Con gà và quả trứng

06/03/2012 09:50 GMT+7 | Bóng đá Việt

Có người nhẩm tính, nếu giả sử VPF lấy lại được hợp đồng bản quyền truyền hình và bán cho một đối tác như VTV được hơn 20 tỷ đồng/năm thì thực ra, chia đều cho các CLB từ hạng nhất đến V-League thì cũng chỉ có khoảng 500 triệu đồng/CLB, tức là cũng chẳng thấm vào đâu so với mức đầu tư… Cũng như chuyện đổi hay không đổi tên giải. Có người bảo là có nhất thiết phải là Super League hay không khi mà chẳng có cái gì là “super” cả.

Công bằng mà nói, đem chuyện số tiền và cái tên ấy ra cãi nhau thì chắc còn lâu vẫn chưa hết chuyện. Vì thế, rất nhiều người cảm thấy bực bội với những gì VPF đang làm bởi nếu chỉ căn cứ trên con số và cái tên thì VPF chưa đem lại điều gì mới cho bóng đá Việt Nam cả. Trong khi đó, chuyện “tranh cãi” với VFF, AVG đang làm cho hình ảnh bóng đá Việt Nam xấu xí đi.


Tên của giải đấu không quan trọng bằng chất lượng. Ảnh: Hoàng Hùng

Điều đó đúng, nhưng nói như vậy là không trọn vẹn. Hay nói đúng hơn, càng tranh luận thì càng sa đà vào chuyện “con gà và quả trứng”. Những người không ủng hộ VPF thì cho rằng, VPF cứ làm cho tốt đi rồi đổi tên hay định giá BQTH sao cũng được. Tuy nhiên, cũng cần nên nhìn nhận ở góc độ ngược lại.

Cần phải thấy rằng: Những ông bầu đang xây dựng nên VPF không phải là những “tay mơ”, những người “lướt sóng” bóng đá. Họ đã “sống” đến gần 10 năm của quá trình chuyên nghiệp. Họ thấu hiểu thế nào là một nền bóng đá “nghiệp dư hưởng lương cao” dù chính họ là một phần tác nhân. Họ có thể bỏ bóng đá bất kỳ lúc nào (tất nhiên, sẽ có quan điểm cho rằng ai muốn bỏ thì cứ bỏ. Nhưng nói thế thì ai mà chẳng nói được).

Bóng đá Việt Nam sống nhờ túi tiền các ông bầu, lệ thuộc vào họ, điều đó là thực tế chẳng hay ho gì. Nhưng để xảy ra cớ sự như vậy thì đâu phải là lỗi của các ông bầu. Không phủ nhận việc chính các ông bầu đã làm “hư” bóng đá nội địa nhưng phải có người thả nổi việc quản lý thì mới có chuyện tự tung tự tác như vậy chứ!

o0o

Không thể vội vàng kết luận việc thành lập VPF là cái gì đó quá tốt đẹp cho bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, đấy là một sự thay đổi tích cực, là “cơ hội” để bóng đá Việt Nam có thể chuyên nghiệp thực thụ, là “chiếc neo” cuối cùng để giữ việc đầu tư vào bóng đá. Vấn đề không phải có bao nhiêu ông bầu bỏ bóng đá mà quan trọng hơn, nếu những người có kinh nghiệm, có thành công ấy mà bỏ thì liệu còn ai dám nhảy vào hay không? Rất nhiều người vẫn đang muốn đầu tư bóng đá nhưng họ e ngại, tạm đứng quan sát xem VPF hoạt động ra sao mới quyết định. Họ “sợ” phải quay lại cái thời trước khi có VPF. Đấy mới là vấn đề.

Quay trở lại chuyện BQTH và tên giải đấu. Như đã nói ở trên, có thêm vài trăm triệu tiền bản quyền hay gắn chữ “super” vào thì cũng chưa có sự đổi thay đáng kể nào. Tuy nhiên, việc giữ được BQTH đem lại cho VPF một sự chủ động nhất định. Có nó, VPF mới có cơ hội để tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng của các CLB thông qua phân phối thu nhập bản quyền. Đội bóng nào đá hay, đầu tư mạnh có thể kiếm được gấp 5, gấp 10 lần và ngược lại. Đây là điều mà chắc chắn mà nếu còn hợp đồng AVG-VFF thì không thể. BQTH vừa là công cụ để kiếm tiền, vừa là thước đo lường hiệu quả trong hoạt động của VPF. Có BQTH trong tay, đương nhiên chính VPF chịu nhiều áp lực nhất, bị dư luận và cả các CLB soi mói nhiều nhất về khả năng gia tăng giá trị từ bản quyền. Chuyện cái tên “Super League” cũng thế, nó có thể là động lực, là mục tiêu và có thể là tiêu chuẩn làm việc cho VPF.

o0o

Cũng như chuyện “con quà và quả trứng”. Giả sử như sau khi không giữ được BQTH cũng như cái tên Super League, VPF sẽ chán nản mà cũng chẳng điều hành được các giải đấu một cách tốt đẹp. Lúc đó dư luận sẽ bảo rằng VPF cũng chẳng tốt đẹp gì cả. Nhưng bản thân VPF cũng có quyền nói rằng, họ đã mất đi động lực vì không làm chủ được những thứ lẽ ra phải thuộc về mình. Lại sẽ tranh cãi, lại là trò chơi “người tốt-kẻ xấu” và kết quả là bóng đá Việt Nam cũng chẳng tiến bộ được gì cả. Tức là đi một vòng rồi quay về chỗ cũ, VFF sẽ nắm quyền điều hành và VPF tự động đào thải.

Vậy thì tại sao không tạo một cơ hội cho VPF? Họ có thể đúng và có thể sai, có thể thành công hoặc thất bại, nhưng tại sao lại cứ áp đặt hoàn cảnh hiện tại để đánh giá tương lai khi chưa trao cho họ một quyền năng đặc biệt nào đó. Tại sao có chuyện “cho phép đàm phán” nhưng lại yêu cầu “phải tôn trọng hợp đồng AVG-VFF” khi chắc chắn VPF không bao giờ có thể tuân thủ hợp đồng ấy. Đây không phải là lúc để tranh cãi đâu là “con gà” và đâu là “quả trứng” mà là một sự khởi đầu mới mang tên VPF.

Theo SGGP

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm