Cà phê Thể thao: 35 tỉ và chuyện không xây nổi cái toilet tử tế

29/04/2015 09:00 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Khách của ông chủ quán cà phê hôm nay là một cổ động viên bóng đá thứ thiệt. Ông vào uống cà phê với một cục gạch nom như đồ cổ cất trong balô.

+ Ông chủ quán: Tại sao ông lại cầm cục gạch?

- Cổ động viên: Tôi xin mãi mới được đấy. Nó là một kỷ vật của sân Lạch Tray. Trong quá trình làm lại mặt cỏ ở đây, người ta thu được rất nhiều gạch.

+ Của CĐV ném xuống?

-Không. Tôi chưa thấy CĐV đất Cảng ném gạch ngói xuống sân bao giờ. Ngày xưa ném dép thì có. Chai nước cũng có. Mũ cũng có.



Sân Lạch Tray trước khi được cải tạo, nâng cấp lầy như mặt ruộng khi trời mưa

+Thế thì ông lấy làm gì?

-Tôi lấy làm kỷ niệm. Người ta bảo nó là một trong số những cục gạch nằm ở ngay rìa vòng cấm địa, chỉ nhô lên một chút và phần nhô lên khá nhẵn vì các cầu thủ chạy qua lại. Nó chính là “người” đã giúp cho nhiều cầu thủ làm nên những siêu phẩm bàn thắng, nhất là những cú sút nửa nảy.

+Tại sao lại thế. Một cục gạch thì có thể nào lại làm cái công việc kiến tạo được?

-Thì anh hãy tưởng tượng xem. Một cú nhả ngược ra từ đồng đội bóng đi sệt nhưng đột nhiên chạm vào mô gạch nảy lên và cầu thủ thoải mái duỗi mu bàn chân. Thế là bóng đi như kẻ chỉ.

+Tôi có thấy một bàn thắng kiểu đó ở trận SLNA chọc thủng lưới HA Gia Lai trên sân Vinh. Cú duỗi mu của Phi Sơn bên phía SLNA khó thành bàn nếu bóng không đi lập bập.

-Anh chưa coi hết đó. Đa phần các sân bóng ở Việt Nam đều có mặt sân gồ ghề như thế. Và nhiều bàn thắng được ghi theo kiểu này.

+ Thế cũng tốt. Chúng ta có nhiều siêu phẩm. Các trận đấu trở nên ngoạn mục. Các bình luận viên có nhiều bàn thắng để so sánh với các siêu sao của bóng đá thế giới. Việc gì phải làm lại mặt sân cho nó tốt hơn.   

-Nói như anh thì cả thế giới này người ta không cần phải đầu tư cho được một cái mặt sân tử tế, chăm sóc nó kỹ càng, thi thoảng dùng xe lu làm nhẵn, lắp cả hệ thống sưởi ấm để giữ cỏ vào mùa Đông.

+Nhưng đó là quốc tế. Việt Nam luôn khác.

-Không khác được đâu. Một mặt sân xấu là một phần nguyên nhân chỉ có những cầu thủ da màu to khỏe chạy nhanh sút bừa dễ thành công hơn so với cầu thủ châu Âu hoặc những người chơi kỹ thuật. Mà cầu thủ chúng ta cần những cầu thủ chơi bóng đầu óc, kỹ thuật để hấp thụ tư duy chiến thuật của họ thay vì làm công nhân phục vụ cho các cầu thủ to khỏe sút mạnh.

Một mặt sân xấu đôi khi tạo ra được các bàn thắng siêu phẩm, nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng của các trận đấu. Anh muốn chơi kỹ thuật ở tốc độ cao với các pha phối hợp ban chuyền thì cần phải có mặt sân chất lượng để không làm thay đổi đường bóng, không làm bóng chuyển hướng sau khi nảy lên. Đó là lý do tại các CLB của ta ra nước ngoài đá nhiều khi chơi hay hơn khi chơi ở V-League.

Ông Lê Thụy Hải mới đây đã thừa nhận điều này, dù cho sân Bình Dương cũng thuộc dạng đẹp ở Việt Nam. Mà đá sân đẹp thì cũng có siêu phẩm nếu như chúng ta có những cầu thủ được đào tạo cơ bản.

HAGL họ chơi trên sân Pleiku có mặt sân và mặt cỏ khá tốt đã ghi được những bàn thắng mẫu mực. Họ có thể ghi bàn một chạm sau các đường chuyền sệt. Đó là chưa kể mặt sân đẹp thì hạn chế chấn thương. Mặt sân xấu thì cầu thủ tiền tỉ có thể đứt dây chằng hoặc nhẹ thì lật sơ mi (cổ chân) nếu sa xuống một cái hố nhỏ nào đó trên sân.  

+Nhưng tôi nhớ đội bóng có mặt sân đẹp nhất cả nước, thậm chí hơn cả Mỹ Đình, là Nam Định với sân Thiên Trường thì họ lại rớt hạng và nay thì HAGL cũng đang gặp khó khăn.

-Nguyên nhân của Nam Định xuống hạng không phải do mặt sân. Mà do bóng đá ở đó chậm chuyển đổi từ quốc doanh, bao cấp, thiếu tiềm lực tài chính. Năm 2004, khi họ còn chưa bị ảnh hưởng lớn, họ là á quân. HAGL nay gặp khó vì cầu thủ quá trẻ, ngoại binh không giỏi và HLV là lính mới.

+Vậy sao các CLB không làm mặt sân tốt hơn để trận đấu chất lượng hơn, lôi kéo khán giả tới xem đông hơn?

-Tôi không trả lời thay được các CLB. Nhưng tôi nghĩ là các HLV họ biết cả về sự lợi hại của mặt sân xấu đẹp. Và cũng có thể có HLV thuyết phục các ông chủ nhưng không thành. Có khi họ nghĩ chỉ cần mua vài cầu thủ về, giải quyết mục tiêu trước mắt, nhắm vài cầu thủ to khỏe sút mạnh mà giá lại rẻ lại không cần sân đẹp. Cứ thắng là được. Không thắng thì loại người cũ, mua người mới.

+Thế thì cái quy định cần phải có tối thiểu 35 tỉ đồng/năm để một CLB chơi chuyên nghiệp mà VFF đưa ra để làm gì?

-Sân Lạch Tray phải làm lại mặt sân là do VFF yêu cầu tu sửa. Rồi đầu mùa đều đi thị sát đánh giá chất lượng. Nhưng đúng là cái việc mỗi CLB phải có 35 tỉ đồng chẳng liên quan gì tới mặt sân cả. Khi mà các ông bầu làm bóng đá đường ngắn thì cần có ai đó bắt họ vẫn phải tuân thủ những tiêu chuẩn của bóng đá chuyên nghiệp thực thụ.

Tôi là người hâm mộ, tôi chỉ thấy có hai tiêu chí mà từ đó tôi cho rằng bóng đá Việt Nam thời nay với thời bao cấp mà các đội bóng có ngân sách chỉ vài trăm triệu rồi vài tỉ đồng vẫn thế: Đó là mặt sân và cái toilet ở dưới gầm các khán đài. Khi nào cải thiện được thì chúng ta mới bắt đầu nói tới một nền bóng đá văn minh, phát triển.

+Tôi ghi nhận ý kiến của anh.

Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm