Chuyện HLV nội muốn “kiêm nhiệm” ở ĐTQG: Tiên trách kỷ…

09/04/2012 14:10 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Với việc 13/14 CLB ở V-League đang sử dụng HLV nội và con số tương tự tại giải hạng Nhất QG, xét về lý thuyết VFF hẳn sẽ không có nhiều khó khăn để tìm ra một danh sách các thầy nội thích hợp làm ứng viên cho chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG. Tuy nhiên, trên thực tế thì sự lựa chọn lại không hề dễ dàng như vậy, mà bằng chứng là việc VFF đang phải xem xét để thầy nội kiêm nhiệm cả chức HLV trưởng ĐTQG cũng như CLB, dù bản thân VFF không hề hào hứng với phương án “2 trong 1” này. (Bạn cũng có thể bình luận về bài viết này trên http://www.facebook.com/baothethaovanhoa)

Nhìn từ các nước láng giềng Đông Nam Á hay rộng ra là châu lục và thế giới, dám chắc không có nền bóng đá nào lại chấp nhận để một HLV vừa dẫn dắt ĐTQG lại vừa huấn luyện ở CLB, bởi như thế sẽ rất dễ mang lại những hệ luỵ khó lường. Ở đâu cũng vậy, làm việc tại ĐTQG được xem là vinh dự và trách nhiệm với bất cứ nhà cầm quân nào, nên một bộ phận không nhỏ sẽ khó tránh khỏi cảm giác gờn gợn khi một số ông thầy nội lại bắn tiếng rằng nếu không được kiêm nhiệm thì sẽ không ai dám lên ĐT.


 Sau mỗi giải đấu thất bại của ĐTQG, người chịu trách nhiệm lớn nhất và phải ra đi bao giờ cũng là những ông thầy ngoại. Ảnh: T.U.V

Tuy nhiên, trước khi trách cứ những ông thầy nội có suy nghĩ như vậy thì cũng cần đặt câu hỏi thẳng thắn rằng từ trước đến giờ, có phải lúc nào các HLV trưởng ĐTQG được đối xử một cách chuyên nghiệp và đúng mức để họ có thể toàn tâm toàn ý cho công việc của mình mà không phải suy nghĩ bất cứ vấn đề ngoài chuyên môn nào khác hay chưa? Hay nói cách khác, các HLV trưởng ĐTQG liệu đã được bảo vệ bằng một cơ chế vững chắc để họ tin tưởng giao phó toàn bộ vận mệnh của mình cho công việc ở ĐTQG?

Câu trả lời hình như là không, bởi ai cũng thấy rằng sau mỗi giải đấu thất bại của ĐTQG, người chịu trách nhiệm lớn nhất và phải ra đi bao giờ cũng là những ông thầy ngoại, còn rất hiếm có trường hợp lãnh đạo VFF tự nguyện từ chức hoặc thay đổi vị trí công tác như là một cách để chịu trách nhiệm về kết quả thi đấu không như mong đợi của ĐTQG.

Các HLV ngoại khi đến với bóng đá VN chủ yếu là để kiếm tiền và họ không gần như không có thêm bất cứ sự ràng buộc nào khác ở đất nước chúng ta, nên việc bị sa thải với họ chưa chắc đã là kịch bản tệ hại nhất, bởi ít ra trong trường hợp ấy họ vẫn còn nhận được tiền đền bù vì hợp đồng bị chấm dứt trước thời hạn.

Còn câu chuyện với các HLV nội lại hoàn toàn khác, vì toàn bộ cuộc sống cũng như gia đình của họ đều ở VN, nên nếu xảy ra bất cứ một sự cố không mong đợi nào thì họ và những người thân thích của mình sẽ phải phơi mình trước áp lực của công chúng. Mà ai cũng biết, sức ép từ dư luận tuy vô hình thật đấy, nhưng hậu quả do nó mang lại thì vô cùng khủng khiếp và rất dễ để nhận thấy.

Ở bóng đá VN xưa nay có một thông lệ rất lạ rằng hễ khi đội bóng thất bại thì HLV trưởng là người phải chịu trách nhiệm lớn nhất và cũng dễ bị “trảm” nhất, nhưng giả sử đội bóng thành công thì ai cũng có công lao, từ cấp quản lý ở cao tít tắp cho tới bộ phận hậu cần ở mãi tận dưới.

Có phải là một nghịch lý không khi ĐTQG đoạt chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008 thì danh sách những người được nhận tiền thưởng lại dài dằng dặc và nghe nói có cả tên của một số nhân vật không phải đổ lấy một giọt mồ hôi trên sân cỏ, còn lúc ĐTQG thất bại ở AFF Suzuki Cup 2010 thì chỉ còn duy nhất một mình HLV Henrique Calisto phải chịu trách nhiệm? Lúc ấy không biết những người đã đứng ra nhận công khi ĐTQG lên ngôi quán quân Đông Nam Á 2 năm về trước đều đi đâu hểt cả?!

Mức lương tháng 200 triệu đồng mà VFF hứa hẹn với các HLV nội xem ra hấp dẫn thật đấy, nhưng giữa một công việc nhận lương 200 triệu đồng/tháng song lúc nào cũng có nguy cơ bị thất nghiệp, với việc chỉ nhận 100 triệu đồng/tháng hoặc ít hơn song mức độ rủi ro lại thấp hơn nhiều, thì con số 200 triệu đồng/tháng vừa kể trên hoá ra cũng không phải long lanh cho lắm.

Đấy còn chưa kể tới việc ông thầy nội khi mất việc ở CLB cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với trường hợp một HLV bị cách chức vì dẫn dắt ĐTQG thi đấu thất bại, bởi lúc ấy có khi HLV nội “xấu số” này lại trở thành tâm điểm chỉ trích của hàng chục triệu người hâm mộ không biết chừng. Vì thế, trước khi buông ra lời trách cứ với số HLV nội muốn được “kiêm nhiệm” mới nhận lời dẫn dắt ĐTQG, có lẽ những người có trách nhiệm nên vắt tay lên trán tự hỏi xem vì sao các ông thầy này lại cùng có suy nghĩ hơi mang màu sắc của sự tính toán thiệt hơn như vậy, trước một vinh dự mà thông thường họ sẽ sẵn sàng vứt bỏ tất cả để nắm lấy.

“VFF ưu tiên HLV chuyên trách cho ĐTQG”

“Từ 15-20/4, Hội đồng HLV QG sẽ lựa chọn sau đó tư vấn lên lãnh đạo VFF để tiến hành việc đàm phán. Tôi biết là trước đây VFF từng không chấp nhận để HLV Calisto kiêm nhiệm cả CLB với ĐTQG. Tình hình hiện nay có nhiều thay đổi. Nhưng phương án ưu tiên đầu tiên của chúng tôi vẫn là chọn được HLV nào chấp nhận chuyên trách công việc của ĐT. Nếu không được thì mới tính đến phương án kiêm nhiệm. Vấn đề này cũng tùy thuộc vào HLV nội thôi. Tùy thuộc vào tình hình thực tế, chúng tôi sẽ chọn cách thức phù hợp. Nhưng như tôi đã nói ở trên, VFF vẫn muốn có HLV kiêm nhiệm. Thực ra chúng tôi cũng hiểu sự lo lắng của các HLV bởi nếu làm không tốt công việc ở ĐTQG mà vị trí ở CLB lại đã do người khác đảm nhiệm sẽ mất việc. Nhưng làm HLV thì ở cấp độ ĐTQG hay CLB đều rủi ro như nhau cả. Anh Tuấn (HLV Lư Đình Tuấn-PV) bạn tôi vừa mất việc ở CLB Sài Gòn FC đấy thôi. Ở VN làm CLB đôi khi còn rủi ro hơn cả ĐTQG”, TTK VFF Ngô Lê Bằng trả lời TT&VH ngày 5/4/2012.


Hoàng Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm