Góc Hồng Ngọc: Khi tệ nạn thành… giá trị sống của cầu thủ

29/09/2012 13:43 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH Cuối tuần) - Nếu cầu thủ chỉ được dạy kỹ năng đá bóng thuần túy, hoặc được dạy về đạo đức lối sống bởi những kẻ đạo đức giả, họ sẽ khó tránh khỏi việc hình thành những giá trị sống lệch lạc, như thể hiện mình khi nhúng vào tệ nạn! Đó là suy nghĩ nhà báo Hồng Ngọc chia sẻ với Cà phê bóng đá tuần này.

* Cà phê bóng đá: Chào Hồng Ngọc! Trên Facebook, hình như bạn có tham gia vào một trò vui đặt tên cho loại “rượu” mà cựu tuyển thủ quốc gia Huy Hoàng đã sử dụng trước khi “say” dẫn đến lắc lư theo tiếng nhạc cả tiếng đồng hồ trong xe hơi?

- Hồng Ngọc: Vụ này tôi không khởi xướng, mà chỉ ăn theo nhà thơ, nhà báo Đoàn Ngọc Thu thôi nhé! Chủ topic gợi ý đặt tên thứ “rượu” đó là “tuyển thủ tửu”. Tôi đề xuất gọi nó là “Huy Hoàng tửu”, và chua thêm rằng nếu ai đó vào quán bar và gọi “Huy Hoàng tửu”, chắc chắn người ta sẽ mang tới cho bạn thứ sẽ làm bạn lắc lư như Huy Hoàng vậy, nếu họ có…

* Có vẻ như bạn chắc chắn rằng không phải Huy Hoàng say rượu?

- Cho tôi được mượn lời ông (Henrique) Calisto: Chỉ có trẻ con mới tin rằng Huy Hoàng say rượu. Tôi thì không còn là trẻ con nữa.


Bao giờ cầu thủ biết tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình thì mới hy vọng chấm dứt những hình ảnh như thế này

* Thế huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng, ban lãnh đạo Sông Lam Nghệ An, và cả mấy anh cảnh sát Nghệ An là trẻ con chắc?

- Chắc chắn là không rồi. Nếu mấy anh cảnh sát Nghệ An nọ kết luận rằng Huy Hoàng say rượu lái xe gây tai nạn, chắc Huy Hoàng bị tước giấy phép lái xe một thời gian rồi. Còn Hữu Thắng hay ban lãnh đạo SLNA, họ “khẳng định” Huy Hoàng “không phê thuốc” thì cũng có nghĩa là họ đã khẳng định ngược lại: họ không phải là Huy Hoàng để biết mình có dùng thuốc lắc hay không, và cũng chưa làm xét nghiệm với Huy Hoàng để chứng minh từ phương diện khoa học, có nghĩa là họ khẳng định không dựa trên cơ sở nào, cũng là cách họ phủ nhận lời nói của mình vậy! Thế thì họ nói vậy để làm gì, nếu không phải là để bao che?

* Các bài báo gần đây nói rằng đội SLNA từng khá mạnh tay với những cầu thủ trẻ dính vào heroin hay thuốc lắc?

- Đó là với cầu thủ còn ở đội trẻ hoặc chưa tìm được chỗ đứng ở đội một. Những người vừa bước vào đời đã dính vào tệ nạn mà không sớm thoát ra được thì không có cơ hội nào để phát triển cả. Ban lãnh đạo SLNA hiểu điều đó, và thực tế chưa có cầu thủ nào bị họ loại ra theo cách đó mà giành lại được chỗ đứng trong bóng đá đỉnh cao. Nhưng với cầu thủ đã thành danh, SLNA đã ứng xử theo kiểu khác. Điều đau đớn là những cầu thủ này lại có ảnh hưởng lớn đến những cầu thủ trẻ. Nó khiến cho cái vòng luẩn quẩn gần 20 năm qua không thoát ra được.

* Phải chăng mọi thứ bắt đầu từ việc SLNA đặt trụ sở ở nơi được coi là tụ điểm tệ nạn này ở Vinh?

- Câu chuyện không phải dành riêng cho SLNA, nên không thể quy kết cho địa điểm đặt trụ sở của SLNA. Mười lăm năm trước, Công An Hà Nội là một đội bóng đầy tiềm năng, nhưng rồi một loạt những tài năng mà họ có không thể bước lên đỉnh cao được vì dính quá sâu vào tệ nạn. Thuốc lắc, đỏ đen được coi như thước đo về sự sành điệu của cầu thủ. Những gì anh làm được trên sân không phải là giá trị trung tâm, mà chỉ là tiền đề để anh làm “dân chơi”. Nhưng thuốc lắc tàn phá thể lực và chí lực của anh. Đỏ đen thì đẩy anh lún sâu vào nợ nần, rồi bán độ. Một trong những tài năng nổi bật của CAHN sau đó đã phải tự vẫn, được đồn đoán là vì nợ nần. Một tuyển thủ quốc gia trong thành phần CAHN tâm sự với tôi rằng, tệ nạn là tình trạng phổ biến ở các đội bóng thuộc hai thành phố lớn, và cả với các tuyển thủ quốc gia. Vì “sành điệu”, làm “dân chơi” trở thành thước đo giá trị của cầu thủ.


 Công tác đào tạo trẻ cần thay đổi?

* Các đội bóng đã không dạy cầu thủ đạo đức nghề nghiệp, hay họ đã thất bại trong việc đó?

Xã hội ta có nơi nào không dạy đạo đức đâu! Nhưng trong khi chúng còn chưa hiểu được nghĩa của những điều đó thì đã nhìn thấy những hành vi thiếu đạo đức của chính những người thầy, người anh. Dạy đá láo đối thủ, dạy ăn vạ câu giờ, dạy… trốn bóng, dạy đá… thua, lôi kéo bán độ, hút hít, hay chơi gái. Khi những lời rao giảng đạo đức không tương thích với việc làm, thì nó chỉ đơn giản là những giáo điều sáo rỗng. Các cầu thủ trẻ sẽ nhìn vào hành vi của những người thầy, người anh để hình thành giá trị sống.

* Không có chỗ cho giáo dục gia đình sao?

- Bạn đã bao giờ được học là phải dạy con như thế nào chưa? Xã hội ta chưa dạy điều đó. Trong bóng đá Việt Nam, giáo dục gia đình càng thiếu chỗ đứng, vì cầu thủ được đào tạo tập trung từ rất sớm, trước cả giai đoạn định hình nhân cách, và khi chơi chuyên nghiệp họ tiếp tục tập trung kiểu trại lính. Tình trạng đó không chỉ khiến cho môi trường bóng đá có ảnh hưởng bao trùm trong quá trình hình thành nhân cách, mà còn khiến cho cầu thủ không được tiếp xúc với cuộc sống trong sự đa dạng vốn có của nó, làm cho nhận thức của họ bị phiến diện, và những giá trị sống khó tránh khỏi lệch lạc.

* Bạn nói như là lỗi hệ thống vậy. Liệu có thể thay đổi được điều gì không?

- Có thể. Bóng đá Việt Nam phải từ bỏ lối đào tạo tập trung từ quá sớm, đổi lại có thể quá trình đào tạo được bắt đầu sớm hơn, trên phạm vi rộng hơn. Những huấn luyện viên cho các đội trẻ cần phải được chọn lựa kỹ càng trên phương diện con người, vì họ chính là tấm gương hành xử cho cầu thủ trẻ. Chúng ta cũng phải từ bỏ lối giáo dục giáo điều về đạo đức, thay vào đó hãy giáo dục lối sống và hành xử cho cầu thủ vì chính lợi ích với sự nghiệp đá bóng lâu dài của họ. Cách tập trung kiểu trại lính cũng phải từ bỏ, để các cầu thủ được sống một cuộc sống phong phú, và học cách tự chịu trách nhiệm với mỗi hành vi của mình từ sớm. Còn họ chịu ảnh hưởng như thế nào từ môi trường ngoài bóng đá, đó là vấn đề của xã hội rồi, không phải của những người làm bóng đá!

* Cảm ơn Hồng Ngọc về cuộc trao đổi thẳng thắn này.

Cà phê bóng đá

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm