'Hiện tượng xã hội' U19 Việt Nam

18/09/2014 14:00 GMT+7 | Các ĐTQG


(Thethaovanhoa.vn) - Không ở đâu mà một đội tuyển bóng đá U19 quốc gia lại được hâm mộ như ở Việt Nam vừa qua. Nó lặp lại “cơn sốt” gần 1 năm trước, lần này cuồng nhiệt hơn do diễn ra trên sân nhà. Cùng Cà phê thể thao tuần này lý giải với nhà báo Hồng Ngọc.

Cà phê thể thao: Chào anh Hồng Ngọc! Với khán giả Việt Nam bây giờ, đội tuyển bóng đá Việt Nam được hâm mộ nhất, hơn cả đội tuyển U23 hay đội tuyển quốc gia, một điều phi lý trong bóng đá thế giới. Phải chăng vì đội tuyển U19 đại diện cho ước mơ vươn cao của người hâm mộ Việt Nam?

Hồng Ngọc: Anh có lý. Chỉ có đội tuyển U19 nước nhà mới đánh bại được đội tuyển đồng trang lứa của Australia 2 lần liên tiếp. Australia như một nền bóng đá châu Âu có mặt tại châu Á, và ở cấp đội tuyển quốc gia thì một vé dự World Cup tại khu vực châu Á dành cho họ được coi là đương nhiên.

Một khi thắng U19 Australia thì chúng ta cũng có quyền mơ thắng U19 Hàn Quốc, Trung Quốc, hay thậm chí Nhật Bản, để có thể vượt qua vòng bảng ở giải U19 châu Á rồi giành quyền tham dự vòng chung kết World Cup U20 thế giới, điều xa vời ở cấp đội tuyển quốc gia.

Vậy thì giấc mơ Phù Đổng là có thực? Và phải chăng đây là chiến lược “đi tắt đón đầu”, “hy sinh đời bố, củng cố đời con”?

Giấc mơ Phù Đổng sẽ chỉ là huyền thoại. Và dân tộc nuôi dưỡng giấc mơ Phù Đổng thì không bao giờ lớn. Thực tế không có phép màu nào cả, chúng ta phải tiến từng bước, từng bước một. Cái gì nhanh đến thì nhanh đi. Nếu Phù Đổng sau một đêm vươn vai thành người khổng lồ, thì sau một đêm ngài lại về trời, để lại mọi vấn đề cho lũ người trần mắt thịt chúng ta phải giải quyết, nên rốt cục thì chúng ta vẫn phải tự giải quyết thôi, và hãy học cách giải quyết từng bước.

Mọi vấn đề đều có các bước, nếu ta bỏ qua dù chỉ một bước, sẽ để lại những lỗ hổng mà sau phải gánh chịu hậu quả không thể khắc phục, nên đừng mơ việc đi tắt đón đầu. Chỉ cố gắng bằng cách đi nhanh hơn thôi.

Sự phát triển mang tính kế thừa, nên việc hy sinh thế hệ trước cho thế hệ sau sẽ chỉ có ý nghĩa tương đối. Hữu ích nhất là tạo điều kiện để thế hệ sau tiếp cận tri thức, nhưng nếu thế hệ trước không hiểu rõ ý nghĩa của tri thức, thì khả năng lớn là thế hệ sau sẽ nắm bắt tri thức vô tội vạ. Và chúng ta sẽ chứng kiến sự hy sinh của thế hệ trước là vô ích nhiều hơn rất nhiều những trường hợp sự hy sinh giúp thế hệ sau gặt hái thành quả.
Tức là để đội U19 này thật sự thành công khi  trưởng thành, chúng ta vẫn cần cầu nguyện. Và để nó trở thành một cú hích thúc đẩy cả nền bóng đá tiến về phía trước, chúng ta cần cầu nguyện nhiều hơn nữa.

Theo tôi thì có lẽ những kỳ vọng mà nhiều người hâm mộ đặt vào các em giống như cách họ chạy trốn thực tại hơn là để thật sự hy vọng vào tương lai. Trước hết, đó là thực tại phũ phàng của nền bóng đá, với kết quả của đội tuyển quốc gia và U23 ở khu vực ngày càng đi xuống, V-League ngày càng nặng mùi tiền và coi thường khán giả, phơi bày tiêu cực, với thứ bóng đá đầy toan tính và bạo lực.

Sau đó là thực tế cuộc sống với những khó khăn về điều kiện kinh tế vĩ mô, các vấn đề về thuế, phí chưa có hồi kết. Có gì đó tương tự như tình trạng ở Brazil tại World Cup mới đây: tình hình kinh tế - xã hội khó khăn nhất trong nhiều năm, nhưng các sân vận động chật cứng khán giả, các lễ hội đông kín người khác hẳn với các dự báo bi quan, như thể là các người ta quên đi thực tại.

Theo anh, liệu đội tuyển U19 đã thật sự xứng đáng để người hâm mộ kỳ vọng cho những giấc mơ lớn lao chưa?

Thật ra họ cũng đã thua các cầu thủ cùng lứa ở khu vực là Indonesia, Myanmar, Malaysia trong vòng 1 năm qua, và thua tan nát trong chuyến du đấu ở Nhật Bản. Như vậy giấc mơ về “đẳng cấp thế giới” vẫn còn xa vời.

Tuy nhiên U19 có hai thứ mà các đội tuyển khác không có được.

Thứ nhất là thương hiệu. Nó mang thương hiệu của Arsenal lẫn Hoàng Anh Gia Lai, hai đội bóng nổi tiếng về lối chơi đẹp ở thời kỳ đỉnh cao. Arsenal có lẽ được hâm mộ ở Việt Nam chỉ sau Manchester United. Học viện HAGL Arsenal JMG là một mô hình đào tạo đột phá mang yếu tố ngoại lai, và không thể phủ nhận tâm lý vọng ngoại cực kỳ lớn trong tâm lý người Việt. Thế nên, tất cả chúng ta đều háo hức chờ đón xem sản phẩm của lò đào tạo đó ra sao.

Thứ hai là cảm xúc. Bản thân lối chơi theo mô hình Arsenal đã mang đến cảm xúc lớn cho những người hâm mộ họ. Đó là lý do những ai trót yêu Arsenal thì dù họ trắng tay gần 1 thập kỷ thì vẫn không dứt bỏ được, vì không sao ngừng yêu lối chơi ấy. Nó trong sáng, tinh tế, cống hiến hết mình.

Và thứ bóng đá đó đột nhiên nay người hâm mộ bóng đá Việt Nam lại được xem ngay trên sân nhà, được trình diễn bởi những người đồng tộc, con em mình. Nó khác biệt hoàn toàn với thứ bóng đá mà các cầu thủ Việt vẫn thường thể hiện ở sân chơi V-League, đầy toan tính, ích kỷ, và bạo lực. Khi đội bóng đã nhận được sự thấu cảm, chạm đến trái tim của người hâm mộ, thì không còn giới hạn nào của tình cảm nữa, không còn phân biệt đây là đội bóng ở cấp nào nữa.

Đơn giản, đây là đội bóng của người hâm mộ. Và khi bạn đã được yêu, người khác nhìn vào sẽ luôn thấy rằng họ bị đối xử bất công so với bạn. Cách duy nhất để những người khác “đòi lại” sự bình đẳng so với bạn trước cuộc đời là họ phải nhận được tình yêu từ ai đó, mà điều này lại phụ thuộc vào cách hành xử của họ có đáng yêu hay không.

Thật tuyệt vời khi đội tuyển U19 được sống trong tình yêu của người hâm mộ!

Cái gì cũng có mặt trái. Tình yêu cũng có hai dạng thức, yêu trong mê muội và yêu trong tỉnh thức. Yêu trong mê muội sẽ khiến người ta đánh mất nhận thức và không kiểm soát được hành vi, dẫn đến những hành động không đúng đắn. Còn yêu trong tỉnh thức giúp người được yêu đón nhận những sự trợ giúp tích cực.

Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm