Bóng đá Việt Nam: Danh và thực

25/09/2017 10:59 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Nhóm khoảng 100 CĐV HAGL và cũng bằng chừng ấy "fans" của CLB TP.HCM ở 2 đầu khán đài C và D, đã cổ vũ rất sung suốt trận đấu, nhưng không thể cứu vãn một trận cầu tẻ nhạt của vòng 19 V-League. Dường như số đông người đến sân Thống Nhất lúc này, chỉ để giết thời gian, thay vì "nhiệm vụ" thực sự cổ động đội bóng mà họ yêu.

1. Trong khoảng 3-4 năm gần đây, kể từ khi lứa Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thanh... ra ràng, HAGL sở hữu một chân rết hệ thống fans hâm mộ dọc theo đất nước. Đó là một hiện tượng xưa nay hiếm, mà từ thuở Cảng Sài Gòn hay Thể Công (cũ) cũng khó thể có được. Nhưng, tinh thần cổ vũ - cổ động cho "những đứa trẻ nhà bầu Đức" chỉ là hiện tượng, không phải niềm tin bền vững, khi mỗi ngày qua đi, những kỳ vọng vào lứa trẻ tài năng bậc nhất này dần nguội.

Trận đấu với TP.HCM chiều qua, ngay cả khi HAGL bị trọng tài (trợ lý 1 - Trịnh Văn Lương) tước một bàn thắng hợp lệ của Marcelino Henrique, khi ông này căng cờ báo việt vị không chuẩn xác, thì người của Gia Lai, từ quân đến tướng và cả các CĐV, cũng không màng phản ứng. Trước và sau tình huống nhạy cảm này, Công Phượng và đồng đội tuy là tạo được một thế trận khá sáng sủa, với thời lượng kiểm soát bóng nhỉnh hơn, nhưng phần lớn họ chỉ "đá lông", tức đá vòng ngoài.

Tất nhiên, HAGL và CLB TP.HCM chỉ là những đội bóng trung bình yếu tại V-League 2017, kể cũng khó đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng chuyên môn. Nhưng nhìn chung các trận đấu kể từ sau giai đoạn nghỉ mùa giải lần 2, có chất lượng chuyên môn thấp, CĐV (chứ đừng nói khán giả), chẳng màng tới sân. Đó thực sự là một nỗi đau với nhà tổ chức cho gói sản phẩm trị giá hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng như V-League.

2. Cũng trong ngày cuối tuần qua, bóng đá Việt Nam bất ngờ đón nhận hàng loạt các danh hiệu cá nhân và tập thể của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á như: Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất (Văn Hậu); trợ lý trọng tài xuất sắc; HLV có nhiều đóng góp (Mai Đức Chung) và đặc biệt là Liên đoàn bóng đá xuất sắc nhất năm (VFF)... Đây há chẳng phải là những an ủi, vỗ về cho một nền bóng đá đã và đang trải qua những nỗi đau, những khủng hoảng niềm tin tưởng như không hồi kết sao?!

Bầu Đức có thể giúp tuyển Việt Nam tìm HLV trường, VFF chỉ gặp xã giao Kiatisuk

Bầu Đức có thể giúp tuyển Việt Nam tìm HLV trường, VFF chỉ gặp xã giao Kiatisuk

Bầu Đức có thể giúp tuyển Việt Nam tìm thuyền trường, VFF chỉ gặp xã giao Kiatisuk là những thông tin chính bóng đá Việt 23/9.

Nhưng cũng đừng vì những giải thưởng đó mà quên đi thực trạng của 1 nền bóng đá quốc gia và rộng hơn là của cả bóng đá khu vực. Nên nhớ rằng AFF cũng chỉ mới ra đời từ năm 1984 và cũng chỉ đủ 11 thành viên trong khu vực vào năm 2004 với sự gia nhập của Timor Leste. Chất lượng bóng đá khu vực có lẽ chả phải bàn, đó là còn chưa kể đến cung cách tổ chức, thi đấu nhiều khác biệt. Thế mới có chuyện, Philippines đứng trên Thái Lan, bởi 1 năm họ chỉ đá một trận với đối thủ kiểu Macau hay Hong Kong (Trung Quốc) và thắng, trong khi Thái thua túi bụi trước Nhật Bản hay Saudi Arabia, hoặc Iraq chẳng hạn.

Hay như kiểu người Mã vừa đối xử với môn bóng đá nữ tại SEA Games 29 vừa qua (không tổ chức sản xuất truyền hình), dù bóng đá nữ có hẳn 1 hạng mục giải thưởng của AFF và bóng đá nữ Đông Nam Á có hẳn đội tuyển (Thái Lan) dự VCK FIFA World Cup nữ!?

Nói tóm lại, các vinh quang cá nhân và tập thể mà chúng ta vừa nhận được từ tổ chức đứng đầu các nền bóng đá kém phát triển vào bậc nhất thế giới này có lẽ mang ý nghĩa về tinh thần nhiều hơn là thực chất. Giống như V-League, giữa danh và thực là cả 1 khoảng cách.

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm