Đã đến lúc VFF... cho chân vào bàn giấy!

06/05/2012 07:10 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH Cuối tuần) - Chính thức trao quyền tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp cho VPF thông qua Quy chế bóng đá chuyên nghiệp vừa được công bố vào ngày 26/4, vị trí, vai trò, thậm chí là cả tương lai của VFF - tổ chức chuyên môn quyền lực nhất của bóng đá Việt Nam - bỗng bị đặt dấu hỏi to đùng.

*Bạn cũng có thể bình luận về bài viết này trên http://www.facebook.com/baothethaovanhoa

Ông nào “to” hơn?

Nếu xét về vị trí và vai trò, đương nhiên VFF phải là “to nhất”! Ngược dòng lịch sử, kể từ năm 1989, khi VFF chính thức ra đời thay cho tổ chức tiền thân là Hội bóng đá Việt Nam, đã gần qua được 6 nhiệm kỳ thì vị trí và vai trò của cái tổ chức chuyên môn nghề nghiệp trong hệ thống quản lý nhà nước, cũng như quốc tế vẫn tiếp tục được khẳng định.

Tuy nhiên, sự ra đời của bóng đá chuyên nghiệp và không nằm ngoài bước chuyển chung của cả nền kinh tế xã hội, bóng đá không còn là câu chuyên riêng của những người... biết đá bóng. Sự tham gia của các thành phần kinh tế khác, cụ thể là đây là khối doanh nghiệp mà đại diện là các ông bầu đã làm thay đổi toàn bộ đời sống bóng đá Việt Nam. Nền bóng đá bao cấp kiểu quốc doanh đã sụp đổ hoàn toàn để thay bằng thứ bóng đá “hít, thở” thông qua hầu bao của các ông chủ.


Trong tương lai, quyền lực VPF sẽ còn được mở rộng hơn nữa? Ảnh: VSI

Đồng tiền đương nhiên... đi liền quyền lực. Cán cân bắt đầu thay đổi và nó thực sự nghiêng hẳn về các ông bầu bằng sự ra đời của VPF, để rồi tới nay, tổ chức được gọi vui dưới cái tên “Bầu Kiên và bè bạn” chính thức nắm quyền tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp trong nước.

Ông nào “to” hơn”, VFF hay VPF? Chẳng khó để trả lời câu hỏi đó nếu nhìn vào những bước chuyển đang làm thay đổi bóng đá Việt Nam vào thời điểm hiện tại. Dù chỉ được giao làm “chủ” các giải đấu chuyên nghiệp trong nước, nhưng nếu ví mô hình của cả nền bóng đá giống như chiếc kim tự tháp với đáy là giải quốc nội, còn chóp là đội tuyển quốc gia, thì vai trò của VPF mang tính nền tảng hơn nhiều. Chưa hết, sau khi giành được bản quyền truyền hình về tay, rồi việc thành lập ra cái gọi là Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam - với sự góp mặt của 10 “đại gia nghìn tỷ” cùng 2 nhà đài truyền hình lớn hàng đầu quốc gia là VTV và VTC, rõ ràng, VPF cũng gần như nắm trọn trong tay tất cả các nguồn lực kinh tế có thể đổ vào bóng đá đỉnh cao lúc này.

Kể cả các mảng quan trọng khác nằm trong tay VFF như: Các đội tuyển quốc gia, đào tạo trẻ... tầm ảnh hưởng của VPF cũng là không thể phủ nhận khi họ đang nắm hết các CLB. Bằng chứng là hiện để tìm được huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá nam quốc gia, liên đoàn vẫn phải đến gặp từng đội bóng, từng ông bầu... để mà đàm phán. Kể cả khi triệu tập cầu thủ lên đội tuyển, thì quyền quyết định cũng nằm đáng kể trong tay CLB. Hay trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2012, VFF nhấn mạnh hơn đến công tác đào tạo trẻ với những quy định chi tiết, khắt khe hơn, tuy nhiên, quá trình thực thi và hiệu quả lại phụ thuộc hoàn toàn vào từng đội bóng, từng cách làm bóng đá của các ông bầu.

Vậy nên mới nói, có lẽ đã tới lúc VFF cho chân vào bàn giấy!

Và sẽ còn “to” hơn nữa?

Vị trí, vai trò của VPF với sự phát triển chung của nền bóng đá Việt Nam vào thời điểm này là không thể phủ nhận, nhưng xem ra nó sẽ chưa dừng lại ở đó mà còn hé lộ về cuộc “địa chấn” nữa ở thượng tầng, cụ thể là ở chính VFF!

1.072.000.000.000.000 Tổng tài sản ước tính của 10 doanh nghiệp thuộc “Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam” bao gồm BIDV, Viettel, Đạm Phú Mỹ, Vinamilk, Bản Việt, VPbank, Techcombank, ACB, Sacombank, HAGL là 1.072.000.000.000.000 đồng, một con số... không dễ đọc với rất nhiều người vì nó quá to. Chỉ tính riêng phần lãi của nhóm 10 doanh nghiệp này trong năm 2011 đã là hơn 42.000 tỷ đồng.

Khi VPF ra đời, rồi bùng lên cuộc chiến tranh chấp bản quyền truyền hình và đi kèm là mâu thuẫn với chính VFF, đã xuất hiện luồng ý kiến (kể cả trong giới quản lý) yêu cầu liên đoàn cần phải tổ chức đại hội bất thường mà thực chất ở đây là đòi hỏi cuộc thay đổi lớn về nhân sự nhằm phù hợp với ngã rẽ mới của bóng đá Việt Nam sau cả quãng thời gian dài trì trệ. Tuy nhiên, cuộc thay đổi này đã không diễn ra bởi VPF dần “giành chiến thắng” trong tất cả các cuộc chiến mà mình khởi xướng thông qua việc nắm được bản quyền truyền hình, “chính danh” tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp.

Thế nhưng, theo lịch trình, tới năm 2013 này, VFF nhiệm kỳ VI (2009-2013) sẽ chính thức khép lại, thì một cuộc thay đổi lớn nữa, ít nhất là về nhân sự, hoàn toàn có khả năng xảy ra. Ông Nguyễn Trọng Hỷ, người đã nắm chức danh Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam 2 nhiệm kỳ liên tiếp, chắc chắn không có khả năng trụ lại thêm vì quá nhiều lý do. Cũng như thế là hàng loạt chức danh chủ chốt của VFF hoặc đã thuộc người của VPF, hoặc đang... ngồi chơi, xơi nước. Việc nắm hết các đội bóng cùng sức ảnh hưởng quá lớn, chuyện các ông bầu (hay đại diện cho các ông bầu) sẽ nắm nốt VFF vào nhiệm kỳ VII là điều có thể sớm dự báo.

Tóm lại, trong bối cảnh nền kinh tế xã hội phụ thuộc nhiều các doanh nghiệp lớn, thì chuyện các nhà tài phiệt phủ bóng lên cả nền bóng đá cũng là chuyện dễ hiểu. Mà đâu chỉ là VFF, với bóng đá, bởi ngay với chính cả thể thao Việt Nam, nền thể thao cũng đã đến lúc tập trung cho vai trò quản lý nhà nước, giảm tải cho ngân sách thông qua việc huy động các nguồn lực khác từ bước đi xã hội hóa.

Vũ Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm