Chuyện bầu Hiển, chuyện ông Calisto

23/09/2012 13:26 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH)- Tháng 3 năm 2011, trả lời phỏng vấn báo chí trong buổi họp báo xác nhận quyết định từ chức HLV trưởng ĐT Việt Nam, HLV Henrique Calisto phát biểu: “Tôi cảm thấy thất vọng và không còn cảm thấy hạnh phúc với công việc huấn luyện, đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc chia tay ĐT Việt Nam”. Tất nhiên, với những người hiểu chuyện, ai cũng biết rằng đằng sau phát biểu của HLV Calisto còn có nhiều sự thật chưa được ông thầy này công khai tiết lộ.

Bóng đá vùng trũng, lương tầm thế giới

Chắc chắn HLV Calisto sẽ không bao giờ nghĩ tới việc từ chức trước thời hạn nếu không có lời mời dành cho ông từ CLB Muang Thong United, bởi mức lương sau khi trừ thuế của HLV Calisto lúc ấy ở ĐT Việt Nam là 22.000 USD/tháng, con số kỷ lục với một chuyên gia nước ngoài của thể thao Việt Nam. Với thu nhập 264.000 USD/năm, khả năng kiếm tiền của HLV Calisto đã tiệm cận với lương năm của rất nhiều ông thầy nổi tiếng tham dự World Cup 2010 được tạp chí Ole của Argentina công bố, chẳng hạn như Oscar Washington Tabárez (Uruguay, 300.000 USD), Vladimir Weiss (Slovakia, 312.000), Reinaldo Rueda (Honduras, 350.000), Matjaz Kek (Slovenia), Gerardo Martino (Paraguay), Rabah Saadane (Algeria) (cùng 360.000 USD).

Thậm chí, ngay cả  HLV trưởng tới từ siêu cường kinh tế số một thế giới như Mỹ, ông Bob Bradley, cũng “chỉ” nhận lương năm là 400.000 USD. Gần Việt Nam hơn Mỹ là Hàn Quốc cũng chỉ trả cho HLV Hun Jung Moo mỗi năm là 600.000 USD, tức là không quá cách biệt so với HLV Calisto, trong khi năng lực của 2 nền bóng đá là rất khác nhau, và điều kiện kinh tế còn chênh lệch hơn nữa.


Bầu Hiển (trái) đang ở tâm trạng giống HLV Calisto năm 2011? Ảnh: VSI

 Rõ ràng nếu không phải vì Muang Thong United đã đề nghị HLV Calisto mức lương nghe nói lên tới 30.000 USD/tháng thì sẽ không bao giờ ông thầy người Bồ Đào Nha nghĩ tới chuyện chia tay ĐT Việt Nam trước thời hạn của hợp đồng, cho dù ông “cảm thấy thất vọng và không còn cảm thấy hạnh phúc” tới mức độ nào. Nhưng lý do tài chính mới chỉ là “điều kiện đủ” để HLV Calisto đi tới quyết định chia tay bóng đá Việt Nam, còn “điều kiện cần” phải là cuộc họp mổ xẻ kinh nghiệm thất bại tại AFF Cup 2010 giữa lãnh đạo VFF, Hội đồng HLV QG với HLV Calisto vào đầu năm 2011.

Tại cuộc gặp này, sau khi cả VFF lẫn HLV Calisto đều không nhận trách nhiệm chủ yếu về thất bại của ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2010, VFF và HLV Calisto đã thống nhất đề ra chỉ tiêu của bóng đá Việt Nam trong năm 2011 là ĐT Olympic Việt Nam phải lọt vào trận chung kết SEA Games 26. Đội Olympic sẽ tham dự vòng loại Olympic London 2012, ĐT Việt Nam tham dự vòng loại World Cup 2014 với cùng mục tiêu là càng tiến vào sâu càng tốt để nâng cấp hình ảnh bóng đá Việt Nam.

Cơ hội của ông Calisto

Là một người đã quá am hiểu bóng đá Việt Nam cũng như bóng đá Đông Nam Á, và lại vừa trải qua 2 kỳ giải khu vực liên tiếp thất bại (SEA Games 2009 và AFF Cup 2010), hẳn là HLV Calisto biết rõ rằng tất cả những nhiệm vụ mà VFF giao cho ông đều không có tính khả thi, đặc biệt là nhiệm vụ “phải lọt vào trận chung kết SEA Games 26”. Bóng đá Việt Nam ở cấp độ CLB sau nhiều năm phụ thuộc thái quá vào ngoại binh và ngoại binh nhập tịch đã khiến không ít tài năng trẻ bị thui chột vì không có cơ hội phát triển, trong khi các nước Đông Nam Á khác như Malaysia, Thái Lan vẫn đầu tư đều đặn và hiệu quả cho bóng đá trẻ, nên nhiệm vụ “phải lọt vào trận chung kết SEA Games 26” với bóng đá Việt Nam chẳng khác nào hái sao trên trời.

Và tất cả các dự đoán của HLV Calisto về bóng đá Việt Nam đều trở thành hiện thực trong năm 2011, khi 2 ĐT Olympic và ĐTQG bị loại sớm ở vòng loại Olympic London 2012 và World Cup 2014, còn ĐT U23 Việt Nam thì trải qua kỳ SEA Games vô cùng tồi tệ trên đất Indonesia, khiến sau đó cả HLV trưởng Falko Goetz lẫn TTK VFF Trần Quốc Tuấn đều bị mất ghế. Dám chắc là nếu HLV Calisto có ở lại Việt Nam cho tới hết nhiệm kỳ thì ông cũng khó lòng làm tốt hơn đồng nghiệp Goetz, bởi lý do đơn giản là lực lượng kế thừa của bóng đá Việt Nam đang gặp vấn đề thực sự, bắt đầu từ SEA Games 2009, khi HLV Calisto phải mất rất nhiều thời gian rèn dũa, gò nắn mới có được đội hình tương đối, tiếp tục ở SEA Games 26 với thất bại nặng nề của ĐT U23 Việt Nam, và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc với những kết quả thất vọng trong thời gian vừa qua của ĐT U22 Việt Nam (tại vòng loại U22 châu Á) và ĐT U19 Việt Nam (giải U19 Đông Nam Á mở rộng).

Phân tích dài dòng như thế để thấy, xét về bản chất, HLV Calisto thực lòng đã muốn chia tay ĐT Việt Nam ngay sau thất bại ở AFF Cup 2010, bởi ông biết rõ chiến tích như AFF Cup 2008 sẽ còn rất lâu nữa mới lặp lại, nhưng vì chưa có một bến đỗ nào tốt hơn nên HLV Calisto mới không ra đi, và ông chỉ đưa ra quyết định chia tay sau khi Muang Thong United đưa ra lời mời, để hội tụ cả “điều kiện cần” lẫn “điều kiện đủ”. Nói một cách khác, cái mà HLV Calisto cần để ra đi là một lý do thích hợp, một thời điểm thích hợp, và VFF cùng Muang Thong United đã trao cho ông cơ hội ấy.

Và cơ hội của bầu Hiển

Từ câu chuyện của HLV Calisto chợt nhớ tới một sự kiện đang làm xôn xao bóng đá Việt Nam hiện tại bỗng thấy sao mà giống nhau quá mức. Đấy là việc bầu Hiển tuyên bố có thể rút lui khỏi bóng đá, và tuy ông bầu này không giải thích nguyên nhân cụ thể, nhưng ai cũng đoán được rằng tuyên bố này được bầu Hiển tung ra như là đòn nắn gân với VFF và VPF, khi 2 đơn vị này đang tìm cách kết thúc tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng” ở V-League, mà 2 đội bóng của bầu Hiển, HN.T&T và SHB.ĐN, là những nhân vật chính.

Với cách chi tiền của bầu Hiển trong mấy năm làm bóng đá vừa qua (mỗi năm khoảng trên dưới 200 tỷ đồng cho 4 đội bóng), không ai là không choáng váng, mà như người ta vẫn nói: “Miệng ăn núi lở”, bầu Hiển có giàu đến mấy thì cũng có lúc phải xem xét lại việc rót tiền cho bóng đá của mình, nhất là trong bối cảnh những lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của bầu Hiển như tài chính ngân hàng, bất động sản đều đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ khó khăn hiện tại của nền kinh tế.

Trong khi đó, với những chiến tích mà HN.T&T và SHB.ĐN giành được trên sân cỏ Việt Nam từ năm 2009 tới giờ, bầu Hiển xem như đã có đủ bộ sưu tập danh hiệu, từ V-League cho tới Cúp QG và Siêu Cúp QG, nên nếu bảo ông không còn động lực hay động cơ để tiếp tục với bóng đá Việt Nam hẳn cũng không phải quá lời.

Bởi vậy, người ta có quyền đặt câu hỏi rằng phải chăng bầu Hiển cũng đang ở hoàn cảnh như HLV Calisto vào đầu năm 2011, khi tâm ý chia tay bóng đá của ông bầu này có thể đã rõ như ban ngày, nhưng ông vẫn đang chờ đợi một cơ hội thích hợp, một thời điểm thích hợp để đưa ra tuyên bố “giã từ vũ khí”, bởi dẫu sao lâu nay bầu Hiển vẫn có tiếng là ông bầu chịu chơi, chịu chi bậc nhất của bóng đá Việt Nam, thế mà bây giờ tự nhiên lại lấy lý do kinh tế khó khăn để chia tay bóng đá thì cũng hơi kỳ lạ. Do đó, quyết tâm xử lý dứt điểm tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng” của “liên danh” VFF-VPF trước khi mùa giải 2013 khởi tranh có thể sẽ gián tiếp giúp bầu Hiển “gãi trúng chỗ ngứa”.

Có thể bầu Hiển sẽ không dứt áo ra đi thẳng thừng như HLV Calisto, bởi HLV Calisto là người ngoại quốc nên nói một câu đi là có thể đi ngay, còn bầu Hiển lại có rất nhiều trách nhiệm và ràng buộc nên không thể hành xử theo kiểu “nhất đao đứt đoạn”. Vả lại, bầu Hiển cũng là người có đam mê thực sự với bóng đá, nên chưa chắc ông bầu này sẽ lập tức chia tay, mà có thể rút lui một cách từ từ và có tính toán. Cho dù thế nào đi chăng nữa sang mùa bóng năm sau, số lượng đội bóng được cho là thuộc sở hữu của bầu Hiển nhiều khả năng sẽ có sự thay đổi, và vai trò của VFF cũng như VPF có thể chỉ được xem là cái cớ để thúc đẩy quá trình thêm nhanh chóng mà thôi.

Hoàng Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm