Các ông bầu “dọa” bỏ bóng đá: Trách nhiệm của VFF ở đâu?

03/03/2012 19:01 GMT+7 | Bóng đá Việt

Cho đến nay, lãnh đạo VPF vẫn chưa có thêm phản ứng sau khi có trả lời chính thức về bản quyền truyền hình từ AVG. Tuy nhiên, có thể thấy việc VPF cần làm là thuyết phục VFF đàm phán hợp đồng với AVG, đơn vị cho đến nay vẫn hoàn toàn đúng luật trong việc mua bản quyền truyền hình. Rất tiếc là VFF vẫn thụ động trong suốt thời gian qua.

Ai cũng có lý

Với bản chất là các doanh nghiệp, VPF và AVG đều có những lý do để muốn sở hữu bản quyền truyền hình (BQTH), một trong những nguồn thu quan trọng của bóng đá. Nguồn gốc dẫn đến tranh chấp nằm ở số tiền cũng như thời hạn hợp đồng. Tuy nhiên, AVG không thể là đối tượng để VPF “chỉ trích” bởi họ chỉ là bên mua, quan trọng chính là ở nơi bán cho họ những lợi ích đó, tức là VFF.

Bản thân VFF cũng có cách lý giải của mình. Hơn bất kỳ liên đoàn thể thao nào, chính VFF lại là nơi gần như duy nhất có thể thu tiền từ truyền hình. Cho đến thời điểm này, từ các môn có lượng khán giả đông như bóng chuyền, quần vợt, cầu lông đến những môn ít được quảng bá trên truyền hình như bơi, điền kinh… đều phải chi tiền cho truyền hình chứ chẳng thể nhận lại được một xu.


Bóng đá có một sức hút đặc biệt và đang phát triển rất nhanh. Ảnh: LÊ VINH

Một quan chức của LĐ bóng chuyền TPHCM than thở: “Rất muốn tổ chức một giải đấu quốc tế tại TPHCM nhưng nếu không làm việc được với đài truyền hình thì chẳng tìm đâu ra tài chính mà tổ chức”.

Ngay giải bóng chuyền quốc tế Bình Điền vừa được tổ chức tại Hậu Giang, nếu đơn vị chủ giải không có sự liên kết với VTV thông qua việc cho nhà đài này đứng chung thương hiệu ở đội VTV Bình Điền Long An thì cũng khó lòng được lên sóng. Ngay như chính các giải của đài HTV như Cúp Truyền hình hay giải Judo quốc tế TPHCM mà cũng vất vả tìm nguồn tài trợ thì đừng nói gì đến những môn thi đấu không có được sóng. Bất kỳ giải đấu nào muốn tổ chức, câu hỏi đầu tiên là có sóng hay không sóng truyền hình.

Nói như vậy để thấy, trong chừng mực nào đó, việc VFF thu được tiền từ AVG với giá hơn 6 tỷ đồng/năm là cả một “cuộc cách mạng” ở thời điểm mà họ ký hợp đồng.

Cần có trách nhiệm hơn

Tuy nhiên, cũng cần phải thấy là VFF đang quản lý một môn thể thao đặc biệt có ưu thế để được quyền đàm phán với các đài truyền hình. Bóng đá là môn thể thao số 1, chiếm vị trí độc tôn và bất kỳ đài truyền hình nào muốn phong phú cho chương trình của mình đều phải cố gắng có được quyền phát sóng bóng đá. Với ưu thế đó, VFF không thể “tự mãn” để cho rằng mình làm tốt hơn các môn khác rồi muốn bán ra sao thì bán. Đây là vấn đề cốt lõi mà các ông bầu tại VPF bức xúc tranh đấu cho bằng được. Nói đúng hơn, khi các môn khác phải đi “xin” sóng thì bóng đá có quyền đòi hỏi cao hơn từ các nhà đài. Cái cần ở tầm nhìn của các nhà quản lý VFF là chỗ này.

Thời hạn 20 năm mà VFF bán cho AVG không sai luật nhưng lại thiếu tính thực tế. Trong vòng 10 năm qua, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam phát triển rất nhanh. Từ mức đầu tư 30-40 tỷ đồng/mùa đã lên đến ngót 100 tỷ đồng. Từ 1-2 doanh nghiệp đi đầu như HA.GL hay ĐT.LA, nay đã có hơn 20 doanh nghiệp và thương hiệu nội địa nhảy vào đầu tư bóng đá. Với tốc độ đó, 10 năm tới, 20 năm tới bóng đá chuyên nghiệp sẽ phát triển đến đâu, lẽ ra VFF phải đánh giá được điều này trước khi bán cho AVG đến 20 năm với mức tăng lũy tiến khá nhỏ.

Ở thời điểm ký hợp đồng, VFF chủ yếu là xin chủ trương từ các cấp quản lý về mặt luật nhưng lại chưa hề tham khảo các doanh nghiệp đang đầu tư bóng đá và cũng là những người làm ra cũng như thụ hưởng trực tiếp nguồn lợi truyền hình.

Cũng cần phải lưu ý, Ban chấp hành của VFF đồng ý 100% việc ký kết với AVG nhưng chỉ có 30% thành viên Ban chấp hành là người của các CLB. Thậm chí, trong thường trực VFF, nơi quyết định việc ký kết, chỉ có mỗi Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng là doanh nhân, chiếm chưa tới 20%. Là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp, trong một hợp đồng có tính chất xã hội như vậy nhưng mức độ đóng góp của các nguồn lực ấy vào quyết định quan trọng trên là rất hạn chế.

Đây không phải là lúc tranh cãi về tính pháp lý của hợp đồng. Cũng không thể yêu cầu một đơn vị kinh doanh như AVG phải “nhún nhường”. Tuy nhiên, VFF rất cần lắng nghe lý lẽ của VPF chứ không thể cứ nhất nhất bảo vệ cho quyết định trước đây của mình trong khi hoàn cảnh khách quan có nhiều thay đổi. Xem xét, đàm phán và điều chỉnh hợp đồng lúc này là rất khó khăn nhưng muộn vẫn còn hơn không.

Theo SGGP

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm