Hãy quên Thể Công đi!

09/02/2013 19:49 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Cái chết nghĩa là khi một thực thể không còn đủ sức sống, và nỗ lực để hồi sinh nó chỉ có trong các câu chuyện của các thầy phù thủy hay trong những bộ phim cương thi, chứ không phải là sự hồi sinh.

Cà phê thể thao: Chào Hồng Ngọc! Chúng ta bắt đầu một năm mới với việc mở rộng phạm vi của chuyên mục không còn giới hạn trong lĩnh vực bóng đá thuần túy nữa. Nhưng hãy bắt đầu bằng một đề tài bóng đá để thể hiện tính kế tục với chuyên mục cũ. Một đề tài thú vị: những người Thể Công cũ đang làm việc cho đội bóng Viettel đang nỗ lực để hồi sinh tượng đài một thời là đội bóng quân đội Thể Công. Đó phải chăng là một tin vui?

Hồng Ngọc: Bóng đá Việt Nam đang thiếu một đội bóng mang tính biểu tượng, trong khi Thể Công từng là một biểu tượng trong quá khứ, đó là lý do nhiều người trong chúng ta, những người quan tâm đến bóng đá Việt Nam, hy vọng vào sự hồi sinh trên phương diện tình cảm. Nhưng cuộc sống không vận động chỉ theo mong muốn từ tình cảm. Vậy chúng ta hãy suy nghĩ một cách lý trí chút nhé!


Cái tên Thể Công đã là quá khứ, trong khi Viettel chỉ khiến người ta nghĩ tới một công ty Viễn Thông

Thể Công hay tuyệt đại đa số các đội bóng quân đội từng tồn tại một cách chuyên nghiệp trên thế giới đều là sản phẩm của nền thể thao xã hội chủ nghĩa, với nhiệm vụ chính trị rõ ràng. Khi nhiệm vụ chính trị đó chấm dứt, hoặc khi thể thao chuyển sang hoạt động theo hình thức chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa đòi hỏi phải tuân theo các quy tắc và động lực của kinh tế thị trường, hình thức đó sẽ chấm dứt.

* Nhưng ở nhiều nước Đông Âu, vẫn có những đội bóng mang tên CSKA (quân đội) tồn tại, thậm chí nằm trong số các đội bóng hàng đầu?

- Một số đội bóng quân đội cũ vẫn giữ được tên khi buộc phải chuyển đổi cách thức và động lực vận động để duy trì một biểu tượng thể thao, để chuyển đổi sang những giá trị mới của thể thao chuyên nghiệp thời kinh tế thị trường. Nhưng nó phải tuân theo hai yêu cầu. Thứ nhất, không được gián đoạn, khi tình cảm với đội bóng cũ còn tồn tại đủ mạnh. Thứ hai, nó phải không lệ thuộc các quyết định chính trị, để được tuân theo các quy tắc của thể thao chuyên nghiệp mang tính thị trường. Nếu hôm nay đội bóng chơi tốt, được Cục quân huấn cho phép mang lại tên Thể Công, nhưng ngày mai chơi không tốt lại bị “đòi tên lại” thì đội bóng thậm chí không giữ nổi cái tên, và lại mất thời gian để tái tạo dưới một cái tên mới. Thể Công mắc cả hai lỗi này, nên không còn lý do để tồn tại nữa.

* Như thế thì quả là đáng tiếc, vì Thể Công đã là một thương hiệu?

- Chỉ cái tên không phải là thương hiệu. Trước tiên nó phải là cái tên được sử dụng cho mục đích kinh doanh, mà Thể Công thì chưa từng như thế. Ngay cả cái tên được sử dụng cho mục đích kinh doanh cũng chỉ là hình thức của thương hiệu. Thương hiệu đó chỉ thực sự giá trị khi nó tạo ra những giá trị cho sản phẩm và dịch vụ gắn với cái tên đó.

* Nếu Thể Công không nên là một cái tên để định hướng tồn tại cho đội bóng đá Viettel, thì đội bóng này nên được đặt tên và định hướng tồn tại như thế nào?

- Trước hết, chúng ta cần trân trọng nỗ lực của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel đã nỗ lực đầu tư vào bóng đá bài bản và tốn kém từ sau khi Thể Công bị khai tử. Từ khi bóng đá bóng đá Việt Nam chuyên nghiệp hóa, lần đầu tiên một đội bóng bắt đầu sự tồn tại của mình bằng việc đào tạo chứ không phải thi đấu, thể hiện sự nghiêm túc và ý định dài hạn của họ. Nhưng tôi vẫn chưa biết gì về việc họ hoạt động cộng đồng như thế nào để tạo ra lực lượng cổ động viên gắn bó trong tương lai, và nếu thế thì tương lai của họ sẽ lại là một đội bóng ký sinh về mặt kinh tế vào tập đoàn Viettel mà thôi.

Bản thân việc đội bóng chỉ mang tên Viettel cũng cho thấy nguy cơ của sự tồn tại ký sinh. Cái tên Viettel đã được định danh mang ý nghĩa là công ty viễn thông, không có một giá trị thể thao nào cả. Không có một đội bóng nổi tiếng thế giới nào lại mang tên của một công ty trong lĩnh vực khác. Cùng lắm như các đội bóng Nhật Bản hay Hàn Quốc tồn tại dưới hình thức ghép tên với doanh nghiệp, nhưng ít nhiều vẫn còn phải ký sinh. Như thế có nghĩa là một khi doanh nghiệp mẹ khó khăn, hay chỉ cần thay đổi người lãnh đạo có quan điểm khác về thể thao, đội bóng lại đứng trước nguy cơ bị khai tử hay bán lại, rồi lại mang một cái tên khác và định hướng phát triển khác. Tức là không có một biểu tượng thể thao nào được tạo ra cả.

Nếu Tập đoàn Viettel thật sự muốn cống hiến cho bóng đá, cũng là cách tốt để họ tiến hành các hoạt động xã hội, ngoài việc làm thương hiệu, thì đội bóng nên mang một cái tên khác, có thể là tên vùng mà đội bóng đặt trụ sở và thi đấu, hoặc một cái tên nào khác giàu tính sáng tạo gợi mở tính chất thể thao hay bóng đá. Nhưng dù mang tên nào, họ cần phải gắn bó với cộng đồng để tạo ra lực lượng cổ động viên và cầu thủ tiềm năng cho mình, như việc liên kết với các trường phổ thông để lôi kéo học sinh đến với đội bóng để tập luyện bóng đá như một phần của hoạt động thể dục, thể thao trường học chẳng hạn.

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm