Các HLV tránh nói vấn đề "nhạy cảm"

18/07/2012 07:20 GMT+7 | V-League

(TT&VH)- Hôm qua, khi TT&VH liên lạc với một số HLV và chuyên gia để lắng nghe ý kiến của họ về việc những ông bầu đang điều hành VPF có đội bóng dự giải chuyên nghiệp không nên tiếp tục giữ trọng trách này (phát biểu của Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng trên TT&VH số ra ngày hôm qua), thì phần lớn đều bày tỏ thái độ e ngại và không dám lên tiếng vì chủ đề “quá nhạy cảm”, đặc biệt là với HLV của các đội bóng vẫn trong vòng tranh chấp trụ hạng.

Những HLV này lo lắng như thế cũng phải, bởi V-League 2012 dưới sự điều hành của VPF mới chỉ cho thấy sự tiến bộ về khả năng kiếm tiền (nghe nói thu được 100 tỷ đồng nhờ bán bản quyền truyền hình trong vòng 3 năm), còn những tồn tại đã trở thành vấn nạn của V-League như “cầu thủ đá bạo lực, trọng tài mắc sai sót…, rồi chuyện nhường điểm giữa các CLB” vẫn chưa có gì thay đổi, nếu không muốn nói là chẳng khác gì các mùa bóng trước.

Trong khi đó, 5 vòng đấu còn lại của V-League 2012 hứa hẹn rất nhiều diễn biến phức tạp khó lường, mà trận SG.XT-K.KH trên sân Thống Nhất ở vòng 21 V-League 2012 vừa qua đã bị dư luận chỉ mặt đặt tên, nhưng đến giờ này vẫn thấy BTC và VPF hoàn toàn im lặng. Có thể một số ý kiến cho rằng dư luận và một bộ phận giới truyền thông đã quá khắt khe khi cho rằng trận đấu SG.XT-K.KH “có mùi”, nhưng biết giải thích thế nào khi một nhà cầm quân chuyên nghiệp và dày dạn kinh nghiệm như HLV Lai Hồng Vân thẳng thắn nói rằng ông đã rất bức xúc khi trực tiếp theo dõi trận đấu SG.XT?



Trận đấu giữa SG.XT (trái) và K.KH tại vòng 21 khiến dư luận nghi ngờ. Ảnh: Kim Ngọc

Cái danh xưng “Vua trụ hạng” của K.KH không phải tự nhiên mà có, và những đội bóng thuộc dạng “nhà nghèo”, “thân cô thế cô” như K.KG hay TĐCS.ĐT hoàn toàn có lý do để lo ngại trong trường hợp phải cạnh tranh suất trụ hạng cùng với K.KH. Nếu sòng phẳng so đọ bằng chuyên môn thuần tuý thì chưa biết CLB nào trong số các đội bóng K.KG, TĐCS.ĐT, K.KH hay CLB BĐ Hà Nội sẽ phải cùng với V.HP dắt tay nhau xuống chơi ở giải hạng Nhất năm sau, nhưng trong cuộc chiến chạy trốn tiếng gọi của tử thần này, chuyên môn nhiều khi chưa phải là yếu tố có tính chất quyết định.

Trước khi VPF xuất hiện, ĐT.LA từng được coi là biểu tượng cho cái gọi là bóng đá trong sạch ở V-League, nhưng rồi ở mùa giải năm ngoái, danh tiếng ấy của ĐT.LA đã không còn sau một số trận đấu có kết quả đúng phóc với dự đoán trước giờ bóng lăn cùng TĐCS.ĐT. Năm nay không ai dám chắc những trận đấu “kỳ lạ” như thế sẽ không tái diễn, đặc biệt là khi mùa bóng đang bước vào giai đoạn nước rút, và nếu ai cho rằng V-League mùa này đã “sạch” hoàn toàn thì hãy mở lại các trang báo thể thao viết về trận SG.XT-K.KH cuối tuần vừa qua sẽ rõ.

Trong thời điểm nền kinh tế đang gặp phải nhiều khó khăn như hiện tại, để nuôi một đội bóng tham dự V-League sẽ tiêu tốn của các ông bầu hàng chục tỷ đồng, nhưng con số này còn phải nhân lên gấp mấy lần, nếu chẳng may có đội bóng nào đó rớt hạng và tìm cách trở lại V-League ngay ở mùa bóng năm sau. Phải chăng vì thế mà đến thời điểm này của mùa giải vẫn chưa có ông bầu nào lớn tiếng tuyên bố sẽ cam kết tuân thủ bảo đảm “chơi sạch” bằng mọi giá, sẵn sàng chấp nhận để đội bóng của mình xuống chơi ở giải hạng Nhất mùa giải năm sau nếu thực lực chỉ có như thế?

Tuy nhiên, kịch bản này có lẽ chỉ nằm trong tưởng tượng, bởi giả sử có ông bầu nào đủ dũng cảm để phát biểu như vậy, thì hẳn giờ đây HLV của các đội bóng nhà nghèo như K.KG hay TĐCS.ĐT không phải lo lắng đến phát sốt, tới mức có người còn chẳng dám lên tiếng về chuyện ông bầu và VPF vì sợ “tên bay đạn lạc”. Thế thì đoạn cuối của V-League mùa bóng năm nay sẽ còn nóng bỏng và phức tạp lắm lắm!

Mai An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm