Ghi 4 bàn trong trận thắng V.HP: Vũ Phong trở lại, lợi hại hơn xưa

06/08/2012 12:29 GMT+7 | V-League

(TT&VH)- 4 bàn thắng trong một trận đấu, điều chưa có tiền lệ trong suốt chiều dài sự nghiệp của Nguyễn Vũ Phong, không những xát muối vào lòng người thầy cũ Lê Thụy Hải trong ngày trở về mà còn là lời khẳng định: Tôi đã trở lại…

Cú “poker” để đời

Vũ Phong bước ra sân với chiếc băng đội trưởng trên tay và điều này khiến nhiều người bất ngờ. Càng bất ngờ hơn cho tất cả khi một mình Vũ Phong tung cú “poker” hạ gục đội khách V.HP. Toàn kiệt tác cả! Một cú sút phạt thần sầu bó tay Ngọc Tân; một cú ngoặt bóng loại bỏ hậu vệ V.HP, trước khi cứa lòng góc xa mang thương hiệu Thierry Henry, thêm pha thoát xuống bỏ lại Ngọc Tân ở phía sau để rồi lốp bóng vào khung thành trống, cuối cùng là tình huống băng cắt đúng kiểu một trung phong đón đường căng ngang vào trong của đồng đội và công việc đưa bóng vào lưới trở nên rất dễ dàng, đóng đinh trận đấu.

Trước đó, ngay phút thứ 3, đường treo bóng bằng chân trái (vốn là chân không thuận) của Vũ Phong ngay lập tức khiến khung thành của V.HP chao đảo, với cú lắc đầu bóng tìm đến cột dọc của Samson. Phút 51, cũng bắt đầu từ đường chuyền của Vũ Phong, Samson đã có một bàn thắng khá dễ dàng.


Vũ Phong chỉ chơi hai khi mưa gió nổi lên?! Ảnh: V.V

Dẫu rằng, trận đấu này chỉ là vô thưởng vô phạt vì đội khách đã xuống hạng và tất nhiên, chiến thắng của B.BD đã được đoán trước nhưng không thể phủ nhận, đây chính là trận đấu của Vũ Phong.

Đáng lẽ ra đây sẽ là mùa giải đáng quên với tiền vệ quê Vĩnh Long. Pha va chạm với đồng đội Chí Công trong một buổi tập chuẩn bị cho trận đấu với TĐCS.ĐT (vòng 7), Vũ Phong khụy xuống và không thể dượng dậy được.

Phong không bao giờ nghĩ rằng, lần trở lại quê hương (B.BD lúc đó chọn SVĐ Vĩnh Long để “mài gươm”) lại là một sự ám ảnh. Cũng chính cái sân bóng này, lần đầu tiên Vũ Phong được phát hiện ở giải hạng Nhì, trước khi được B.BD mua về chơi V-League, để rồi thăng hoa trong sắc áo ĐTQG cũng như CLB.

Bị nghi đứt dây chằng đầu gối, phải mất 5 tháng điều trị, Vũ Phong mới có thể trở lại (từ vòng 21) và tỏa sáng. Đó cũng là lý do khiến Vũ Phong dần chìm vào quên lãng trong danh sách ĐTQG cho chuỗi 3 trận giao hữu quốc tế vừa qua, một điều chưa từng diễn ra trong khoảng 4-5 năm trở lại đây.

Nhưng, trong đầu cầu thủ gốc Vĩnh Long chưa bao giờ tồn tại khái niệm bỏ cuộc. Ý chí trở lại đã giúp Vũ Phong dần dà tìm lại bóng dáng của mình thời đỉnh cao.

Cuộc tiếp đón V.HP của cố nhân Lê Thụy Hải, khán giả Bình Dương lại được ngất ngây cùng những khoảnh khắc do đứa con cưng của mình mang lại, dù thủ phủ Thủ Dầu Một hôm đó không có… mưa.

Sau rất nhiều những bàn thắng ghi được và cả sự tỏa sáng trong mưa, nhiều người đã nói vui rằng, Vũ Phong chỉ chơi hay khi vân vũ nổi lên. Phải, tên của anh, với Vũ là mưa, còn Phong là gió đấy thôi!

Những cú sút phạt, sút xa có độ sát thương cao, và tất nhiên, cả những cú rướn mình lên phía trước vun vút như chính cái tên Vũ Phong thậm chí còn lợi hại hơn xưa.

Vinh quang, cay đắng có cả

Đầu tháng 6, thời điểm mà các giải đấu VN nghỉ “né” EURO, Vũ Phong đã đánh dấu sự trở lại ấn tượng trong một trận đấu… từ thiện với đội bóng của “Minh Chuyên và những người bạn”. Chưa có cảm giác tốt nhất với bóng sau thời gian dài điều trị chấn thương, nhưng Phong đã kịp ghi một bàn thắng (với cú “rocket” sở trường), cùng một đường chuyền thành bàn cho đồng đội Lương Minh Trung. Vẫn động tác tiếp và sút bóng không có phiên bản, dáng chạy lao vun vút về phía trước như một mũi tên, Vũ Phong và đồng đội thực sự đã rửa mắt cho người dân vùng quê nghèo Bắc Bình, Bình Thuận.

Rất nhiều người đã thấy, đã biết khả năng chơi bóng của Vũ Phong trên sân cỏ, nhưng có lẽ ít ai từng được nghe Phong đàn hát và nhảy nhót. Chất giọng miền Tây Nam bộ đặc thù, Phong hát nhiều và hát rất hay những bản tình ca. Vũ Phong sống khá khép kín, ít giao du với người lạ và đặc biệt là… báo chí, anh gói ghém tình cảm cho gia đình, người thân và bằng hữu. Nhưng cùng với giọng hát, nụ cười tươi rạng rỡ và cả cái kiểu cháy hết mình, Vũ Phong quả thật không lạnh lùng như nhiều người nghĩ. 27 tuổi, Phong đã là chồng, là cha và đương nhiên, hoạn lộ vẫn còn rất rộng ở đằng trước.

Vũ Phong, sản phẩm ưu tú bậc nhất của giải hạng Nhì, đã lại gắn liền với thành công vang dội của bóng đá đất Thủ. Thời điểm năm 2005, cả Ngân hàng Đông Á (tiền thân là CATP.HCM), ĐT.LA và B.BD đều nhảy vào cuộc đua giành chữ ký của cầu thủ vừa tròn đôi mươi Nguyễn Vũ Phong, nhưng cuối cùng Phong đã chọn Thủ Dầu Một.

Với 2 chức vô địch V-League, vào tới bán kết AFC Cup (2009), cùng vô số những bàn thắng, những danh hiệu cá nhân khác…, có thể khẳng định, việc chuyển khẩu về Bình Dương là một trong những quyết định đúng đắn nhất trong sự nghiệp của Vũ Phong.

Đất Thủ như đã sinh ra Vũ Phong lần thứ 2, chắp cánh giấc mơ, đó là lý do anh chuyển luôn gia đình từ Vĩnh Long lên đây sinh sống. Vũ Phong gần như đã thuộc về nơi này, khi bản hợp đồng với B.BD vẫn còn ít nhất một năm thời hạn (kèm theo các điều khoản gia hạn, thậm chí là cống hiến trọn đời).

Trong sự nghiệp thi đấu quốc tế, Vũ Phong đã từng ghi rất nhiều siêu phẩm, những bàn thắng quan trọng để đời. Nhưng đáng nhớ nhất phải là 3 pha lập công tại AFF Cup 2008, khi Vũ Phong được biết đến như một trong những cầu thủ hay nhất của ĐTVN, thậm chí của cả giải đấu.

Lượt đấu cuối vòng bảng với Malaysia, Vũ Phong đã ghi một trong những bàn thắng “dị” nhất: từ khoảng cách đến hơn 70m, với sự tác động của gió, trái bóng đi theo một quỹ đạo cực kỳ khó đoán. Cú đúp của Phong ở trận đấu đó đã mở toang cánh cửa vào bán kết cho ĐTVN, trước khi giành chức vô địch, với cả pha lập công quý hơn vàng mười của tiền vệ người Vĩnh Long trong trận chung kết lượt đi trên đất Thái không lâu sau đó (ĐTVN giành chiến thắng 2-1).

AFF Cup 2010 khởi tranh và Vũ Phong lúc này vẫn là một hạt nhân không thể thiếu trong vận hành chiến thuật của HLV Calisto. Một lần nữa Phong níu kéo cơ hội để ĐTVN bảo vệ “ngai vàng”, với pha xử lý cực kỳ tinh tế, đem lại chiến thắng cách biệt tối thiểu cho đoàn quân đỏ trong trận đấu với Singapore.

Nhưng, cũng như kỳ SEA Games 2007, một trong những giải đấu lớn đầu tiên trong sự nghiệp của Nguyễn Vũ Phong và lứa cầu thủ tài năng thế hệ 8X, anh đã không biết rằng việc chúng ta bất ngờ giành ngôi nhất bảng sau một trận đấu căng sức lại là khởi đầu cho sự thảm bại.

Tại thủ phủ Nakhon Ratchasima năm ấy, U23 VN của ông thầy người Áo, Alfred Riedl, chỉ thực sự biết mình giành quyền chơi bán kết sau trận thắng nghẹt thở (2-1) trước U23 Lào, trước khi bị người Myanmar hạ “knock-out” ở bán kết, và rồi gục ngã (0- 5) trước bầy sư tử non Singapore trong trận tranh HCĐ.

Kịch bản không mong đợi ấy một lần nữa tái hiện với Vũ Phong và đồng đội tại AFF Cup 2010, với thất bại trước Malaysia ở bán kết, sau khi đã bị vắt kiệt sức ở vòng bảng. Non nửa đội hình chính dính chấn thương trước trận bán kết lượt đi tại Malaysia là một nguyên nhân khách quan, nhưng cơ bản là thầy trò HLV Calisto đã không có sự chuẩn bị tốt nhất cho giải đấu. Chúng ta khinh suất và chúng ta phải nếm trải thất bại.

ederer chưa bao giờ để thua chóng vánh và dưới cơ đến như vậy.

AFF Cup 2012, tại sao không?

Sau khi đã xem đi xem lại các bàn thắng của Vũ Phong ghi vào lưới V.HP, gọi điện thoại chúc mừng Phong, anh chỉ cười hiền và rằng: “Gặp may thôi anh à”. Đấy mới là Phong, con người miền Tây chân chất, kiệm lời và rất vừa phải trong ứng xử. Phong bảo, chưa bao giờ khát khao trở lại sắc áo ĐTVN lại cháy bỏng trong người như lúc này. “Nếu cơ hội lại mở ra thêm một lần nữa, em sẽ không từ chối. Từ lứa U18, U20, U23, rồi ĐTQG sau này, việc được khoác lên mình chiếc áo đỏ là vinh dự lớn lao”, Vũ Phong chia sẻ.

Hàng tiền vệ của ĐTVN ngay lúc này khá chật chội, khi một nửa số lượng người hiện diện và chơi tuyến 2 coi như được quy hoạch cho HN.T&T. Với tiêu chí làm chiến thuật đề cao quyền kiểm soát bóng, HLV Phan Thanh Hùng có lý do để xây dựng ĐTVN dựa trên cơ chế vận hành của CLB đang là ứng viên hàng đầu cho chức vô địch V-League 2012. Đó là điều bình thường. Sự dư dả ở tuyến tiền vệ tăng lên, khi trong tay ông Hùng vẫn còn đó những Thành Lương, Trọng Hoàng, Văn Bình, Quốc Anh, Tấn Tài…, tức là toàn hảo thủ cả. Có thể trong số này chỉ Tấn Tài và Quốc Anh ở đẳng cấp tương đương với Vũ Phong. Nhưng, bóng đá là cuộc cạnh tranh khốc liệt và bất cứ ai nếu ăn mày dĩ vãng, sẽ chỉ đón nhận sự thất bại. Phong không sống với hào quang của quá khứ.

Có thể gặp may, hoặc cũng có thể “phong độ là nhất thời, còn đẳng cấp mới là mãi mãi” như câu nói cửa miệng của dân bóng banh, nhưng Vũ Phong đã rất biết chọn thời điểm và chọn cách trở lại, khẳng định mình. Vẫn còn ít nhất 3 lượt trận nữa V-League 2012 mới hạ màn và cũng còn hơn 3 tháng nữa, AFF Cup 2012 mới khởi tranh. Với Vũ Phong và đồng nghiệp, đồng đội, đây là khoảng thời gian cực kỳ quý giá cho cuộc đua giành một suất trên ĐT. Cơ hội chia đều cho tất cả và một điều chắc chắn rằng, ĐTVN với thuyền trưởng Phan Thanh Hùng sẽ không bỏ sót hiền tài.

Tùy Phong- Việt Hòa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm