Cựu danh thủ Trần Duy Long: “Tôi mắc nợ bóng đá…”

31/08/2008 07:17 GMT+7 | Bóng đá Việt

 Trần Duy Long không thể ngoảnh
mặt với bóng đá nên đã quay lại.
(TT&VH Cuối tuần) - Ông từng là một trong những cầu thủ tài năng nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam, từng là HLV tên tuổi, từng dẫn dắt ĐTQG tại vòng loại World Cup 1998 và hiện đang là chuyên gia bóng đá uy tín bậc nhất cả nước. Có thời ông ẩn danh thật lâu, nhưng rất đau vì bóng đá TP.HCM tuột dốc. Hiện tại ông đã nhận ngồi vào cái ghế nóng Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn của LĐBĐTP.HCM khi ở đấy đã mất vị trí số 1 từ lâu.

Ông Long khi còn là cầu thủ đã thuộc mẫu cầu thủ chơi theo phong cách châu Âu, rất chắc chắn ở vị trí tiền vệ và có cái tên Long “tây”. Ông có hai con trai là Trần Duy Anh và Trần Duy Mỹ còn “tây” hơn ông với thể hình cực đẹp, cao lớn, vạm vỡ. Khác với bố, chẳng ai trong số họ theo đuổi bóng đá đỉnh cao. Duy Mỹ theo gen mẹ chọn nghiệp bơi lội (đang theo huấn luyện VĐV trẻ bên Úc) còn Duy Anh đá bóng thời ngắn rồi vào ngành Công an. Thậm chí, ít người biết rằng đã có lúc các con trai ông không muốn ông theo đuổi trái bóng tròn dù đấy là nghiệp của ông và ông hạnh phúc với nó…

Vợ chồng trêu nhau chuyện gen

*Ông có hai con trai một theo nghiệp bố, một theo nghề mẹ, bây giờ thì cả hai đều rẽ ngang?

- Nếu Duy Anh (1975) là cầu thủ khóa 7 trường Nghiệp Vụ TDTT TP.HCM thì Duy Mỹ (1977) thuộc thế hệ vàng bơi lội. Hồi đấy vợ chồng tôi tự hào với hai cậu con, nhưng vẫn trêu nhau là xem gen mẹ (bơi lội) hay gen bố (bóng đá) trội. Bây giờ thì vợ chồng lại bảo nhau chẳng ai trội như bố và mẹ nó cả. Duy Anh con trai lớn của tôi học Nghiệp vụ TDTT ra trường về đội CA TP.HCM cùng lứa với Trần Minh Chiến, Nguyễn Liêm Thanh, Trương Ngọc Linh… đá chẳng bao lâu thì dính chấn thương vỡ xương mác. Đành phải để con giã từ nghiệp bóng đá học nghề. Giờ cháu đã thành chiến sĩ công an và chỉ chơi phong trào. Duy Mỹ theo gen mẹ lâu hơn, từng là kiện tướng bơi lội, được gởi sang Úc theo chương trình đào tạo VĐV và HLV thuộc “thế hệ vàng”. Lúc này, cháu lại đam mê thêm nghệ thuật ki tham gia hội Vespa cổ và mê ảnh nghệ thuật.

*Ông có đau khi Duy Anh chia tay với bóng đá?

- Tôi muốn cháu nối nghiệp mình nhưng cuộc đời đâu phải cái gì mình muốn cũng được. Tôi cũng từng nói cháu nếu chơi bóng đá đỉnh cao ngoài việc hết lòng, hết lòng hết mình với nó còn phải có cái duyên và may mắn nữa. Duy Anh thì hết lòng, hết mình nhưng không có duyên.

Bí quyết “loại” bố khỏi đời sống bóng đá

*Nghe nói có lần các con ông “cấm” không cho ông ra ngoài hoạt động bóng đá dù ông rất yêu bóng đá?

- Nói “cấm” thì nặng quá. Các cháu chỉ cản bố và hạn chế phần “hội” mà bố hay lao vào vì đam mê thôi. Hồi đấu có lần hễ thấy tôi dắt xe máy ra khỏi nhà là các con tôi lại hỏi: “Bố đi đâu vậy?”. Nếu nhận được câu trả lời rằng “Bố đi uống cà phê!”, thì hai cậu vui vẻ ra mở cửa rồi chúc bố đi bình an. Còn nếu câu trả lời là bố lo việc banh bóng thì y như rằng hai cậu tìm mọi cách để ngăn bố lại. Chỉ là cái cách ngăn của trẻ con rất dễ thương vì không muốn bố hết lòng với bóng đá mà quên mình. Chúng cháu lo cho sức khỏe của bố ấy mà.
 
Trần Duy Long nhận lời Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM Lê Hùng Dũng và cả hai quyết xắn tay làm lại
 
*Có phải nguyên nhân các con ông làm thế vì thất bại của đội tuyển ở vòng loại World Cup 1998 mà ông dẫn dắt thay ông Weigang rồi mang họa vào thân không?

- Các cháu chẳng bao giờ nói tôi tại sao các cháu muốn tôi cách ly với đời sống bóng đá nhưng các cháu là người hiểu tôi nhất vào những lúc tôi đau vì bóng đá và đúng hơn vì con người làm bóng đá.

*Năm ấy ông Weigang bỏ của chạy lấy người, ông phải lên nhận rồi cả làng đều biết ông bị nhóm cầu thủ bất trị “đâm sau lưng”?

- Chưa bao giờ tôi nói điều ấy cả vì chuyện đã qua rồi nhưng trong cái họa nhiều khi lại có cái phúc.

*Sau thời gian đấy ông gần như vĩnh viễn giã từ nghiệp HLV đỉnh cao để rồi ẩn danh mãi đến bây giờ mới trở lại?

- Không tôi luôn sẵn sàng đấy chứ, vấn đề là có được làm hay không và những người xung quanh mình có hết mình không. Tôi sống ở TP.HCM lâu năm, con tôi cũng từ cái nôi thể thao TP.HCM làm sao tôi bỏ hoặc xa lánh được.
 

Cùng chứng kiến với nỗi đau và nỗi khổ của bố, Duy Anh và Duy Mỹ hiểu được mặt trái của thể thao đỉnh cao mà cái tâm và tấm lòng nhiều lúc cứ bị tổn thương bởi sự phức tạp của bóng đá trong cảnh tranh tối tranh sáng.

Thế là hai con ông bàn nhau trang bị mọi phương tiện tiếp cận với bóng đá thế giới trong nhà để không phải lẫn với môi trường bóng đá trong nước mà bố gặp nạn. Tự bắt internet, kéo cáp truyền hình, đặt thêm tivi cả ở phòng ăn lẫn phòng khách… để bố ngồi đầu cũng có bóng đá và vơi đi nỗi nhớ lăn vào bóng đá nội.

 
Nhưng tình yêu thì không thể cưỡng và “nhốt” lại được

Biết tính hai con dị ứng chuyện banh bóng, ông Long ít khi nào đem chuyện thời sự bóng đá đỉnh cao ra mạn bàn trong gia đình. Rồi khi có bạn bè, người quen trong giới (mà đa phần bạn của ông Long đều là người thuộc giới bóng đá, vì bản thân ông xuất thân từ đây) có việc cần liên hệ, ông đều mời họ đến nhà, cùng uống trà và bàn chuyện thời sự. Thậm chí các phóng viên có thể ôm laptop đến nhà ông vừa xem bóng đá vừa kết nối wife vừa nghe ông bình và… viết bài. Đấy cũng là cách để ông đỡ nhớ quả bóng tròn – một phần máu thịt trong con người ông, đồng thời cũng để ngầm nói với các con: “Đấy! Bố vẫn chỉ... ngồi nhà tán gẫu bóng đá thôi đấy nhé!”.

*Ông đã đắc cử chức Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn với một chương trình hành động vực bóng đá TP.HCM đi lên từ số âm?

- Tôi ngoài 60 rồi từng lăn lộn với bóng đá rồi. Tôi có một nguyên tắc là làm chứ không nói. Thôi thì cứ chờ vậy, nhưng tôi tin mình không ngồi cái ghế này, ghế nọ để phán. Tôi đá tiền vệ và hy vọng mình sẽ làm bóng tốt để tiền đạo ghi bàn (cười).

*Xin cảm ơn và hy vọng ở cái tuổi ngoài 60 với những nhiệt huyết và kinh nghiệm của mình, ông lại lèo lái con thuyền bóng đá TP.HCM trở lại thời hoàng kim như sự kỳ vọng của bao người dồn hết niềm tin vào lá phiếu cho ông.

Hồi ức trận cầu đầu tiên của bóng đá hai miền Nam – Bắc

Sau ngày thống nhất đất nước, nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành thể thao là giao Tổng cục TDTT tổ chức một chuyến thi đấu giao hữu giữa một đội bóng phía Bắc với các đội miền Nam. Sau khi cân nhắc, Tổng cục TDTT cử đội Tổng cục Đường sắt vừa đoạt chức vô địch công đoàn miền Bắc đại diện cho giai cấp công nhân.

Ông Long nhớ lại hồi đấy ông là HLV trưởng, nhận nhiệm vụ cao cả mà cứ trạng thái. Ông nói: “Thi đấu với tây với tàu chẳng bao giờ trạng thái như nghe giao nhiệm vụ cao cả dẫn đội vào miền Nam thi đấu cứ trạng thái và lo lắng đến mất ngủ…”.

Với nhiệm vụ trọng đại ấy, ông Trần Duy Long dẫn toàn đội Tổng cục Đường Sắt vào Nam, được đặc cách đi máy bay DC 4 động cơ.

Trên đường vào Nam, ông Long dặn dò các cầu thủ khi ấy là lứa Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung, Lê Khắc Chính, Trường Sinh, Hoàng Gia…rằng: “Vấn đề không phải là thắng thua mà là sự ra mắt để khán giả Sài Gòn và người hâm mộ miền Nam hiểu được cầu thủ phía Bắc…”. Trên chuyến đi ấy, ông nghe nhiều cầu thủ của mình lo lắng nói rằng vào Sài Gòn là đất của các cầu thủ kỷ thuật và có những cái tên thật nổi tiếng và ông hiểu họ cũng rất lo cho cuộc ra mắt này không kém gì ông.

Khi Tổng cục Đường sắt và Cảng Sài Gòn ra sân lưu lại thời khắc lịch sử trận đầu tiên của bóng đá hai miền Nam – Bắc sau ngày độc lập nhiều cầu thủ lẫn khán giả không cầm được nước mắt. Khán đài không còn một chỗ trống và thậm chí cây cao quanh sân đều có người trèo lên xem và người tràn hết ra cả đường piste đến độ khi cầu thủ ông Long đá phạt góc, có khán giả còn mò ra sờ bắp đùi để xem cầu thủ miền Bắc có gì khác với cầu thủ miền Nam.

Trận đấu ấy Tổng cục Đường sắt thắng 2-0, nhưng ông Long thì đến giờ vẫn hạnh phúc với không khí ấy bởi theo ông thì đó là trận đấu mà tất cả mọi người có mặt trên sân đều chiến thắng. Sau trận đấu về đến chỗ nghỉ ông hạnh phúc nhận điện thoại từ cấp cao: “Chúc mừng em đã hoàn thành sứ mệnh cao cả trong trận cầu lịch sử đáng nhớ ấy…”.

TRIỆU VÂN (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm