sinh giỏi của trường.

Bố mẹ Thuận cứ đinh ninh rằng, đứa con trai út trong gia đình có 3 anh em cứ phát triển tự nhiên thế sẽ hướng đến một công việc công chức Nhà nước như những đứa trẻ bình thường khác.

Họ không hề nghĩ đến chuyện thú vui giải trí chính của con mình là khi quây quần bên trái bóng nhựa, hay ngồi mê mẩn hàng giờ bên chiếc TV trắng đen để theo dõi những ngôi sao thế giới chơi bóng đã gieo rắc vào đầu cậu học trò này một ước mơ: phải trở thành cầu thủ bóng đá.



Công Thuận biểu tượng cho tinh thần và lực lượng của các cầu thủ TĐCS.ĐT

Ước mơ đó lớn dần theo thời gian trên đôi chân của cậu bé tỏ ra rất có khiếu và ngày càng vượt trội hơn các bạn cùng lứa tuổi mỗi khi có dịp đua tài trên sân bóng. Chiều con, 9 tuổi, Công Thuận được bố mẹ cho vào lớp năng khiếu bóng đá tập thử và ngay sau đó, Thuận trở thành cầu thủ nhí của đội U11 Đồng Tháp.

Thấy con trai mê đá bóng hơn đi học, bố mẹ Thuận phải can ngăn bằng lệnh cấm không cho tập cùng đội nữa. Nghe lời gia đình, Thuận để ước mơ sang một bên và đến năm 16 tuổi, cậu học trò Công Thuận dễ dàng thi đậu vào cấp 3 ngôi trường chuyên của tỉnh.

Nhưng ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp chưa bao giờ tắt đi trong tâm khảm cậu học trò này. Có lẽ vì thế mà bắt đầu từ đây, cuộc đời Công Thuận bước sang một ngã rẽ khác.

Cũng trong năm 2004 đó, hay tin Trung tâm TDTT Thành Long TP.HCM mở lớp tuyển sinh thì Công Thuận xin đi thử. Thấy con mình quá quyết liệt với niềm đam mê, bố của Thuận không can ngăn mà chủ động gửi Thuận vào đội U15 của tỉnh để tập thể lực trước khi lên thử việc.

Ai ngờ, chỉ 3 tháng tập cùng đội, thấy cậu học trò phát triển tốt, thầy Nguyễn Việt Thắng “bắt” luôn Công Thuận vào đội U18 Đồng Tháp dự VCK U18 toàn quốc ở Hải Phòng và đoạt HCĐ. Lứa cầu thủ Đồng Tháp khi đó có rất nhiều người đã thành danh bây giờ như Tấn Trường, Thanh Bình, Quý Sửu, Duy Khanh, Văn Mộc…

Sau giải đấu đó, Thuận không còn phải lên Thành Long thử việc mà được nhận ngay vào đội trẻ Đồng Tháp với một chế độ đãi ngộ chính thức, thay vì thử việc không công như trước.

Công thầy Lộc

Được gia đình đồng ý cho theo nghiệp quần đùi áo số, nhưng cũng không phải dễ dàng gì cho Thuận trong việc cạnh tranh một vị trí trong đội hình đội một Đồng Tháp, một trong những vườn ươm nhân tài nhiều nhất cho bóng đá VN. Hơn 2 năm lận đận trong màu áo đội trẻ Đồng Tháp rồi 2 đội hạng Nhì Bình Thuận và Lâm Đồng, chừng ấy kinh nghiệm cộng với việc TĐCS.ĐT liên tục bị các đội bóng khác xâu xé cầu thủ, cuối giai đoạn 1 mùa giải 2010, cái tên Hoàng Công Thuận mới được giới thiệu ở sân cỏ V-League.

Người mạnh dạn đặt niềm tin vào Thuận là HLV Phạm Công Lộc. Sỡ dĩ như vậy vì khi nhận trọng trách đào tạo trẻ, ông Lộc là người trực tiếp uốn nắn và trang bị cho chàng trai xứ bưng biền này một hành trang quý giá nhất để bước chân vào đời. Có thế nên với Thuận thì “HLV Phạm Công Lộc là người thầy mà tôi quý mến nhất trong cuộc đời cầu thủ của mình”.

Niềm tin xứ bưng biền

Mất đến gần 3 năm để trưởng thành ở đội trẻ nhưng vừa chuyển sang đội 1, Công Thuận đã không khiến HLV Phạm Công Lộc phải buồn lòng. Lượt về mùa giải 2010, Công Thuận cũng có tên trong đội hình làm nên lịch sử cho bóng đá Đồng Tháp năm đó với một chiếc HCĐ khiến phần còn lại phải nể phục.

Với một bàn thắng và những kinh nghiệm quý giá của mùa giải 2010 là đủ để Công Thuận chinh phục một suất chính thức trong đội hình của HLV Phạm Công Lộc mùa giải 2011. Thể hình không phải là lý tưởng (cao 1m70, nặng 65 kg) nhưng tinh thần lăn xả, sự lỳ lợm cùng cái chân phải rất ngon để dọn cỗ cho đồng đội là vũ khí giúp cầu thủ này luôn tự tin trước những đối thủ cao to hơn mình.

Mùa giải 2011 những tưởng đã kết thúc có hậu cho Công Thuận khi Thuận chơi tổng cộng 24/26 trận cùng TĐCS.ĐT (2 trận nghỉ  vì thẻ phạt), góp 2 bàn thắng (trong đó có cú lốp bóng tinh tế qua đầu Hoàng La ấn định chiến thắng 2-0 cho TĐCS.ĐT trước V.NB ở vòng 11 phản ánh đầy đủ tố chất của tiền vệ công này) và vô số đường chuyền cho Samson ghi bàn, TĐCS.ĐT cán đích thứ 5 năm đó.

Nhưng đến vòng đấu thứ 25, cũng là đối thủ V.NB và đó là phút 25 của trận đấu, nhưng lần này là điềm rủi, Công Thuận phải bước tập tễnh rời sân ngay sau cú ra chân đầy ác ý của Hoàng Đảm. Tưởng chừng đó chỉ là chấn thương nhẹ nên không ai để ý, Thuận vẫn cứ ra sân tập và nuốt trôi mọi giáo án thể lực chuẩn bị cho mùa giải 2012.

Phải đến sát giờ giải khởi tranh, vết thương càng lúc càng không thể chịu đựng được thì Thuận mới lên TP.HCM khám và ngã ngửa khi biết tin mình bị đứt dây chằng gối trái. Lập tức lên bàn mổ và bác sỹ chẩn đoán phải mất đến hơn 5 tháng để hồi phục, mùa giải 2012 coi như đã khép lại trước mắt với Thuận.

“Họa vô đơn chí”, chấn thương của Thuận khiến TĐCS.ĐT đã neo người càng trầy trật hơn với những trận đấu hòa và thua nhiều hơn thắng. Có lẽ vì tình cảm với bóng đá quê hương, không nỡ nhìn đồng đội vất vả chống đỡ trước khó khăn và chịu cảm giác đời thừa, Thuận quyết tâm trở lại trong thời gian ngắn nhất bằng cách duy trì tập luyện ngay khi tháo bột. Ý chí đó đã giúp cầu thủ sinh năm 1988 này chỉ mất 4 tháng để trở lại sát cánh với đồng đội, thay vì 5 tháng như bác sĩ dự báo.    

Cùng với HLV Trần Công Minh và Đinh Hoàng Max, sự trở lại của Công Thuận đóng vai trò không nhỏ cho việc thoát hiểm của TĐCS.ĐT đến thời điểm hiện tại. Chấn thương lâu ngày, chưa có cảm giác bóng tốt nhất nên việc ra sân ở đội hình xuất phát của Công Thuận vì thế không chắc chắn như trước.

Nhưng với kinh nghiệm đã có, Công Thuận là một phương án chiến thuật không tồi của HLV Trần Công Minh. Trực tiếp góp công vào bàn thắng ấn định tỷ số của Felix (trận TĐCS.ĐT đả bại V.NB 4-1 ở Cao Lãnh vòng 15), lời nhắn nhủ không thể thuyết phục hơn của Công Thuận với CĐV xứ bưng biền rằng, mình không phải là người thừa sau chấn thương.

Quãng nghỉ né EURO 2012 vừa qua đến đúng lúc bởi nhờ nó, Công Thuận có thêm thời gian để luyện tập sức bền và bình phục hẳn chấn thương. Cộng với việc vết đau của Hoàng Max tiến triển rất chậm chạp, Công Thuận sẽ là sự lựa chọn hàng đầu cho cánh phải của TĐCS.ĐT bây giờ.

Vẫn chưa có gì chắc chắn cho tương lai của đội bóng xứ bưng biền ở V-League 2013 do khoảng cách giữa họ với đội áp chót K.KH chỉ là 2 điểm, trong khi giải còn đến 6 vòng nữa mới hạ màn. Trong giai đoạn sống còn thế này, ý chí không chịu đầu hàng trước hoàn cảnh của Công Thuận sẽ là sự động viên to lớn cho các đồng đội.

Tinh thần vì màu cờ sắc áo của người con gốc bưng biền đó xứng đáng là cơ sở để người Đồng Tháp đặt niềm tin vào đội bóng thêm một lần vượt lũ thành công.

Việt Hòa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm