Bóng đá Việt Nam: Không dám mơ vô địch 'ao làng' sao tính chuyện ra 'biển lớn'

29/04/2015 06:06 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Có những sự đồng cảm nhưng cũng có không ít sự hụt hẫng khi HLV Miura và VFF chỉ nhận chỉ tiêu vào bán kết SEA Games 2015 - một thành tích mà chúng ta đã từng nhiều lần đạt được và vượt hơn thế.

Bóng đá Việt Nam bắt đầu tham dự SEA Games trở lại từ năm 1991, và suốt từ quãng thời gian đó đến nay, chúng ta đã trải qua 12 kỳ SEA Games, và trong đó chỉ có 4 lần không qua được vòng bảng (1991, 1993, 2001, 2013), còn lại có tới 8 lần lọt vào bán kết, và trong số này có những 4 lần tham dự chung kết.

Nói thế để thấy sự hiện diện của bóng đá Việt Nam ở vòng bán kết hay thậm chí là chung kết của các kỳ SEA Games không còn là thành tích quá mức xuất chúng, và với những gì mà bóng đá Việt Nam đã được đầu tư, một suất tham dự vòng bán kết SEA Games với chúng ta có thể coi là nhiệm vụ đương nhiên.

Trên cơ sở ấy, có thể thấy rằng việc Tổng cục TDTT đề ra chỉ tiêu có mặt trong trận chung kết với đội tuyển U23 Việt Nam tại SEA Games 28 sắp tới không phải là chuyện “hái sao trên trời”. Trong vòng chưa đến một năm qua, bóng đá Việt Nam đều gặt hái thành tích rất tốt ở 2 sân chơi châu lục dành cho cấp độ U23 là Asian Games 17 (lọt vào vòng 1/8) và vòng loại giải U23 châu Á 2016 (lọt vào VCK).



Vượt qua vòng loại U23 châu Á nên mục tiêu vào bán kết SEA Games 28 dường như là khiêm tốn với U23 Việt Nam

Trong khi đó, SEA Games chỉ là đấu trường ở cấp độ khu vực và thậm chí còn không được FIFA và AFC đưa vào hệ thống thi đấu chính thức. Một khi đội tuyển Olympic và đội tuyển U23 Việt Nam đã đạt được những thành tích cụ thể tại sân chơi châu lục thì người hâm mộ hoàn toàn có quyền yêu cầu hơn thế ở những giải đấu cấp độ khu vực như SEA Games.

Tại sao là bán kết?

Việc HLV Miura và VFF thống nhất đưa ra chỉ tiêu lọt vào bán kết SEA Games 28 không phải là điều ngạc nhiên, bởi trước thềm AFF Cup 2014, nhà cầm quân người Nhật Bản cũng chỉ nêu mục tiêu lọt vào bán kết cho đội tuyển Việt Nam.

Trước HLV Miura, rất nhiều HLV nước ngoài khác khi dẫn dắt các ĐTQG Việt Nam đều hiếm khi nói rõ mục tiêu là chung kết mà chỉ nói chung chung là vào bán kết, bởi mục tiêu vào bán kết là cách nói khác của mục tiêu “vượt qua vòng bảng”, mà dù sao nghe cụm từ “vào bán kết” cũng có cảm giác “sang” hơn so với nhiệm vụ “vượt qua vòng bảng”.

Ở SEA Games 24 năm 2007, cho dù đội tuyển U23 Việt Nam thảm bại ở trận tranh HCĐ khi thua Singapore tới 0-5 thì HLV Alfred Riedl vẫn nói rằng đội bóng do ông dẫn dắt đã lọt vào top 4 đội mạnh nhất giải.

Ở SEA Games 25 năm 2009, đội tuyển U23 Việt Nam dưới quyền HLV Henrique Calisto thất bại trong trận chung kết, nhưng khi trả lời phỏng vấn báo chí, HLV Calisto vẫn khẳng định đội bóng của ông đã có danh hiệu tại SEA Games năm ấy, dù chẳng ai xem chiếc HCB là danh hiệu thực thụ.



HLV Miura thận trọng khi nhận chỉ tiêu vào bán kết SEA Games 28

Bởi thế, việc một HLV thận trọng như ông Miura chỉ nhận mục tiêu vào bán kết SEA Games 28 là một lựa chọn rất có toan tính và có vẻ như đã được suy nghĩ kỹ càng.

Tham vọng đổi màu huy chương môn bóng đá nam tại SEA Games luôn là giấc mơ đau đáu của hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam, nhưng kể cả khi đã đoạt chức vô địch AFF Cup 2008 thì chúng ta cũng không thể hiện được sự vượt trội so với các đối thủ trong khu vực.

Đấy là sự khác biệt rất lớn giữa bóng đá Việt Nam với một số nền bóng đá từng thống trị ngôi vị số một khu vực trong một quãng thời gian nhất định như Thái Lan (giai đoạn cuối những năm 90 đầu những năm 2000) hay Malaysia (giai đoạn 2009-2011).

Với lứa cầu thủ U19 mà nòng cốt là các học viên khóa I và II Học viện HAGL Arsenal JMG, người hâm mộ Việt Nam đã đặt rất nhiều kỳ vọng, và thậm chí có lãnh đạo VFF còn trao gửi cả giấc mơ World Cup cho lứa cầu thủ này.

Tuy nhiên, ở vòng loại giải U23 châu Á năm 2016 vừa qua, chỉ 2 cầu thủ từ đội tuyển U19 Việt Nam nổi đình nổi đám dạo nào lọt vào được danh sách thi đấu chính thức là Công Phượng và Tiến Dũng, còn những cầu thủ khác đều rơi rụng vì chấn thương hoặc khả năng không phù hợp.

Mà ngay cả khi đội tuyển U19 Việt Nam vẫn còn được hoạt động trong 2 năm 2013 và 2014 thì cũng hiếm khi nào các cầu thủ chúng ta thể hiện được khả năng chuyên môn vượt trội khi đối đầu với những đối thủ đồng trang lứa trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Myanmar.

Ngay cả với những đối thủ thuộc diện chưa phát triển của bóng đá khu vực như Lào hay Campuchia thì cũng có nhiều thời điểm đội tuyển U19 Việt Nam phải thi đấu rất chật vật mới giành được chiến thắng, nên sẽ là không thực tế nếu nói rằng lứa cầu thủ U19 Việt Nam sẽ giúp bóng đá Việt Nam tạo nên trang sử mới ở khu vực.

Nói một cách đơn giản thì không ai chấp nhận dừng lại khi chúng ta đang tiến lên, và nếu như bóng đá Việt Nam đạt được một sự tiến bộ nhất định nào đấy thì điều này cũng đồng nghĩa với việc các đối thủ của chúng ta có thể đã làm được như thế, hoặc thậm chí là hơn thế.

Trong bối cảnh chưa rõ thực lực của đối phương như vậy, HLV Miura có lý do để chỉ nhận mục tiêu đưa đội tuyển U23 Việt Nam vào bán kết, thay vì chung kết như mong đợi của Tổng cục TDTT.

Tại sao không nên là bán kết?

Trong lịch sử 12 kỳ SEA Games mà bóng đá Việt Nam đã tham dự từ năm 1991 cho tới nay, chỉ có 4 lần đội tuyển Việt Nam (2 lần) và đội tuyển U23 Việt Nam (2 lần) không vượt qua được vòng bảng, mà 2 lần không qua được vòng bảng của đội tuyển Việt Nam (1991 và 1993) là thời kỳ bóng đá Việt Nam mới hội nhập trở lại với sân chơi khu vực nên còn bỡ ngỡ và non kém kinh nghiệm.

Còn 2 lần không qua được vòng bảng của đội tuyển U23 Việt Nam (2001 và 2013) đều có cùng nguyên nhân là chúng ta đã không có sự chuẩn bị thật tốt. Cụ thể, ở kỳ giải năm 2001, bóng đá Việt Nam đã không có sự chuẩn bị lâu dài và hiệu quả cho việc lần đầu tiên BTC SEA Games đưa ra quy định về giới hạn độ tuổi xuống còn U23 cho các đội tuyển tham dự Đại hội thể thao Đông Nam Á.



Bóng đá Việt Nam cần hướng đến những mục tiêu lớn hơn thay vì chỉ quanh quẩn với sân chơi SEA Games. Ảnh: Thanh Hà

Trong khi đó, thất bại của đội tuyển U23 Việt Nam ở SEA Games 2013 được cho là vì VFF đã hơi nóng vội và cảm tính khi bổ nhiệm HLV Hoàng Văn Phúc vào vị trí HLV trưởng, để rồi ông thầy này đã không thể hoàn thành nhiệm vụ vì có quá ít kinh nghiệm huấn luyện bóng đá đỉnh cao, dù đã nắm trong tay lực lượng không đến nỗi nào.

Bằng chứng cho sự bất lực của ông Phúc là việc cũng với thành phần cầu thủ như thế, chỉ chưa đầy một năm sau HLV Miura đã thổi vào luồng sinh khí khác hẳn và đưa đội bóng chúng ta lọt vào tới vòng 1/8 ASIAN Games 2014 sau khi đã toàn thắng ở vòng bảng dù nằm chung bảng đấu với Olympic Iran.

Vấn đề chúng tôi muốn nói ở đây là năng lực chuyên môn của các tuyển thủ QG Việt Nam hiện tại đã luôn đứng ở tốp đầu xét theo mặt bằng trình độ ở Đông Nam Á, và trên bình diện châu Á, mặc dù chúng ta còn cách khá xa so với nhóm 1 gồm các đại diện Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên, song với các đội bóng ở nhóm 2 thuộc khu vực Tây Á và Trung Á như UAE, Iran, Uzbekistan… thì bóng đá Việt Nam đã có trận thắng trận thua chứ không lép vế hoàn toàn.

Những thành tích ấn tượng trong gần 10 năm qua ở đấu trường khu vực như lọt vào tứ kết Asian Cup 2007, lọt vào vòng loại thứ 3 Olympic Bắc Kinh 2008 hay 2 lần liên tiếp góp mặt ở vòng 1/8 môn bóng đá nam ASIAN Games (2010 và 2014) chính là bằng chứng thuyết phục cho thấy sự phát triển có căn cơ và tương đối vững chắc của bóng đá Việt Nam.

Đấy còn chưa kể tới việc các đội trẻ QG của chúng ta như đội tuyển U16 hay đội tuyển U19 đều đã liên tục giành vé tham dự VCK châu lục trong các năm gần đây, và mới đây nhất là đội tuyển U23 Việt Nam đã xuất sắc vượt qua vòng loại giải U23 châu Á năm 2016.

Có thể nói rằng sau những gì bóng đá Việt Nam đã làm được trong gần một thập kỷ trở lại đây, SEA Games tuy không phải là cái áo quá đỗi chật chội với bóng đá Việt Nam, song có lẽ đã đến lúc chúng ta không nên coi sân chơi khu vực này như là khuôn vàng thước ngọc để đánh giá trình độ của bóng đá Việt Nam.

Đã đến lúc “bỏ qua” SEA Games

Tất cả chúng ta đều biết Thái Lan đã công khai nêu ra mục tiêu tấn công vào tốp đầu của bóng đá châu lục từ gần 20 năm nay, và cho tới giờ họ vẫn chưa thành công, song ở sân chơi khu vực, họ vẫn là thế lực số một, mà bằng chứng là việc Thái Lan đã thâu tóm trọn bộ 4 HCV bóng đá ở SEA Games 27 năm 2013.

Hay Nhật Bản cũng vậy, chỉ mới tham dự World Cup lần đầu tiên vào năm 1998 và chưa bao giờ lọt tới vòng tứ kết nhưng Nhật Bản vẫn mạnh dạn đặt mục tiêu vô địch World Cup 2050, và dù còn cách rất xa so với giấc mơ vô địch World Cup, song ở đấu trường châu lục, Nhật Bản luôn là số một và đấy chính là cơ sở để họ tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ World Cup.

Vẫn có câu “Biết đi rồi mới biết chạy”, hiểu nôm na nghĩa là muốn làm tốt việc lớn thì trước hết chúng ta phải học cách hoàn thiện mình ở những việc nhỏ.

Áp dụng câu nói này vào bóng đá Việt Nam sẽ thấy rằng chúng ta làm sao có thể nói tới chuyện nâng tầm nền bóng đá, nếu như chúng ta không dám đặt mục tiêu giành vị trí cao nhất ở ngay cả những sân chơi thuộc diện ao làng như SEA Games?

Nếu bóng đá Việt Nam cứ mãi quẩn quanh với mục tiêu “lọt vào bán kết” ở hết kỳ SEA Games này cho tới kỳ SEA Games khác thì liệu đến bao giờ chúng ta mới có thể chen chân vào tốp những đội bóng hàng đầu của châu lục?

Bóng đá Việt Nam có 4 lần bị loại ngay sau vòng bảng ở các kỳ SEA Games năm 1991, 1993, 2001 và 2013

Bóng đá Việt Nam từng có 4 lần tham dự chung kết SEA Games tại các kỳ Đại hội năm 1995, 1999, 2003, 2005 và 2009 8

Đã có tổng cộng 8 lần các đại diện của bóng đá Việt Nam góp mặt ở các kỳ bán kết SEA Games vào các năm 1995, 1997, 1999, 2003, 2005, 2007, 2009 và 2011


Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm