'Các tờ báo và những người làm báo phải thay đổi quyết liệt'

21/06/2017 10:49 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - “Cùng với số đầu báo thể thao ngày càng co lại do khó khăn, thì việc các phóng viên giỏi phải xoay xở những công việc khác để kiếm sống cũng là điều hết sưc đau lòng. Lỗi không phải ở anh em, cũng chả phải của lãnh đạo báo, bởi ai cũng biết công nghệ phát triển từng ngày từng giờ như thế nào. Tôi vẫn mong ước một ngày nào đó các phóng viên thể thao sẽ sống khoẻ bằng nghề…”.

BLV Quang Huy mở lòng với Thể thao & Văn hóa, trong phần đầu buổi đối thoại với chúng tôi, cùng cây bút thể thao lão làng Nguyễn Nguyên, về chuyện đời, chuyện nghề…

* Trước hết, hãy bắt đầu bằng “đối tượng công việc” của chúng ta, với bóng đá Việt Nam các cấp độ ĐTQG, cũng như các giải đấu, vẫn mang quá nhiều tồn tại, nhưng lại ít kiến giải, thưa các anh?

- Nhà báo Nguyễn Nguyên : Nếu bóng đá trẻ là những gặt hái từ nền tảng các CLB thì đội tuyển và những giải đấu đang tồn tại lại có quá nhiều tồn đọng.

Chú thích ảnh
Nhà báo Nguyễn Nguyên

Nền tảng của đội tuyển là các CLB, là giải V-League nhưng ở giải đấu cao nhất này lại bị chi phối nhiều thứ. Nhiều đội không tin vào cách điều hành công minh, không tin vào đội ngũ trọng tài không hẳn vì những sai số trên sân mà vì những gì ám vào đầu họ trong những mối quan hệ chằng chịt không phản ánh đúng chất chuyên nghiệp. Trọng tài muốn làm đúng nhưng cứ phải nhìn vào mối quan hệ của “cấp trên”. Đội bóng muốn đá trung thực nhưng lại thấy có đội họ có thành tích cao vì biết “yêu đúng người”…

Xét cho cùng thì cái giải V-League đấy cũng giống với chuyện giao thông ngoài đường nhiều khi đi đúng luật lại thiệt thòi. Hay ở những cơ sở đào tạo lái xe họ vẫn dạy những “chiêu” không có trong sách giáo khoa để ứng xử với những tình huống vi phạm hoặc chưa vi phạm đa bị cấu thành lỗi. Khó có thể đòi hỏi đội tuyển hay đội U22 mạnh khi dựa vào một giải đấu hàng đầu như thế cũng như khó có thể đòi hỏi ngay bóng đá phải ngay hàng thẳng lối…

- BLV Quang Huy:  Mọi người không phải không có lý khi cho rằng bóng đá Việt Nam mất khán giả, bởi các giải đấu và thậm chí cả các cấp độ ĐTQG luôn mang lại cảm giác thật giả lẫn lộn, một mất mười ngờ.

Nhưng với tôi bóng đá cũng chỉ là tấm gương phản ánh xã hội mà thôi. Cá nhân tôi rất vui khi gần đây chế độ đãi ngộ cho các vận động viên ngoài bóng đá được cải thiện rõ rệt. Còn vui hơn nữa khi Thể thao Việt Nam đã mạnh đều ở các môn cơ bản chứ không chỉ "đi tắt đón đầu" như trước đây. Những tín hiệu tích cực bắt đầu đến từ ASIAD Quảng Châu 2010 và đỉnh điểm là tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016..., mang lại những đôi chút lạc quan cho nền thể thao nước nhà.

* Nếu thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá Việt Nam nói chung, vẫn đì đẹt, cùng với thời đại công nghệ lên ngôi, nó có thể là “dấu chấm hết” cho các tờ báo in thể thao chuyên ngành không? Công việc của cánh phóng viên thể thao hẳn cũng khó khăn theo?

- Nhà báo Nguyễn Nguyên: Thời đại công nghệ lên ngôi thì càng có nhiều “nhà báo”. Những khán giả bây giờ ngoài việc thưởng thức, yêu, ghét còn được quyền thể hiện quan điểm của mình. Điều này cũng đòi hỏi những nhà báo phải thật sự là nhà báo. Ở các nước tiên tiến nhiều tờ báo in tiếng tăm đã “khai tử” để chuyển sang công nghệ mới phù hợp hơn chứ không nhất thiết là báo thể thao. 25-27 năm trước, tôi từng hồi hộp chờ bài báo của mình phát hành ở những điểm nóng bóng đá như phố Ngô Gia Tự, Đà Nẵng hay Trịnh Hoài Đức, Hà Nội… rồi thích thú nghe các fan bình luận trên những thông tin nóng sốt của tờ báo.

Bây giờ thì trong và sau trận đấu hay những sự kiện lớn, có những người hâm mộ còn nhanh hơn cả phóng viên và siêu hơn cả phóng viên. Điều đấy đòi hỏi những tờ báo, những người làm báo phải thay đổi. Và trong sự thay đổi đấy nó cũng nguy hiểm như bóng đá ở chỗ đôi lúc người ta chạy theo view mà đánh mất cả quan điểm hay để cái yêu, ghét ảnh hưởng đến sự thật…

- BLV Quang Huy: Cũng phải nói 1 chút về nghề phóng viên thể thao. Là người làm nghề, tôi luôn cảm thấy có gì đó cấn cá khi người hâm mộ dành quá nhiều sự quan tâm cho bóng đá quốc tế. Không chỉ người xem mà trên thực tế số lượng phóng viên, bình luận viên nắm chắc cả trong nước lẫn quốc tế ngày càng hiếm hoi. Từng có giai đoạn tồn tại gần 2 chục đầu báo thể thao nhưng đến bây giờ chỉ còn vài ba tờ trong tình trạng khó khăn vô cùng. Bên cạnh sự lấn lướt của mạng xã hội và các trang điện tử thì theo tôi có 1 nguyên nhân không nhỏ là Việt Nam chưa phải là 1 cường quốc thể thao. Cho dù đã có HCV Olympic nhưng chúng ta vẫn chưa có 1 nền thể thao vững mạnh vơi những vận động viên mang tính biểu tượng.

Chú thích ảnh
BLV Quang Huy
FIFA lưu luyến U20 Việt Nam, BLV Quang Huy hết lời khen ngợi thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn

FIFA lưu luyến U20 Việt Nam, BLV Quang Huy hết lời khen ngợi thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn

FIFA lưu luyến U20 Việt Nam, BLV Quang Huy hết lời khen ngợi đội tuyển là những thông tin chính bóng đá Việt ngày 30/5.

Cũng bởi nguyên nhân này mà các kênh truyền hình thể thao lâu nay vẫn phải tồn tại nhờ bóng đá quốc tế trong khi giá bản quyền ngày càng tăng. Trên thực tế các kênh thể thao chuyên biệt có được bản quyền quốc tế là nhờ kinh phí trích ra từ thuê bao của Pay TV chứ không thể tự tồn tại. Các trang báo và kênh truyền hình thể thao sẽ dành phần lớn cho thể thao nước nhà. Như thế mới thât sự là niềm vui lớn cho những người làm thể thao nhưng để được như vậy nhất định Việt Nam phải trở thành cường quốc thể thao.

“Tôi vào nghề năm 1995 và thật trùng hợp, đó cũng là thời điểm bóng đá Việt Nam bắt đầu cất cánh. SEA Games 18 không chỉ là bước ngoặt với các vận động viên mà còn với cả cánh phóng viên chúng tôi. Thể thao Việt Nam bắt đầu được xã hội quan tâm dẫn đến sự nở rộ của các trang viết và cả những đầu báo thể thao. VTV3 ra đời ngày 1/4/1996 giúp khán giả cả nước lần đầu tiên sau nhiều năm có dịp theo dõi các trận đấu tại giải vô địch bóng đá quốc gia, cùng với đó là hàng loạt giải đấu của những môn thể thao phổ biến có dịp lên sóng phục vụ khán giả. Rất nhiều chàng trai, cô gái thế hệ 7x và 8x trước đây có thêm 1 thú vui bên cạnh những đam mê của tuổi trẻ đó là xem thể thao trên truyền hình”,  BLV Quang Huy.

“Vé dự FIFA U20 World Cup 2017 là cả một quá trình và nỗ lực của từng thành viên trong đội, đặc biệt là Ban Huấn luyện. Tuy nhiên điểm nhấn của lứa cầu thủ đấy là nền tảng đào tạo từ các CLB những năm gần đây đã chú trọng với việc đào tạo tuyến trẻ một cách căn cơ và bài bản như Viettel, PVF, Hà Nội, Hoàng Anh Gia Lai… Bên cạnh đó cũng nên công bằng nhìn nhận thành công đấy được cộng hưởng cả yếu tố may mắn trong đấy nữa.

Nói thế để chúng ta vui với tiềm năng của bóng đá Việt Nam nhưng đừng quá ngộ nhận về chính mình. Hiểu đúng bản chất của mình và tiếp tục phát huy tiếp tục duy trì đặc biệt là sức sống từ những lò đào tạo của các CLB thì chúng ta sẽ gặt hái nhiều hơn chứ không nổi phình lên kiểu U16 Việt Nam năm 2000 rồi sau đó thui chột sớm cả về chuyên môn lẫn công tác giáo dục và dưỡng dục”, nhà báo Nguyễn Nguyên

Tùy Phong (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm