Góc nhìn CĐV: Học bóng đá để...diễn tuồng

18/07/2014 17:36 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Gần 3 tháng nữa là tròn 70 tuổi nhưng "bà chúa tuồng" Đàm Liên vẫn "rày đây mai đó" diễn tuồng và thức đêm xem World Cup. Bà cho biết bà máu mê bóng đá từ ngày..."ngực mới nhú". Cách đây hơn nửa thế kỷ, khi bà mới 15-16 tuổi, với NSND Đàm Liên, bóng đá chứa đựng nhiều kỹ năng, kỹ thuật mà nếu học được, diễn tuồng sẽ rất giỏi.

Fan cuồng của Thể Công

NSND Đàm Liên hơn đội bóng đá Thể Công 9 tuổi. Bà sinh ngày 1/10/1945, còn Thể Công “sinh” năm 1954 với một cái tên khá… dài: Đoàn công tác thể dục thể Thao Quân đội, hay gọi tắt là “Thể dục thể thao công tác đội”.

Những năm 1970, Đàm Liên về công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam và ngay lập tức từ đó trở thành một nghệ sĩ tuồng nổi tiếng với nhiều vai diễn để đời. Thời điểm đó, Thể Công là đội bóng “không đối thủ” với 13 lần vô địch giải bóng đá miền Bắc Việt Nam. Những năm ấy, “bà chúa tuồng” liên tục mang tuồng đi diễn xứ người như: Nga, Bulgaria, Ba Lan, Ý, Đức, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ai Cập, Thái Lan, Ấn Độ..., còn Thể Công cũng nổi tiếng với nhiều trận thắng quốc tế. Điển hình là ngày 2/9/1970, Thể Công đã thắng 3-2 tuyển Cuba ngay trên SVĐ Hàng Đẫy.

Năm 1974, Thể Công hạ gục đội Bát Nhất - một đội bóng “trên cơ” của Trung Quốc với tỷ số 4-1 ngay trên sân trên SVĐ Công Nhân (Bắc Kinh), trước sự chứng kiến của Đặng Tiểu Bình khi đó là Phó chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mặc dù bận lưu diễn nhưng Đàm Liên vẫn theo dõi theo từng bước tiến của Thể Công.

NSND Đàm Liên yêu đội bóng Thể Công vì theo bà, ngoài đá đẹp, Thể Công còn đẹp ở tính kỷ luật. “Có lẽ vì họ là những “người lính đá bóng” nên tính kỷ luật thể hiện rất rõ. “Cái đẹp của Thể Công cũng không hẳn ở những chiến thắng mà còn ở tinh thần của người lính. Tôi nghe người ta nói, trong những ngày chiến tranh, có những lần Thể Công đang đá thì máy bay Mỹ từ đâu xé trời lao đến.

Họ tạm dừng, chờ cho máy bay bay qua, lại đá tiếp. Tôi cho rằng, phải đam mê lắm và cũng phải dũng cảm lắm mới đủ bản lĩnh để chơi bóng… dưới cái chết luôn có thể ập xuống lúc nào không biết ấy”.

“Bà chúa tuồng” tiết lộ, bà yêu Thể Công còn vì người yêu của bà ngày ấy cũng rất mê lối đá của đội bóng này. Nếu bận đi diễn, bà thường dặn người yêu phải xem thật kỹ Thể Công đá thế nào để về tường thuật lại cho bà nghe. Còn nếu không bận, bà thường được người yêu mua vé mời đi xem Thể Công đá.

“Có một người yêu mê bóng đá là một niềm hạnh phúc lớn” - bà kể, giọng đầy tự hào: “Nó chẳng khác gì việc mình diễn tuồng mà có được một bạn diễn tài năng và ăn ý vậy. Một động tác, một biểu lộ về cảm xúc, dù không nói ra nhưng mình cũng đủ hiểu, để như moi gan, rút ruột ra diễn vậy. Sướng lắm!

Với Thể Công, tôi sẽ không bao giờ quên những Ba Đẻn, Cao Cường, Nguyễn Trọng Giáp, Vũ Mạnh Hải, rồi đến Quản Trọng Hùng, Nguyễn Mạnh Cường và đặc biệt là Hồng Sơn của thế hệ sau này. Tôi luôn là fan cuồng của họ, của Thể Công, dù Thể Công giờ chỉ còn là… vang bóng một thời”.

Trực quan bóng đá để… luyện tuồng

Mặc dù đã 70 tuổi, nhưng NSND Đàm Liên vẫn rất đẹp, thích cái đẹp và thích làm đẹp.

Trước khi trận đấu diễn ra, bà thường “phấn son”, áo xống rất đàng hoàng, bất kể là trận đấu bà chọn xem diễn ra vào giờ rất khuya như trong mùa World Cup năm nay, và mặc dù bà chỉ xem một mình trong phòng riêng.

“Bà chúa tuồng” làm vậy không phải vì “nghiện son phấn” mà trang điểm để sẵn sàng “nhập vai” khi cần. Nom bà xem bóng đá chẳng khác gì một người chấm thi: ngồi thẳng thớm trên ghế, mắt đeo kính trắng, mắt như dán vào từng động tác của các “diễn viên” của môn túc cầu trên màn hình ti-vi.

Bà chú ý từng chuyển động cơ thể của các cầu thủ, đặc biệt là “ngôn ngữ đôi chân” của các cầu thủ giỏi như Cristino Ronaldo, Messi, Robben... Nếu động tác nào đẹp, hay và cảm thấy áp dụng được cho tuồng, sẵn gương trên tường, quạt giấy trên bàn, bà vung tay, múa chân, đảo người ngay… Cầu thủ nào “diễn” dở bà phán một câu: “Kém hơn… tuồng!”.

“Giống như bộ môn tuồng, sự đối trọng của những bàn chân đóng vai trò rất quan trọng. Phải là một người hiểu rất rõ đặc trưng nghề nghiệp, đặc biệt là hiểu rõ bản thân, mới có thể sử dụng ngôn ngữ cơ thể một cách tinh vi, làm cho người khác phải ngưỡng mộ, còn đồng nghiệp, đồng đội thêm tự tin. Những người danh tiếng nói chung, cầu thủ và nghệ sĩ nổi tiếng nói riêng, tôi nghĩ họ đều là “bậc thầy” về sử dụng ngôn ngữ cơ thể” - bà phân tích.

Xem các trận bóng trong mùa World Cup năm nay, bà Đàm Liên thấy “sướng” nhất là với cú ngã của Robben trong trận Hà Lan gặp Mexico. Bà bảo: “Tôi có học, muốn học cũng không ngã được như Robben. Nhưng tôi biết có nghệ sĩ tuồng… ngã được kiểu ấy.

Đó là anh Tiến Thọ. Tôi khẳng định, anh Tiến Thọ là người nhảy tuồng số một. Đó là một cú ngã báo hiệu tin dữ, sét đánh ngang tai, cái kết đau đớn. Trong bóng đá thì ai cũng biết rồi. Vì cú ngã đó mà Mexico đã bị loại bởi Hà Lan…”.

NSND Đàm Liên cho biết, đến bây giờ, bà đi dạy tuồng ở khắp nơi, thi thoảng bà vẫn hỏi học trò có ai mê bóng đá không. Nếu có, bà sẽ lôi chuyện ngôn ngữ bóng đá ra để “bổ trợ” cho ngôn ngữ tuồng. Nếu học trò không thích bóng đá, thì bà… giữ kinh nghiệm ấy cho riêng mình.

Bóng đá Việt Nam “trầy trật” như… tuồng

Chính bóng đá đã đẩy vào con tim của NSND Đàm Liên, đốt thêm lửa trong bà và như bà đã thú nhận, “làm cho máu nghệ sĩ trong tôi càng thêm sôi, từ đó giúp tôi sáng tạo trong khi diễn tuồng. Bây giờ nói đến bóng đá thế giới, từ trẻ con cho đến người già, ai cũng biết đến Pele, Maradona, Messi, Cristino Ronaldo…

Nhưng chưa chắc nghệ sĩ người ta đã biết đến như thế. Tôi lôi được khán giả đến với tuồng là bởi tôi mê rất nhiều thứ, đặc biệt là bóng đá. Chính bóng đá dạy cho tôi một chân lý, rằng hãy diễn như thế nào để được như cầu thủ với công chúng”.

Nói đến bóng đá Việt Nam hiện nay, NSND Đàm Liên tỏ ra không mấy hào hứng. Bà cho rằng bóng đá nước nhà cũng chẳng khác nghệ thuật truyền thống của dân tộc, đang mai một (!) cho dù bóng đá không phải không có cầu thủ giỏi và nghệ thuật truyền thống không phải không có người tài năng.

“Nước mình không thiếu người giỏi, cả trong thể thao lẫn nghệ thuật. Nhưng nói thật, lương ít quá thì sao mà sống nổi. Bên cạnh đó, không có thầy giỏi thì làm sao có trò giỏi… Không có kinh tế, không có đầu tư, không có thầy giỏi thì bóng đá cũng như tuồng, một chục năm sau, một trăm năm sau và lâu hơn nữa, tuồng chẳng có nghệ sĩ nào để cho người ta nhớ, và bóng đá chẳng có ai kế tiếp để cho công chúng ngưỡng mộ.

Nếu bóng đá Việt Nam khiến người hâm mộ chỉ nhớ đến một vài cầu thủ hoặc một lứa cầu thủ vàng, còn nghệ thuật tuồng, công chúng chỉ nhớ đến tôi, anh Tiến Thọ hay một vài người khác, nghĩa là ngành bóng đá, nghề hát tuồng đang rơi vào chỗ… chết. Mà nổi tiếng chỉ để mình chứng cho một cái đang… chết dần cùng mình thì có gì là sung sướng?!”, nữ nghệ sĩ ngậm ngùi trong nỗi buồn của một World Cup vừa kết thúc…

Huy Thông
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm