Chân dung Chủ tịch VFF khoá VII

30/03/2013 05:45 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Đã có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh danh sách đề cử ứng cử viên cho vị trí Chủ tịch VFF khóa VII.

Tại sao Chủ tịch VFF nên là doanh nhân?

Chuyên gia Đoàn Minh Xương: “Chủ tịch VFF phải là người giàu” 


VFF là một tổ chức xã hội. Điều hạn chế của VFF nhiều năm qua là không xã hội hóa triệt để được bóng đá. Tình hình chung của thể thao Việt Nam cũng là như thế. Vậy nên, nó dẫn đến sự trì trệ.

Bóng đá nếu huy động được sự đóng góp của toàn xã hội thì sẽ tạo ra một nguồn lực dồi dào để nó phát triển. Và muốn tập hợp được sức mạnh của xã hội thì VFF phải xã hội hóa một cách triệt để, thay vì xã hội chỉ là cánh tay nối dài như trước đây.

Lâu nay, lãnh đạo VFF là công chức được biệt phái qua giữ chức. Trong danh sách 44 người ứng cử là Ủy viên của Ban Chấp hành VFF khoá VII, tôi thấy toàn là công chức cả. Vấn đề này phải được xem xét lại. Trước đây cũng thế, bóng đá Việt Nam mới trì trệ như ngày hôm nay.

Tôi nghĩ không nên duy trì cách làm kiểu lối mòn đó. Lãnh đạo VFF tương lai theo quan điểm của tôi phải là người giàu. Chúng ta nên chọn một người có uy tín xã hội và có nhiều tiền.

Họ sẽ dùng uy tín, quan hệ xã hội của họ để kêu gọi doanh nghiệp hay đối tác làm ăn với họ để ủng hộ, góp công của xây dựng bóng đá Việt Nam. Hãy để ý trên thế giới, Chủ tịch LĐBĐ của các nước có rất nhiều người như thế. Không đâu xa, Chủ tịch LĐBĐ Malaysia là Hoàng thân, còn Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan là một tỷ phú… Họ thừa tiền để giúp sức cho bóng đá Việt Nam.

Ví dụ ngay trước mắt là ông Lê Hùng Dũng. Nếu ông Dũng không là Phó Chủ tịch VFF thì làm sao kéo được Eximbank về tài trợ cho bóng đá Việt Nam.   

Về người lãnh đạo có chuyên môn, đó cũng là một điều tốt. Nhưng vẫn không quan trọng bằng Chủ tịch VFF là người có nhiều tiền.

Tuy nhiên như thế không phải là cứ phó mặc tất cả cho người đó. Các cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm đứng ngoài hỗ trợ người ta. Bóng đá Việt Nam muốn phát triển được thì phải tận dụng được nguồn lực của toàn xã hội.

Tại sao Chủ tịch VFF nên là nhà chuyên môn?

HLV Nguyễn Thành Vinh: “Cần chọn người làm công tác chuyên môn”


Người tài cho bóng đá Việt Nam tôi nghĩ sẽ không thiếu nhưng có thể vì lý do bận chuyên môn công tác hiện nay nên không nhận lời làm Chủ tịch VFF. Thực chất ra thì có thể nói, người nào theo sát bóng đá thì nên bầu họ.

Họ có thời gian hoạt động ở VFF, nắm bắt được công việc tốt hơn là những người mới, khó khăn khi sẽ phải mày mò, tạo ra nền tảng mới có thể làm tốt được. Thời điểm này, bóng đá Việt Nam thực sự cần những người am hiểu về chuyên môn. Anh có thể có tiềm năng quản lý, kinh tế mạnh nhưng không am hiểu chuyên môn thì khó mà làm tốt được.

Vừa rồi, bóng đá Việt Nam đổ tiền đổ của rất nhiều nhưng chưa xây dựng được bóng đá chuyên nghiệp thực sự, còn mắc mớ nhiều thứ từ quy định, điều lệ, cách thức tổ chức…. Thế nên, tìm lãnh đạo VFF thời điểm này tôi nghĩ cần chọn người làm công tác chuyên môn, hiểu biết sâu rộng bóng đá, làm được việc vì như thế người ta sẽ cải tổ được tổ chức, có những định hướng lâu dài. Những người quy tụ được quần chúng cùng các nhà chuyên môn, nhận được sự ủng hộ thì nên chọn họ.

Ngoài ra, Chủ tịch VFF nên là người hội tụ đủ đức và tài. Người ta làm việc vì cái tâm, mong muốn cống hiến cho bóng đá Việt Nam chứ không phải vào VFF vì lợi ích cá nhân. Đó cũng phải là người tài, am hiểu chuyên môn.

Tất nhiên, nếu người đó có tiềm năng kinh tế thì cực tốt nhưng nếu là người có khả năng quản lý thì vẫn thu hút được các cộng sự, bộ máy tham mưu giỏi. Anh không thể làm tất cả mọi việc mà cần dựa vào bộ máy tham mưu, hỗ trợ cho mình trong công việc.

Chủ tịch VFF: Nhà chuyên môn, doanh nhân và hơn thế nữa?

Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM Trần Anh Tú: “Nhất thiết phải vì tình yêu bóng đá Việt Nam”


Một ứng cử viên cho chức vụ Chủ tịch VFF, tôi nghĩ phải đáp ứng những tiêu chí sau. Thứ nhất, phải phù hợp với cơ chế xã hội Việt Nam. Hệ thống chính trị của chúng ta đòi hỏi phải có những người như thế nào để đáp ứng nhiệm vụ đó. Thứ hai, phải có am hiểu về bóng đá Việt Nam, phải có tình yêu thật sự với môn thể thao này.

Là người làm bóng đá, tôi nhận thấy môn thể thao này mất nhiều hơn là được. Anh có thể không có chuyên môn nhiều nhưng bắt buộc phải có tình yêu. Có tiêu chí này, anh ta mới có thể dám lăn lộn, xả thân để cống hiến cho cái chung. Làm bóng đá mất rất nhiều thời gian, nên phải hy sinh và đánh đổi rất nhiều.

Tiêu chí thứ ba, tôi nghĩ Chủ tịch VFF tương lai phải có uy tín trong xã hội. Nếu tiếng nói của người đó có trọng lượng, quan hệ của anh ta hẳn sẽ giải quyết được khối vấn đề. Cuối cùng, Chủ tịch VFF phải biết kiếm tiền. Tôi không nghĩ những người có sẵn tiền, làm ra nhiều tiền có thể giúp bóng đá Việt Nam tốt lên.

Nếu tiền của họ sử dụng không đúng mục đích thì dễ gây ra hiệu ứng tiêu cực. Nếu không có tình yêu thì dễ đi đến phá VFF. Tôi nghĩ kiếm tiền ở đây là người có tiếng nói trong xã hội, tranh thủ sự ủng hộ của các nguồn lực trong xã hội để làm lợi cho VFF.

HLV trưởng K.KG Lai Hồng Vân: “Chỉ tịch VFF phải có tầm nhìn”


Chủ tịch VFF cần rất nhiều điều kiện để có thể chèo lái môn thể thao được ưa chuộng nhất Việt Nam là bóng đá. Chủ tịch VFF phải đề ra được những kế hoạch cho tương lai của bóng đá Việt Nam. Ông ấy phải là người điều hành giỏi, nhìn xa trông rộng.

Tôi đề cao những người có kinh nghiệm từng trải ở môn thể thao này. Nếu có những trải nghiệm lâu năm, ông ấy sẽ vận hành bộ máy cồng kềnh của mình tốt đẹp. Chủ tịch VFF phải là người có tiếng nói trong xã hội để vận động toàn xã hội chung sức xây dựng nền bóng đá Việt Nam đi lên.

HLV Trần Văn Phúc “Chủ tịch VFF phải có vị thế”


Bây giờ tôi nói rất thật, nếu như nước ngoài, Chủ tịch LĐBĐ thường là các cựu cầu thủ và có cả nền tảng kinh tế vững chắc nữa, nhưng Việt Nam chúng ta có những đặc thù riêng, phụ thuộc nhiều thứ.

Tôi thấy, Chủ tịch VFF quan trọng nhất vẫn phải là người có vị thế chính trị. Mình không phụ thuộc nước ngoài đâu nhưng Chủ tịch VFF cần phải như thế. Ông Hỷ trước đây không phải là người có chuyên môn bóng đá nhưng thời điểm đó đang là Thứ trưởng, từ Ủy ban TDTT (cũ) đưa sang làm Chủ tịch VFF. Bây giờ có lẽ cũng vậy thôi.

Nhưng nhìn vào danh sách đề cử tôi thấy ngạc nhiên vì có nhiều người đưa vào cho đủ thôi chứ đời nào người ta bỏ công việc hiện nay để đi làm bóng đá cho mình.  Tôn trọng người ta rồi đưa vào danh sách đề cử cũng tốt nhưng phải tìm hiểu xem nguyện vọng người ta như thế nào.

Thôi thì đành trông vào mấy ông như Lê Hùng Dũng, Phạm Văn Tuấn… Mình phải chấp nhận. Cái quan trọng là sau khi ngồi vào ghế Chủ tịch thì ông làm việc như thế nào, đóng góp được gì cho bóng đá Việt Nam. Tôi nghĩ rất khó đấy.

Anh Tuấn (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Phó Chủ tịch VFF-PV) trong những lần xuống Hải Phòng đã từng nói chuyện với tôi nhiều lần và tôi nhận thấy đây là một người có nhiều ý tưởng lớn, từng là cầu thủ phong trào. Trong tình hình bóng đá Việt Nam hiện nay tôi nghĩ, mình có lẽ cũng phải chấp nhận quan chức chuyển sang lãnh đạo VFF, nhưng cái chính là người ta phải “máu me”, nhiệt huyết với bóng đá nước nhà.

Việt Hoà-Thành Đạt (ghi)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm