'Đoạn trường' xã hội hoá bóng đá

07/03/2017 06:38 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Phát biểu trong buổi lễ ký kết và ra mắt nhà tài trợ HDBank với Giải futsal VĐQG và Cúp QG 2017 mới đây, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khẳng định, xã hội hoá thể thao nói chung và bóng đá nói riêng là xu thế, chính xác hơn là nhu cầu tất yếu để phát triển, không có lựa chọn khác. Điều này có mới mẻ gì cho cam, hà tất Chủ tịch Dũng phải lên dây cót trước bàn dân thiên hạ?! Ông Dũng có lý do riêng.

Một trong những khâu “trung gian”, để có thể kéo Ngân hàng HD bắt tay với futsal Việt Nam, mùa giải 2017, đấy là Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), đơn vị đồng tổ chức với VFF cho các hạng mục Giải futsal VĐQG và Cúp QG như đã nhắc. Chứ tự thân VFF, e là khó có thể thuyết phục các đối tác kinh tế bắt tay với bóng đá, trong bối cảnh chỉ số niềm tin cho môn thể thao vua ở Việt Nam đang xuống cấp.

Hơn 20 năm trước, Báo Sài Gòn giải phóng đã là nhà tổ chức giải thưởng Quả bóng Vàng Việt Nam. Cũng gần với tuổi đời này là các VCK U21 QG – Cúp Báo Thanh Niên và U21 quốc tế Báo Thanh Niên ra đời sau đó. Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên vừa thầu lại VCK U19 QG cho bớt èo uột. Báo Bóng đá cũng nhiều năm đồng hành với VCK U17 QG, giải Thiếu niên – Nhi đồng. Giải Fair Play báo Pháp Luật TP.HCM…

Khi còn làm Phó Chủ tịch (PCT) phụ trách tài chính 2 nhiệm kỳ (khoá V và VI), rồi Chủ tịch VFF khoá VII (2014 – 2018), ông Lê Hùng Dũng luôn ghi công đầu trong việc kéo các nhà tài trợ - Mạnh Thường Quân bắt tay với bóng đá, nhưng cũng chủ yếu là “của nhà trồng được”. Khoảng 2 – 3 năm gần đây, ông Dũng rút vào hậu trường và vai trò PCT tài chính được giao lại cho bầu Đức, cũng như Phó TTK chuyên trách.

VFF, VPF và 'sợi dây' kinh nghiệm…

VFF, VPF và 'sợi dây' kinh nghiệm…

Sau thông báo về việc một vài vị chóp bu của VPF và BTC giải sẽ cùng với Ban Trọng tài (TT) phân công TT và Giám sát làm nhiệm vụ, bắt đầu từ lượt trận thứ 9, thì cũng chính những người này lên mặt báo để “nói lại cho rõ”

Cũng bằng với khoảng thời gian này, VFF chỉ kéo về rất hạn chế các hợp đồng tài trợ, ngoài địa chỉ đỏ Nhật Bản, hết Honda, rồi Toyota, chủ yếu là tập trung cho ĐTQG, hoặc giải VĐQG Toyota V-League. Giải hạng Nhất và hệ thống các giải bóng đá trẻ, rồi các ĐT trẻ QG phải oằn mình, tự thân vận động. Báo Bóng đá bỏ của chạy lấy người với VCK U17 QG, Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên cũng chạy đôn chạy đáo…

Nói về tiềm lực tài chính, cũng như săn tìm các khách hàng tiềm năng, so với người láng giềng Thái Lan, bóng đá Việt Nam đúng là một trời một vực. Ví dụ, nếu Toyota chỉ rót cho V-League chừng 30 tỷ/mùa giải, thì Thai Premier League luôn gấp 3 lần con số này và có luỹ tiến. Chúng ta không kém họ về tài phán, nhưng chất lượng sản phẩm mà nền bóng đá, cũng như các giải đấu đem lại phục vụ việc quảng bá, chưa xứng.

Trong khi đó, ở cấp độ thượng tầng nền bóng đá, với VFF là cơ quan đứng đầu và cánh tay nối dài là VPF (phụ trách tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam), từ xuất phát điểm, đến tiêu chí hướng tới, so với chúng bạn, năng lực cũng kém hơn. Hiệp hội bóng đá Thái Lan (FAT), từ cựu Chủ tịch Worawi Makudi, đến người kế vị Somyot, trước và sau khi làm bóng đá, đều là các tỷ phú đô la, có tầm ảnh hưởng.

Trở lại với khẩu hiệu của Chủ tịch Lê Hùng Dũng, rõ là ông muốn nhắc nhở thuộc cấp, phải hành động vì nền bóng đá và hệ thống các giải đấu, chứ không phải đấu đá, bưng bít, mạnh ai nấy… kiếm, khiến người khác nhìn vào dễ dẫn tâm lý khinh khi, khó hợp tác lâu dài cho được.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm