HLV Vũ Văn Tư qua đời

10/12/2015 18:07 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều nay 10/12, cựu danh thủ Hải Phòng và HLV đội Công nhân Quảng Nam Đà Nẵng, HLV Vũ Văn Tư đã về cõi vĩnh hằng tại Đà Nẵng, hưởng thọ 78 tuổi.

HLV Vũ Văn Tư sinh năm 1938. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống Nho học ở đất Hải Phòng. Thế nhưng, ngay từ nhỏ, ông đã sớm đam mê bóng đá.

Năng khiếu đá bóng của ông Vũ Văn Tư sớm phát lộ nên đến năm 1955, Vũ Văn Tư được chọn vào đội trẻ của Cảng Hải Phòng khi vừa bước qua tuổi 17. Trong hơn 10 năm thi đấu 1960-1970, Vũ Văn Tư được biết đến với biệt danh Tư "cá sấu", hợp cùng Nguyễn Văn Túc (Túc "gù"), Hoàng Kính Dịp và Đặng Ngọc Việt, tạo nên bộ tứ tấn công siêu đẳng "Tư, Túc, Dịp, Việt", trong sơ đồ chiến thuật 4-2-4.

Là học trò cưng của HLV Vũ Văn Tư một thời, nghe tin buồn, HLV Trần Vũ không giấu được xúc động. Ông nói thực sự bàng hoàng, thương xót một người thầy đáng kính.

“Thế hệ chúng tôi được thầy khai sáng nhiều về bóng đá. Từng trải nhiều, tôi luôn đánh giá HLV Vũ Văn Tư là người thú vị, tài ba, một cá tính không lẫn đâu được ở đời sống bóng đá Việt Nam. Thầy Tư vô cùng quan trọng với lịch sử bóng đá Quảng Nam- Đà Nẵng” - HLVTrần Vũ bùi ngùi.

Kỷ niệm về  “già Tư” với tôi, gắn liền với những năm tháng ông muốn lãng quên bóng đá Đà Nẵng, và có thể hơn thế nữa.



HLV Vũ Văn Tư, một chân dung thú vị của bóng đá Việt Nam

Một người thầy bóng đá khiêm cung

Năm 2000, ra trường tập tành nghề báo, cánh phóng viên thể thao chúng tôi thường ngồi đồng ở mấy quán cà phê bóng đá Ngô Gia Tự, ngay khán đài B sân Chi Lăng. Rất thường xuyên, HLV Vũ Văn Tư ghé đến. Ông hay chủ động sà vào với anh em. Một cách, nhẹ nhàng, khiêm cung, nhưng thần thái vẫn rất… “cá sấu” Hải Phòng (biệt danh của ông thời đá bóng). Đôi mắt ông sắc lạnh, tinh anh. Những câu chuyện về bóng đá, về những góc khuất của đời cầu thủ, HLV, và cả nền bóng đá, vô cùng bổ ích với chúng tôi.

Và tất nhiên, bác cháu cũng không ít lần say khướt, say chuyện bóng đá, say những li bia, chén rượu vỉa hè. Một trong những cơn say đó, HLV Vũ Văn Tư đã ngửa mặt lên trời mà thề: Không bao giờ vào sân Chi Lăng xem bóng đá nữa.

Nhiều lần ông nói thẳng cũng chán bóng đá. Thực tế, từ năm 2000, thành tích Đà Nẵng trước khi bầu Hiển nhảy vào khá “láo nháo”, đá năm nào cũng gây bất bình khán giả cũng có thể làm chán nản HLV Vũ văn Tư.  Từ năm 2003, ông Tư không còn đến sân Chi Lăng, đấy là chuyện có thật

Cầu nối quan trọng của bóng đá Quảng- Đà

 Cho đến giờ này, với bóng đá Đà Nẵng, HLV Vũ Văn Tư đóng vai trò vô cùng quan trọng, là gạch nối trong tư duy làm bóng đá thành phố bên sông Hàn. Năm 1976, dù bóng đá Quảng Nam- Đà Nẵng đoạt Cúp vô địch Giải Trường Sơn, nhưng đá theo kiểu tự phát. HLV thì cây nhà, lá vườn, huấn luyện theo  kinh nghiệm là chính, như HLV Nguyễn Văn Rô. Cho nên, dù sở hữu dàn cầu thủ tài năng nhưng bóng đá xứ Quảng Đà vẫn chưa phát tiết, dù năm 1983 HLV Nguyễn Đình Chính về dẫn dắt.

Phải đến khi HLV Vũ Văn Tư cập bến Đà Nẵng, bắt đầu từ mùa giải  1984- 1985, Công nhân Quảng Nam- Đà Nẵng mới bắt đầu chơi có chiều sâu. Những kiến thức huấn luyện cơ bản học được ở môi trường bóng đá miền Bắc, cùng độ quái thời đá bóng,  HLV gốc Hải Phòng thực sự đã mở mang cho cầu thủ Quảng- Đà nhiều “vấn đề”, nhất là khái niệm đá hay, đẹp không thành tích kém cũng vứt.

Như rồng gặp nước, thế hệ vàng Trần Vũ, Phan Trọng Quang, Phạm Phú Hùng, Bùi Nho Đức, Nguyễn Văn Minh, Phú Nga.., lứa sau một chút là Trần Minh Toàn, Phan Thanh Hùng, anh em Bùi Thông Tuân/ Tân, Trương Văn Lợi, Phan Công Thìn, Lê Văn Sinh… không đánh mất vẻ hào hoa, lãng tử nhưng chơi hiệu quả thấy rõ, đã  đẩy đội Công Nhân Quảng Nam- Đà Nẵng lên vị trí đại gia trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Dưới tay HLV Vũ Văn Tư, 3 lần đội đoạt ngôi á quân giải A1 các năm 1987, 1990, 1991, tương đương V-League hiện nay.

Không quá lời khi cho rằng, HLV Vũ Văn Tư là cầu nối quan trọng đưa bóng đá Đà Nẵng đến với những chân trời mới mẻ của bóng đá hiện đại. Thời sôi nổi nhất của bóng đá thành phố lớn nhất miền Trung, chính là quãng thời gian “già Tư” lèo lái.

Nỗi niềm biết tỏ cùng ai…

 Nhưng, sứ mệnh của ông đã dừng lại ở sau ngôi á quân năm 1991, khi mọi sự tưởng sáng sủa với HLV gốc Hải Phòng.  Công Nhân Quảng Nam- Đà Nẵng đã làm nên trận chung kết đỉnh cao trên sân Thống Nhất, tiếc rằng, đã để thua Hải Quan. Dù thế, đội bóng Quảng Đà đã  đóng góp cho đội tuyển quốc gia bấy giờ nhiều tuyển thủ nhất (6 người). Vũ Văn Tư được chọn làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam chuẩn bị SEA Games 16, vô cùng quan trọng, bởi năm đó đánh dấu bóng đá Việt Nam trở lại đấu trường khu vực.

Mọi háo hức của thầy trò bị dội gáo nước lạnh, khi chuyến xe đò xộc xệch chở thầy trò ông Tư đáp vào Nhổn, bảo vệ không nhận ra đây là đội tuyển Việt Nam. Nhổn lúc đó buồn hiu hắt, cỏ mọc um tùm. Chế độ đãi ngộ bèo bọt, sự quan tâm lạnh nhạt khiến nhiều cầu thủ dù đã từng trải vẫn có người khóc.

Thế rồi,  11 tuyển thủ (6 cầu thủ QNĐN và 5 cầu thủ Hải Quan) đã “đào ngũ” bỏ Nhổn về địa phương, một sự kiện chấn động. Bao nhiêu mũi dùi nhắm vào ông Tư, trong đó kể cả đàm tiếu ông không biết huấn luyện bằng giáo án. Từ vị trí HLV trưởng, “già Tư” phải nhường  quyền cho người phó của mình lúc ấy là ông Nguyễn Sỹ Hiển. Ông Tư trở thành chiếc bóng trong hành trình đội tuyển Việt Nam đến với SEA Games 16.

Từ đó, khi trở về Đà Nẵng, ông Tư không còn được lãnh đạo tin tưởng. Nhiều trò sợ vạ lây cũng lạnh nhạt, khiến ông phải nhường ghế cho học trò Trần Vũ. Ngày ngày, ông lầm lũi đi về trong căn nhà nhỏ ở khuôn viên sân vận động Chi Lăng. Sau đó, ông lang bạt hàng loạt đội bóng, như Phú Khánh (Khánh Hòa ngày nay), Phú Yên,  Gia Lai, Bình Dương, Long An, Cần Thơ..., nhưng không thành công.

Để rồi, đầu năm 2000 chùn chân, ông trở về căn nhà nhỏ ở phố Hà Huy Tập, cạnh đường ray. Các sự kiện bóng đá Đà Nẵng, Sở TDTT hầu như quên ông, kể cả những chuyện mang tính chất nghĩa tình, xuân thu nhị kỳ.

Nghe tiếng còi tàu lòng động bốn phương. Đêm đêm, chúng tôi nghĩ có lẽ nghe những âm thanh còi tàu và tiếng bánh nghiến trên đường ray, vẫn làm rúng động tâm hồn vốn lãng tử , ưa xê dịch như Vũ Văn Tư.

Giờ thì linh hồn ông có lẽ đang trượt theo những bánh tàu về cố hương, Hải Phòng, trả ông về một thời hoa đỏ cháy hết mình vì quả bóng tròn.

Xin vĩnh biệt, HLV Vũ Văn Tư!

Hữu Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm